Hiện thực hóa lộ trình 'phủ xanh' xe buýt tại Tp.HCM
Trong bối cảnh các đô thị lớn đang đối mặt với áp lực giao thông và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, Tp.HCM đã đưa ra lộ trình nhằm 'phủ xanh' hệ thống xe buýt, hướng tới mục tiêu phát triển giao thông công cộng sử dụng năng lượng sạch.
Hướng tới xe buýt điện và năng lượng sạch
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Tp.HCM do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Sở Thông tin - Truyền thông Tp.HCM tổ chức ngày 19/9, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM (GTVT) cho biết, Tp.HCM đang thử nghiệm một tuyến xe buýt điện với tổng cộng 13 xe buýt có sức chứa lớn từ 65-70 chỗ.
Tuyến xe buýt điện này do Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Sinh thái Vinbus quản lý và vận hành, với tuyến D4 hoạt động ổn định.
Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, tuyến D4 đã vận chuyển hơn 681.000 lượt hành khách với tổng số 26.670 chuyến xe. Sự thành công bước đầu của tuyến xe buýt điện này đã mở đường cho việc mở rộng mạng lưới xe buýt điện trên toàn Thành phố trong thời gian tới.
Song song với xe buýt điện, Tp.HCM cũng đang sử dụng 516 xe buýt chạy bằng khí nén tự nhiên (CNG) trên 18 tuyến xe buýt có trợ giá.
Tp.HCM đã đầu tư xây dựng 3 trạm cung cấp nhiên liệu CNG tại Bãi xe buýt Phổ Quang, Bến xe buýt Đại học Quốc gia và Bến xe An Sương. Đây là những bước quan trọng trong việc giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng sạch hơn.
Theo chỉ đạo của UBND Tp.HCM, Sở Giao thông Vận tải đang triển khai một kế hoạch toàn diện nhằm chuyển đổi hệ thống xe buýt sử dụng năng lượng xanh và điện năng.
Mục tiêu của Tp.HCM là đến năm 2030, toàn bộ các phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sẽ sử dụng điện hoặc năng lượng sạch.
Lộ trình này không chỉ tập trung vào việc thay thế phương tiện mà còn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ, bao gồm các trạm sạc điện và trạm cung cấp khí CNG.
Sở GTVT cũng đề xuất các chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đầu tư phương tiện và trạm sạc.
Một trong những chính sách nổi bật là hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp đầu tư phương tiện xe buýt điện, với mức lãi suất cố định 3% trong suốt thời hạn vay và thời gian hỗ trợ lãi suất lên đến 7 năm.
Điều này giúp giảm thiểu áp lực tài chính cho các doanh nghiệp, khuyến khích họ đầu tư vào phương tiện sạch.
"Phủ xanh" xe buýt, tốt nhưng không dễ
Trao đổi với Người Đưa Tin, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý Tp.HCM nhận xét, đây là một tín hiệu, cách làm tốt.
Theo ông Phúc, việc chuyển hóa xanh, đặc biệt là xe buýt là điều rất tốt. Tốt ở chỗ, sẽ giảm phát thải khí CO2 từ nhiên liệu đốt ra ngoài môi trường, làm không khí trở nên xanh sạch hơn, đặc biệt là ở đô thị loại 1 như Tp.HCM - một thành phố có quá nhiều xe cộ.
"Ngoài ra, không chỉ nên dừng lại ở xe buýt, tôi nghĩ các loại xe máy hiện tại sử dụng điện vẫn sẽ tốt hơn. Ở các quốc gia lớn khác, xe điện cũng đã dần dần thay thế các loại xe chạy bằng nguyên liệu khí đốt như xăng, dầu. Nhờ vậy mà chất lượng không khí tốt hơn đáng kể. Người dân không phải chen chúc trong khói bụi đường phố", ông Phúc nói.
Tuy vậy, theo ông Phúc, việc chuyển hóa xanh, "phủ xanh" xe buýt vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn nhất định. Việc "phủ xanh" cần nhiều thời gian, công sức và nguồn tiền.
Thứ nhất là số tiền đầu tư sản xuất xe điện. Thứ hai là nguồn tiền, nguồn lực xây dựng các trạm sạc điện. Thứ ba là làm sao để cho người dân họ có thói quen sử dụng xe buýt điện. Trong khi trước đó, họ đều đã quen đi các loại xe buýt truyền thống.
"Việc thay đổi đột ngột này cần có thời gian để người dân tiếp nhận. Điều này khá là khó, tuy nhiên nếu quyết tâm, kiên trì làm thì sẽ thành công", Tiến sĩ Phúc nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Sở GTVT, mặc dù kế hoạch chuyển đổi xe buýt điện là một bước tiến quan trọng, Tp.HCM vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Việc xây dựng các trạm sạc điện, hạ tầng hỗ trợ cần một nguồn vốn đầu tư lớn và thời gian triển khai lâu dài. Đồng thời, chi phí vận hành xe buýt điện vẫn cao hơn so với xe buýt sử dụng nhiên liệu truyền thống, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng về nguồn vốn và hiệu quả kinh tế trong dài hạn.
Tuy nhiên, với sự quyết tâm của chính quyền và sự đồng hành của các doanh nghiệp, Tp.HCM đang từng bước thực hiện mục tiêu "phủ xanh" hệ thống xe buýt.
Đây là một tín hiệu tích cực trong công cuộc giảm thiểu ô nhiễm không khí và phát triển bền vững. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, thân thiện với môi trường.