Hiến kế sửa Nghị định 95 kinh doanh xăng dầu: Cách nào để không thiếu xăng?

Theo các chuyên gia, sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, cần quan tâm đến công thức giá, chu kỳ tính giá và quy định về điều chỉnh giá.

Chi phí kinh doanh - điểm nghẽn mấu chốt

Trước bối cảnh thị trường xăng dầu có những bất ổn thời gian qua, Bộ Công thương cũng đã có văn bản hỏa tốc gửi các bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố liên quan đến việc sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu.

Đây là động thái để thực hiện Nghị quyết số 143 ngày 04/11/2022 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022, Công điện số 1085 ngày 11/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu.

Bộ Công thương được giao chủ trì, khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn, báo cáo Chính phủ trong tháng 11/2022.

Tình trạng căng thẳng nguồn cung vẫn diễn ra, khi nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa nghỉ bán vì lỗ

Tình trạng căng thẳng nguồn cung vẫn diễn ra, khi nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa nghỉ bán vì lỗ

Bước đầu, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp rà soát và đưa ra một số vấn đề cần đề xuất, sửa đổi. Trong đó có vấn đề về chu kỳ điều hành giá xăng dầu, việc quy định chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn.

Việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu; việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu; việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu… cũng đã được rà soát.

Góp ý về việc sửa đổi Nghị định 95, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam nhấn mạnh “Chi phí kinh doanh là điểm nghẽn mấu chốt” của thị trường thời điểm qua, do đó, để ổn định được thị trường xăng dầu thì cần thiết phải sửa đổi đúng và đủ vấn đề này.

Ông Bảo phân tích, hiện nay chúng ta đang bị lẫn lộn, hiểu chưa đúng các loại chi phí.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam

Theo ông, trong cấu trúc của Nghị định 95, công thức giá cơ sở có hai phần, gồm công thức nhập trong nước và công thức nhập nước ngoài. Nguyên lý không có gì khác nhau, nhưng công thức nhập từ nước ngoài được cộng thêm phụ phí 2-3 USD, trong khi mua hàng trong nước lại không được.

Thực tế, cơ cấu nhập khẩu chỉ chiếm 20-25%, phần còn lại là mua trong nước. Như vậy, điểm vênh này khiến cho phần lớn DN bị tụt vốn, bởi có những phụ phí khi mua hàng trong nước phải gánh khoảng 0,8-1 USD, nhưng phụ phí này không được đưa vào công thức tính giá.

Còn với chi phí lưu thông, vẫn giữ mức 1.350 đồng/lít áp dụng từ năm 2014, theo ông Bảo, cũng cần phải điều chỉnh khi hiện nay còn rất nhiều loại chi phí khác mà doanh nghiệp phải chi như: Hải quan yêu cầu các đầu mối nhập khẩu tự động kết nối; thuế cũng yêu cầu lắp VAT để trả từng hóa đơn bán lẻ cho người tiêu dùng; rồi đòi hỏi của quá trình chuyển đổi số, thanh toán không tiền mặt…

“Tất cả đều phải có chi phí và chi phí rất lớn, vậy nguồn này ở đâu? Đây cũng là lý do các doanh nghiệp đã liên tục kiến nghị các cơ quan chức năng cần có giải pháp”, ông Bảo đặt vấn đề.

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, công thức tính giá đã lỗi thời, cần có những điều chỉnh theo những chi phí phát sinh hiện nay.

“Điều chỉnh cần theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ thực tế hiện nay bao gồm: Premium của nguồn nhập khẩu và mua trong nước theo đúng tập quán quốc tế; chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về đến cảng Việt Nam; tỷ giá; chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng và toàn bộ chi phí kinh doanh, định mức kinh doanh xăng dầu”, ông Thỏa nói.

Đổi mới chu kỳ tính giá, quy định thêm về điều chỉnh giá

Một điểm cần đổi mới khác được nhiều chuyên gia nhấn mạnh khi góp ý sửa Nghị định 95 là chu kỳ tính giá. Điều này được nhận định sẽ giải quyết được tính dị biệt của thị trường xăng dầu thời gian qua.

Theo chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, chu kỳ tính giá cần sửa theo hướng rút ngắn từ 10 ngày xuống 5 ngày (Phù hợp với phương thức mua, bán 2-1-2); tránh tính giá thế giới bình quân gồm các ngày nghỉ, lễ, tết,… nhằm để phản ánh sát hơn biến động của giá thế giới, giảm sự “lệch pha” giữa giá trong nước với thị trường thế giới.

