Hệ lụy nào có thể xảy ra với những đứa trẻ bị bạo hành?
Trước vụ bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng (TP.HCM), bác sĩ cho rằng, việc trẻ nhỏ bị bạo hành có thể để lại hệ lụy rất lớn cả về thể chất lẫn tinh thần.
Vụ Mái ấm Hoa Hồng: Những hệ lụy nào có thể xảy ra với trẻ bị bạo hành?
Liên quan đến vụ bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng (TP.HCM), bà Giáp Thị Sông Hương, người đại diện theo pháp luật của cơ sở, cùng một số nhân viên đã bị tạm giữ để làm rõ dấu hiệu vi phạm.
Có bảo mẫu thừa nhận hành vi đánh đập nhiều trẻ em tại đây để các cháu sợ mà nghe lời. Theo chuyên gia, việc trẻ nhỏ bị bạo hành có thể để lại hệ lụy rất lớn về thể chất và tinh thần.
Cụ thể, Ths.BS Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện E), cho biết bất cứ nhóm trẻ nào bị bạo hành đều chịu ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần ở những mức độ khác nhau.
Trong đó, về mặt phát triển thể chất, vận động thì trẻ nhỏ dưới 3 tuổi bị bạo hành sẽ phải đối mặt với những nguy cơ về cơ thể như gãy xương, dễ mắc bệnh về hô hấp, tiết niệu, cơ – xương. Trẻ bị bạo hành có thể phát triển chậm về mặt thể chất, chậm phát triển vận động.
Về mặt nhận thức, theo bác sĩ, trẻ dưới 3 tuổi bị bạo hành có nguy cơ phát triển nhận thức chậm hơn so với trẻ không bị bạo hành. Ví dụ, trẻ đến tuổi biết nói nhưng không nói được; đến tuổi biết tương tác nhưng không làm được; khó nhận biết đồ vật, con người; chậm phát triển ngôn ngữ...
Bác sĩ Chung cũng thông tin, về mặt cảm xúc xã hội thì trẻ bị bạo hành có thể kém hơn trong việc hiểu cảm xúc của người khác. Trẻ thường có những cảm xúc tiêu cực khi lớn lên và có thể có những cơn bột phát cảm xúc như mất kiềm chế, giận dữ, cáu gắt, đánh người khác.
Xu hướng thứ hai, trẻ thu mình rút khỏi xã hội, ít tương tác với mọi người. Trẻ chỉ biểu hiện ra bên ngoài bằng những cảm xúc buồn rầu, than khóc. Trong mối quan hệ với người khác, trẻ sẽ cảm thấy không an toàn và lo âu chia ly.
Về mặt bệnh lý thì trẻ bị bạo hành có thể sẽ có những hành vi chống đối. Một số trẻ có rối loạn trầm cảm, rối loạn gắn kết với người khác, stress sau sang chấn, rối loạn thích ứng, rối loạn khả năng điều hòa cảm xúc.
"Không phải 100% trẻ bị bạo hành sẽ có những rối loạn trên, tuy nhiên, vẫn sẽ có những di chứng nhất định nên cần phải theo dõi, quan tâm tới trẻ", bác sĩ Chung nhấn mạnh.
Vụ Mái ấm Hoa Hồng: Trẻ nhỏ cần được sự yêu thương
Theo chuyên gia tâm lý học trẻ em Phan Thị Lan Hương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em (thuộc Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học & Công nghệ) cho hay, tất cả những dấu ấn liên quan tới bạo hành đều có hệ lụy với trẻ. Tuy nhiên, với các bạn nhỏ dưới 3 tuổi, mức độ ảnh hưởng sẽ không biểu hiện rõ nét như trẻ lớn.
"Ví dụ, trẻ lớn có thể biểu hiện luôn trong cách ứng xử, giao tiếp, hành vi do đã có nhận thức. Còn trẻ dưới ba tuổi, biểu hiện có thể là tè dầm, khóc, ngủ hay giật mình, ăn uống kém. Ngoài ra, trẻ có thể rơi vào tình trạng thoái lui kỹ năng, hành vi, giao tiếp. Những hệ lụy về mặt sức khỏe tâm thần có thể sẽ theo trẻ ngay cả khi trẻ được chuyển tới một nơi chăm sóc mới", bà Lan Hương nói.
Bà Lan Hương cũng phân tích, với trẻ còn nhỏ chưa có nhận thức, khi chuyển tới một môi trường mới có sự vỗ về, yêu thương thì trẻ sẽ nguôi ngoai và quên đi. Tuy nhiên, với trẻ lớn hơn từ 2-3 tuổi bắt đầu có nhận thức yêu - ghét, sợ hãi sẽ có hậu quả tâm lý để lại rất lâu dài nếu như không có biện pháp hỗ trợ.
"Có thể trong cuộc sống hàng ngày trẻ có thể quên, nhưng đến lúc nào đó gặp lại hoàn cảnh đó, trẻ vô thức nhớ lại, dẫn tới khủng hoảng nhất định. Bị bạo hành là nỗi đau khiến cho trẻ trở nên nhạy cảm. Chính vì vậy phải có sự yêu thương, nhẫn nại thì mới có thể chăm sóc được những đứa trẻ, vì trẻ quá nhỏ. Cho nên với bất cứ mái ấm nào thì người quản lý phải là người yêu thương trẻ vô điều kiện. Tuyển dụng người chăm sóc cũng phải là những người có tình yêu thương với trẻ để tránh sự việc đáng tiếc khác có thể xảy ra", bà Lan Hương nói thêm.