Hãy quý trọng nước

Hội nghị chuyên gia công nghệ môi trường và Hội nghị nhà báo các thành phố châu Á do Chương trình an cư Liên hiệp quốc (UN-Habitat) tổ chức tại thành phố Fukuoka (Nhật Bản) đã nêu ra những vấn đề nổi cộm liên quan tới nước và các dự án cải thiện môi trường nước trong khu vực.

Vấn đề nan giải của các đô thị

Có thể thấy tình trạng khan hiếm nước sạch đang là mối lo chung ở các quốc gia. Thí dụ tại Mumbai (Ấn Độ), hơn 10 triệu dân sống dựa vào nguồn nước từ các ao hồ bị ô nhiễm, trong khi đó, tỷ lệ rò rỉ ở ngành cấp nước lên tới 40-60%, nguồn cung chính quy không đủ đáp ứng nhu cầu nên đã xuất hiện bọn “mafia nước”. Tương tự, ở Sri Lanka chưa tới 40% người dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch.

Thủ đô Jakarta của Indonesia cũng đang đau đầu khi tất cả 13 con sông chính đều bị ô nhiễm bởi chất thải sinh hoạt, nguồn nước ngầm bị khai thác vô tội vạ, nước máy đắt đỏ và tỷ lệ thất thoát khoảng 40%. Ở Nepal, có tới 6 dự án cung cấp nước nhưng thiếu sự hài hòa giữa các dự án đó.

Các chuyên gia công nghệ môi trường đã giới thiệu một số biện pháp nhằm cải tạo, xử lý nước bẩn thành nước sạch, gia tăng nguồn cung nước sạch và giảm thiểu thất thoát nước.

Trung tâm thành phố Fukuoka. B.TRÚC

Ở thành phố Fukuoka, tài nguyên nước không dồi dào. Năm 1978, 1994 Fukuoka đã trải qua 2 đợt hạn hán nặng nề. Từ đó, chính quyền và người dân đặc biệt chú ý tiết kiệm nước và phát triển các nguồn cung nước như đập nước sông, tái chế nước thải, khử mặn nước biển.

Đến Fukuoka, bạn có thể bắt gặp những logo cách điệu giọt nước đang chuyển động và dòng chữ “Mizu wo taisetsu ni” (tạm dịch: Hãy quý trọng nước) được dán ở những nơi người ta sử dụng nước như bồn rửa tay trong nhà vệ sinh công cộng, công sở, ở phòng tắm trong khách sạn… để nhắc nhở mọi người ý thức xem trọng nguồn nước, tránh lãng phí.

Trong mọi sinh hoạt hàng ngày, người dân đều cố gắng tiết kiệm nước. Họ hứng nước mưa, hứng sương mù, lắp đặt các thiết bị vòi nước, bồn cầu “thông minh” để tiết kiệm nước. Về phía chính quyền Fukuoka cũng vừa nghĩ cách tăng nguồn nước ngọt, vừa nghĩ cách giảm thất thoát nước.

Nhà chức trách xử lý nước thải thành nước tái chế cung cấp cho các công sở, công ty dùng làm nước dội cầu. Một dự án đầy tham vọng khác - Trung tâm khử mặn nước biển lớn nhất Nhật Bản Uminonakamichi Nata trị giá gần 41 tỷ yen (xấp xỉ 500 triệu USD) đã được phê duyệt năm 1998 và đi vào hoạt động từ năm 2005 với nhiệm vụ cung cấp liên tục nước ngọt được tách ra từ nước biển.

Biến nước biển thành nước uống

Trung tâm khử mặn nước biển còn có “biệt danh” MamizuPia, tọa lạc trên diện tích 46.000m2 trong một vùng đất lấn biển rộng lớn ở phía Bắc trung tâm thành phố Fukuoka, cách chưa tới 1 giờ xe chạy.

