Hậu quả kinh tế của tình trạng thời tiết quá nóng ở Trung Quốc

Theo tạp chí Diplomat, khi các làn sóng nhiệt quét qua khắp đất nước, Trung Quốc sẽ phải hứng chịu những tác động kinh tế của tình trạng nắng nóng nghiêm trọng.

Người dân di chuyển dưới trời nắng nóng tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 10/7/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân di chuyển dưới trời nắng nóng tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 10/7/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Một số thành phố ở Trung Quốc đang trong tình trạng báo động cao với nhiệt độ trên mức 35 độ C, trong khi nhiệt độ ở nhiều thành phố trên toàn quốc có khả năng vượt qua mức 40 độ C. Thời tiết khắc nghiệt sẽ có tác động kinh tế như làm giảm năng suất cây trồng, ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển hàng hóa và người lao động ngoài trời.

Nắng nóng gay gắt đang hoành hành ở Trung Quốc, thách thức các cá nhân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày. Hơn 600 triệu người dân nước này đã bị ảnh hưởng và một số thành phố đã báo cáo các trường hợp tử vong do đột quỵ vì nắng nóng.

Những thách thức về nắng nóng không chỉ tác động đến hoạt động kinh tế của con người mà có thể ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng như các đập nước, vốn sẽ đối mặt với căng thẳng khi nhiệt độ cao làm tan chảy các sông băng.

Mạng lưới điện đã bị áp lực do nhu cầu sử dụng điều hòa không khí trong gia đình và văn phòng ngày càng tăng. Tỉnh Chiết Giang đã yêu cầu các hộ gia đình và doanh nghiệp địa phương tiết kiệm điện và phân bổ nguồn cung cấp điện cho các công ty sử dụng nhiều năng lượng, bao gồm các nhà sản xuất dệt may và máy in.

Mức tiêu thụ điện lên cao kỷ lục ở các tỉnh Sơn Đông và Hà Nam do việc sử dụng điều hòa nhiệt độ tăng lên. Nguồn cung cấp điện hạn chế cùng với việc giảm phát thải có mục tiêu sẽ làm giảm lượng điện năng cung cấp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp đang thiếu điện.

Trung Quốc đã từng chứng kiến tình trạng thiếu điện vào tháng 9/2021 khi các nguồn cung điện không đủ để đáp ứng nhu cầu. Nhiều nhà máy đã buộc phải giảm giờ làm việc hoặc thậm chí đóng cửa hoàn toàn để tuân thủ các hạn chế về năng lượng. Kết quả là gần một nửa hoạt động công nghiệp của Trung Quốc bị tác động tiêu cực, dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Cuộc khủng hoảng điện cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu, vì nhiều công ty phải đối mặt với sự chậm trễ đáng kể trong việc thu mua hàng hóa cần thiết cho sản xuất và bán hàng, làm gia tăng chi phí cho chính các công ty này và khách hàng của họ.

Nhiệt độ khắc nghiệt cũng sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Một nghiên cứu của công ty tư vấn McKinsey & Company cho thấy biến đổi khí hậu ở Trung Quốc, bao gồm các đợt nắng nóng khắc nghiệt, có khả năng làm giảm 10% năng suất lúa mỳ, ngô và gạo mỗi năm. Các đợt nắng nóng ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất cây trồng, cũng như độ dài của các mùa trồng trọt và các hình thái trưởng thành của cây trồng.

Nỗi lo mất mùa ở Trung Quốc đã khiến giá thịt lợn tăng cao. Đậu tương, ngô và lúa mỳ là những thức ăn chủ yếu để nuôi lợn và tăng trưởng của những giống cây trồng này bị đe dọa bởi nhiệt độ cao hơn. Trung Quốc sản xuất 1/4 lượng ngũ cốc của thế giới, vì vậy, năng suất của Trung Quốc giảm sẽ dẫn đến tình trạng an ninh lương thực trong nước và toàn cầu bị đe dọa.

Các nhân viên giao hàng và những công nhân làm việc ngoài trời khác cũng bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao. Điều kiện nắng nóng đã làm tăng khả năng bị đột quỵ đối với những người làm việc ngoài trời. Một nghiên cứu của tác giả Luke Parsons, một nhà nghiên cứu về khí hậu tại Đại học Duke, và các đồng nghiệp của ông đã phát hiện ra rằng tổn thất lao động do tình trạng nắng nóng trên toàn cầu đã tăng hơn 9% trong 40 năm qua.

Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi nhà khoa học khí hậu Rachel Licker khi xem xét tình trạng những người lao động làm việc ngoài trời ở Mỹ đã chỉ ra rằng, người lao động ngoài trời tiếp xúc với nhiệt độ khắc nghiệt sẽ tăng gấp 3 lần trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2050, dẫn đến thiệt hại kinh tế liên quan đến thu nhập khoảng 3,7%.

Sức nóng cũng làm giảm năng suất tổng thể, không chỉ ở những người làm việc ngoài trời mà còn ở cả nhân viên văn phòng, vì một số nơi làm việc cho phép nhiệt độ tăng lên phần nào để bù đắp chi phí làm mát cao trong nhà. Một nghiên cứu được thực hiện ở Australia đối với cả những người làm việc trong nhà và ngoài trời cho thấy, khoảng 70% số người được hỏi làm việc kém hiệu quả hơn và 7% vắng mặt ít nhất một ngày mỗi năm do nắng nóng.

Tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng khắc nghiệt dự kiến sẽ tăng lên trong tương lai, khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên. Các khu vực phía Đông và Đông Bắc của Trung Quốc có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất, với cường độ nhiệt dự kiến sẽ tăng trên 5 độ C trong các mùa nhiệt độ ẩm cao vào cuối thế kỷ này. Tuy nhiên, tất cả các khu vực sẽ bị tăng nhiệt độ thêm hơn 2 độ C, theo một mô hình khoa học do ông Huopo Chen, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Trung Quốc, thực hiện.

Đánh giá các thiệt hại kinh tế khác nhau do nắng nóng khắc nghiệt ở Trung Quốc là một thách thức lớn vì có nhiều yếu tố để tính toán cùng một lúc. Năng suất suy giảm cũng ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới vì Trung Quốc đã hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Có một điều quan trọng cần rút ra khi nghiên cứu các tác động kinh tế của tình trạng nắng nóng khắc nghiệt: Đó là các quốc gia phải nỗ lực hết sức để làm chậm hoặc ngăn chặn tiến trình của biến đổi khí hậu, nguyên nhân gây ra nhiệt độ cao cực đoan./.

Khắc Hiếu (P/v TTXVN tại New York)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hau-qua-kinh-te-cua-tinh-trang-thoi-tiet-qua-nong-o-trung-quoc/252691.html