Hệ số nợ so với vốn chủ sở hữu khi phát hành trái phiếu, mức nào là đủ?

Đại biểu Quốc hội tranh luận về quy định dư nợ không quá 5 lần vốn chủ sở hữu, vậy linh hoạt để thúc đẩy phát hành trái phiếu hay siết chặt để kiểm soát rủi ro?

Giao Chính phủ quyết hệ số nợ

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) nhấn mạnh, trong bối cảnh Quốc hội đang nỗ lực tháo gỡ rào cản cho kinh tế tư nhân, việc sửa đổi luật cần đặt mục tiêu rõ ràng: Dễ hiểu, dễ thực thi và đi vào thực tế ngay khi ban hành.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị). Ảnh: VPQH

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị). Ảnh: VPQH

Ông đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo tiếp thu của Bộ Tài chính và góp ý ba vấn đề cụ thể.

Thứ nhất là kiểm soát vốn ảo khi thành lập doanh nghiệp. Đại biểu ủng hộ việc không siết điều kiện tiền kiểm trong đăng ký kinh doanh, bởi quy định thông thoáng đã giúp khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh suốt gần 30 năm qua.

Tuy nhiên, để ngăn ngừa gian lận, ông đề xuất tăng cường hậu kiểm trên cơ sở quản lý rủi ro, nghĩa là có tiêu chí cụ thể để xác định doanh nghiệp rủi ro cao, kiểm tra theo tần suất phù hợp, tránh việc tùy tiện gây phiền hà, tiêu cực cho doanh nghiệp.

Ông dẫn chứng, biện pháp kiểm tra theo mức độ rủi ro này đã được áp dụng trong ngành thuế và hải quan trong những năm qua đã mang lại nhiều lợi ích rất hiệu quả. Hiện nay, cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp đang được xây dựng và tập hợp đầy đủ. Đây là cơ sở rất tốt để triển khai việc chấm điểm rủi ro và kiểm tra theo cấp rủi ro.

Thứ hai là quy định về chủ sở hữu hưởng lợi. Đây là yêu cầu cần thiết nhằm thực hiện cam kết phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi hiện còn thiếu rõ ràng.

Hiện nay, các tổ chức tín dụng vẫn dựa trên cơ sở tự khai báo của khách hàng, chủ tài khoản chứ không có biện pháp nào để xác minh”- ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.

Sáng 20/5, các đại biểu thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Sáng 20/5, các đại biểu thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Ông Đồng cho rằng cần phân loại trường hợp cụ thể: Các doanh nghiệp có cá nhân sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% vốn trở lên thì bắt buộc phải khai báo; còn những tiêu chí định tính như “người có quyền chi phối” thì nên yêu cầu khai báo nhưng chưa xử phạt nếu chưa đầy đủ, chờ đến khi có quy định chi tiết, rõ ràng hơn.

Thứ ba là điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ. Về đề xuất quy định dư nợ không quá 5 lần vốn chủ sở hữu, ông cho rằng nên linh hoạt. Ông cho biết, trong luật sửa 9 luật thuộc lĩnh vực tài chính chỉ giao Chính phủ quy định chi tiết chứ không quy định cứng.

Theo ông, các quy định khác về điều kiện phát hành, điều kiện người mua lại chủ yếu đang nằm ở cấp nghị định, nếu quy định cứng tỷ lệ 5 lần vốn chủ sở hữu trong luật thì sau này sẽ gây khó cho Chính phủ trong việc soạn thảo các quy định khác về phát hành chứng khoán riêng lẻ

Đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị, tiếp cận theo hướng của Luật Chứng khoán, giao Chính phủ quy định chi tiết.

Cần tính toán kỹ hệ số nợ để tránh rủi ro tài chính

Liên quan đến quy định về hệ số nợ phải trả trong phát hành trái phiếu riêng lẻ tại Điểm c1 Khoản 3 Điều 128 của dự thảo luật, phát biểu tranh luận với ý kiến của Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng: Việc đặt giới hạn hệ số nợ là cần thiết để đảm bảo doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong khả năng tài chính cho phép, tránh tình trạng đòn bẩy quá mức.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh). Ảnh: VPQH

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh). Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, mức trần 5 lần vốn chủ sở hữu như dự thảo là quá cao, có thể tiềm ẩn rủi ro lớn về thanh khoản và an toàn tài chính, nhất là khi phần lớn khoản nợ là ngắn hạn còn trái phiếu lại là công cụ huy động dài hạn.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ lấy dẫn chứng, nếu doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu là 1, nợ phải trả 5, thì tổng nguồn vốn là 6. Khi đó, tỷ lệ nợ trên tổng tài sản là 83,3%, còn vốn chủ chỉ chiếm 16,7%.

Đây là mức rủi ro cao nếu đánh giá trên tiêu chí an toàn tài chính. Đặc biệt, với các doanh nghiệp nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực nhiều biến động, việc duy trì mức đòn bẩy như vậy sẽ rất nguy hiểm trong điều kiện thị trường có biến động mạnh”- vị nữ đại biểu này cho hay.

Bà Thơ cũng dẫn chứng từ phân tích báo cáo tài chính của các doanh nghiệp hiện nay, hệ số nợ ở mức an toàn thường dao động từ 40% đến 60% tổng tài sản.

Đại biểu đề xuất cơ quan soạn thảo nên điều chỉnh hệ số nợ phải trả về mức từ 3,5 đến 4 lần vốn chủ sở hữu, đồng thời xem xét phân loại theo quy mô, lĩnh vực, mục đích vay vốn để đảm bảo tính phù hợp và linh hoạt hơn trong áp dụng chính sách.

Trong phiên thảo luận sáng 20/5 về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), có 18 ý kiến phát biểu và một ý kiến tranh luận sôi nổi, tâm huyết, tập trung vào các nội dung trọng tâm. Các đại biểu cơ bản thống nhất về sự cần thiết của việc sửa đổi luật và đồng thuận với nhiều nội dung dự thảo, đồng thời phân tích sâu hơn một số vấn đề như chủ sở hữu hưởng lợi, tư cách pháp nhân của cá nhân trong doanh nghiệp.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/he-so-no-so-voi-von-chu-so-huu-khi-phat-hanh-trai-phieu-muc-nao-la-du-388446.html