“Chỉ có như vậy mới giải quyết việc nhiều đơn vị găm hàng, chờ giá tăng, ảnh hưởng đến việc cung ứng trên thị trường”, ông Thỏa nhấn mạnh.

Đưa thêm giải pháp, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu cho rằng, cần xem xét lại những quy định về điều chỉnh giá.

Ông Bùi Ngọc Bảo cho hay, nhìn lại cơ chế giá hiện nay, và các cơ chế tính giá xăng dầu trong các văn bản trước, thì việc định giá hiện nay khiến giá xăng dầu vừa là giá sàn, vừa là giá trần.

Còn trong Nghị định, DN chỉ được quyền bán buôn nhưng không được vượt giá cơ sở nhà nước đề ra.

Do đó, ông Bảo đề nghị rà soát lại 1 Quyết định và 5 Nghị định liên quan đến xăng dầu.

“Cụ thể, Quyết định 187 (ngày 15/9/2003) về việc ban hành quy chế quản lý xăng dầu. Nhà nước sẽ đưa ra giá định hướng, DN sẽ tự quyết định giá bán trên cơ sở giá định hướng đó. Mức chênh lệch giữa giá bán của DN và giá định hướng của nhà nước không vượt quá mức quy định ngưỡng 10% với xăng và 5% với mặt hàng khác.

Sau đó, năm 2007 đưa ra Nghị định 55. Nghị định này có nhiều chế tài hơn nhưng giá vẫn theo tư tưởng thị trường hóa, cho phép DN điều chỉnh, xăng thả nổi và dầu bù lỗ.

Đến năm 2009, ra Nghị định 84 – đây là Nghị định tính toán kỹ và tương đối tiên tiến, đã đưa ra giá định hướng, DN được quyền tăng, giảm từ 7-13% và được quyền quyết định 60%, còn lại lấy từ Quỹ bình ổn.

Tuy nhiên, đến năm 2014 bắt đầu ra Nghị định 83. Nghị định này coi như áp giá cứng, DN không được quyền quyết định. Vô hình chung, xuyên suốt thị trường giai đoạn này là giá bình ổn. Còn ở Nghị định 95, sửa đổi một số điều của Nghị định 83 cũng tương tự”, ông Bùi Ngọc Bảo phân tích.

Do đó, vị này kiến nghị nên rà soát tất cả chi phí, để đặt ra giá trần, trên cơ sở đó, DN tự điều chỉnh mức giá dưới giá trần.

Ngoài ra, các chuyên gia còn góp ý, sắp xếp lại hệ thống phân phối xăng dầu làm sao để chặt chẽ hơn. Không xẩy ra tình trạng các cây xăng bị “bỏ rơi” thời gian qua.

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)

“Bãi bỏ ngay quy định các thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối, bởi quy định này luôn xảy ra tình trạng: Không thương nhân đầu mối nào chủ động được lượng hàng cho thương nhân phân phối và thương nhân phân phối dễ bị thương nhân đầu mối “bỏ rơi” khi lượng hàng khan hiếm.

Thay thế quy định trên bằng quy định, một thương nhân phân phối chỉ được mua hàng của hai thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối phải đăng kí, cam kết số lượng mua, đăng ký hệ thống thuộc mình quản lý với thương nhân đầu mối mà mình kí kết”, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa hiến kế.

Những góp ý trên, theo các chuyên gia là để dần đưa xăng dầu trả lại hoạt động kinh doanh tuân thủ theo các nguyên tắc thị trường; thực hiện đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia; đa dạng hóa các các phương thức kinh doanh, trong đó có các phương thức kinh doanh trong thị trường phái sinh.

Từ đó, xóa bỏ tình trạng bảo hộ bất hợp lý, không bình đẳng giữa các DN (ví dụ về việc bao tiêu sản phẩm) nhằm tạo môi trường DN được tự chủ thực sự trong kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh.

Đồng thời, xóa bỏ việc định giá theo chu kỳ, chuyển theo hướng DN tự định giá, cạnh tranh về giá theo tín hiệu khách quan của thị trường...

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hien-ke-sua-nghi-dinh-95-kinh-doanh-xang-dau-hay-de-thi-truong-quyet-dinh-d572691.html