Hàng Việt Nam xuất sang Indonesia tăng mạnh
Trong 8 tháng năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia đạt kim ngạch 2,51 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Thương vụ Việt Nam tại Indonesia dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, hai nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Indonesia có mức tăng trưởng ấn tượng trong 7 tháng đầu năm 2021.
Cụ thể, nhóm hàng máy vi tính, điện tử & linh kiện đạt giá giá trị kim ngạch 266,9 triệu USD, tăng 139,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 13,5% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trong kỳ. Đối với nhóm hàng sắt thép, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 285,1 triệu USD, tăng 99,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ tính riêng tháng 7/2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt giá trị 31,10 triệu USD, tăng 91,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nhu cầu thị trường Indonesia dần tăng trở lại và giá cả quốc tế tăng cao, đặc biết đối với nhóm hàng sắt thép là hai nguyên nhân cơ bản giúp giá trị xuất khẩu những mặt hàng này tăng trưởng mạnh trong kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia đạt 2,21 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu của Hải quan Việt Nam ghi nhận, trong 7 tháng đầu năm nay, tổng lượng gạo xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường Indonesia đạt 26.358 tấn, với giá trị kim ngạch là 13,26 triệu USD.
Theo Bộ Nông nghiệp Indonesia, dù sản lượng ớt hiện đã dư thừa nhưng nước này vẫn phải nhập khẩu tới 27.851 tấn ớt trong 6 tháng đầu năm 2021 phục vụ cho các mục đích sản xuất ớt công nghiệp. Các sản phẩm ớt nhập khẩu trong kỳ gồm ớt khô và ớt xay.
Theo Cơ quan thống kê Indonesia (BSP), tổng sản lượng ớt năm 2020 của Indonesia là 2.77 triệu tấn, tăng 7,11% so với năm 2019. Giá trị kim ngạch xuất khẩu ớt của nước này đạt 25.18 triệu USD. Trong tháng 7/2021, sản lượng ớt của nước này đạt 163.293 tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng nội địa vào khoảng 158.855 tấn.
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Việt Nam và Indonesia là hai đối tác quan trọng của nhau và có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường sự gắn kết về kinh tế, thương mại.
Kim ngạch thương mại song phương đã tăng mạnh từ 5 tỷ USD năm 2013 lên hơn 9 tỷ USD năm 2019. Măc dù kim ngạch thương mại song phương có sự suy giảm trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch nhưng đã có sự phục hồi mạnh mẽ trong 5 tháng đầu năm 2021, đạt 4,5 tỷ USD (tăng tới 40% so với cùng kỳ năm 2020).