Tại đây, người ta sử dụng phương pháp độc đáo hút nước bên dưới lớp cát biển, tiếp đó áp dụng công nghệ màng siêu lọc loại bỏ vi khuẩn, rồi dùng điện áp cao để khử muối, lọc lần nữa qua màng bán thấm làm bằng sợi lõi rỗng có đường kính cực nhỏ 0,14mm (đường kính lõi 0,07mm).

Nhà máy khử mặn nước biển. Ảnh: B.TRÚC

Nhờ công nghệ độc đáo này, tỷ lệ nước ngọt tách ra từ nước biển được nâng lên 60% thay vì thông thường là 40%. Trung tâm có khả năng thu nhận 103.000m3 nước biển mỗi ngày, sau quy trình thẩm thấu ngược cho ra 50.000m3 nước ngọt, không chỉ góp phần cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Fukuoka mà còn xuất sang các địa phương lân cận.

Bình quân chi phí cho mỗi m3 tốn khoảng 200 yen (gần 50.000 đồng), mặc dù đắt gấp đôi so với sản xuất từ nước sông, nhưng trong chi phí này, có tới một nửa là khấu hao thiết bị, trả lãi vay; và để so sánh, 1 chai PET 500ml nước đóng chai tại máy bán hàng tự động có giá khoảng 100 yen.

Chúng tôi đã uống thử và phải nói là không thấy gì khác lạ giữa nước biển khử mặn so với nước uống thông thường. Muối tách ra từ quy trình khử mặn được vô bao bì tiêu dùng như muối bình thường.

Thất thoát nước dưới 3%

Bên cạnh đó, Fukuoka thành lập Trung tâm Kiểm soát Phân phối nước vào năm 1981 với chi phí 50 triệu USD. Trung tâm giám sát chặt chẽ nguồn nước cung cấp cho các hộ gia đình cũng như các cơ sở kinh doanh, điều tiết dòng chảy giữa các nhà máy nước, kiểm soát áp lực nước để giảm lượng nước rò rỉ. Trung tâm vận hành các van điện ở 177 điểm thuộc 21 khu vực, chuyển dòng, điều tiết nước sao cho áp lực nước luôn ổn định.

Trồng cây bằng nước khử mặn. B.TRÚC

Trung tâm cắt cử người túc trực phòng điều hành theo dõi từ xa hệ thống đường ống để kịp thời phát hiện sự cố nếu có và nhanh chóng cử tổ công tác đi kiểm tra, xử lý. Bên cạnh đó, còn có các nhân viên thường xuyên tuần tra thực địa đường ống cấp nước, mỗi năm họ phát hiện được 800-1.000 điểm rò rỉ để xử lý kịp thời. Hiện tại, 2.900km trong hệ thống cung cấp nước ở thành phố Fukuoka được kiểm tra sức khỏe hàng năm, chiếm 74% tổng số 3.900km đường ống.

Nhờ vậy tỷ lệ thất thoát nước tại Fukuoka được kéo giảm một cách đáng ngạc nhiên, từ khoảng 15% (đầu thập niên 1980) xuống chỉ còn 2,6% hiện nay. Trong khi đó, ở TPHCM tỷ lệ thất thoát nước sạch năm 2004 là hơn 30%, đến năm 2010 đã vọt lên 40,32%, tức mỗi ngày chúng ta mất hơn 3 tỷ đồng.

Thất thoát nước khiến nhiều người dân mất cơ hội được sử dụng nước, còn những người được dùng nước phải gánh thêm chi phí cho phần nước bị thất thoát này.

Xây dựng nhà máy biến nước biển thành nước ngọt có thể không thiết thực với tình hình TPHCM, nhưng thành lập trung tâm đặc nhiệm chống thất thoát nước là chuyện trong tầm tay nhà chức trách, và tiết kiệm nước là điều mỗi chúng ta có thể thực hiện được trong cuộc sống hàng ngày.

Bảo Trúc

Nguồn SGGP: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20121227/hay-quy-trong-nuoc.aspx