Hàng thủ công mỹ nghệ, nếu không hấp dẫn sẽ 'ế'

Mang về 1,7 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu mỗi năm, nhưng sức hút của hàng thủ công mỹ nghệ ngày càng giảm. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề còn chậm cải tiến, đổi mới, đột phá về mẫu mã để theo kịp với sự phát triển đa dạng của kinh tế thị trường.

Tại Hội thảo “Nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tăng sức cạnh tranh thị trường trong nước và xuất khẩu”, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho biết, cả nước hiện có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, thu hút hơn 13 triệu lao động, mang lại giá trị xuất khẩu hơn 1,7tỷ USD. Trong đó, sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề đã góp phần không nhỏ vào nền an sinh xã hội. Tuy nhiên, đến nay có thể nhận thấy sức hút của sản phẩm thủ công mỹ nghệ đang giảm đi rõ rệt.

Ảnh minh họa

Đối với các sản phẩm làng nghề hiện nay, ông Dần cho rằng, phần lớn các sản phẩm vẫn được sản xuất theo hình thức mẫu mã cổ truyền như tranh tứ linh, tranh tứ quý khảm trai, sơn mài; hạc đồng, đỉnh đồng đúc đồng; sập gụ, tủ thờ, hoành phi, câu đối mộc mỹ nghệ, chạm khắc gỗ; chụp đèn, bàn ghế mây tre đan…

“Nhiều năm trước, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam được thị trường nước ngoài ưa chuộng bởi có mẫu mã mới lạ. Thế nhưng hiện nay, sức hấp dẫn bị giảm đi đáng kể khi không có sự thay đổi mẫu mã, trong khi nhu cầu của khách hàng ngày càng được nâng cao”, ông Lưu Duy Dần khẳng định.

Chủ tịch Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cũng cho rằng, phần lớn sản phẩm làng nghề vẫn sản xuất theo hình thức truyền thống, chậm cải tiến, chưa có nhiều đột phá theo kịp sự phát triển đa dạng của kinh tế thị trường.

“Để có một mẫu mã mới đòi hỏi người nghệ nhân không chỉ khéo léo về kỹ thuật, kỹ xảo, nắm vững đặc tính của chất liệu chế tác mà còn đòi hỏi khả năng tư duy sáng tạo và tâm hồn nghệ sĩ của nghệ nhân thủ công mỹ nghệ với hướng phát triển: Kết nối cộng đồng làng nghề, bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế”, ông Lưu Duy Dần nhấn mạnh.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thịnh, Chủ tịch Hội làng nghề rắn Vĩnh Sơn, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc cũng khẳng định, việc tăng cường đổi mới công nghệ, sản xuất các sản phẩm truyền thống kết hợp với công nghệ hiện đại để cho ra các sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, đa dạng các loại sản phẩm là con đường để làng nghề “sống còn” hiện nay.

“Đơn cử, với làng nghề rắn Vĩnh Sơn, về quy cách sản xuất các bình rắn, phải có dung tích vừa phải, có chất lượng hoàn hảo và bản thân mỗi chiếc bình cũng là một tác phẩm nghệ thuật để trưng bày. Riêng với các sản phẩm rượu rắn đóng chai, kết hợp cả vỏ chai thủy tinh có kiểu dáng riêng của làng nghề và có sử dụng cả bình gốm sứ đáp ứng tính truyền thống của sản phẩm”, nghệ nhân Nguyễn Văn Thịnh chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải làng nghề nào cũng chủ động cho ra đời những mẫu mã mới mang thương hiệu của riêng mình mà thường chạy theo yêu cầu của khách hàng. Khách hàng thích mẫu nào sẽ làm “chiều” theo, miễn sao rút ngắn được thời gian và tăng doanh thu. Điều này, mới đầu tưởng chừng sẽ rất hiệu quả, nhưng về lâu dài, khi sản phẩm không có sức sáng tạo sẽ dần mất đi thị trường.

PGS.TS Đặng Mai Anh, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho biết, hiện có tới 90% sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài và sử dụng nhãn mác của khách hàng. Bà Đặng Mai Anh cũng cho rằng, bất cập lớn nhất của ngành thủ công mỹ nghệ hiện nay vẫn là thiết kế mẫu mã sản phẩm. Nguyên nhân của tồn tại này là do mẫu mã còn đơn điệu, chất lượng sản phẩm còn chưa đồng đều, thiếu thợ lành nghề đã qua đào tạo và thiếu thông tin về thị trường xuất khẩu, quy mô sản xuất nhỏ nên khó cạnh tranh với công nghệ hiện đại.

Đề xuất giải pháp, bà Đặng Mai Anh cho rằng, để nâng cao năng lực thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ cần phải tăng cường mọi góc độ của sản phẩm như: Hành lang pháp lý; những chính sách liên quan đến hoạt động ngành nghề nói chung, hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ nói riêng; đảm bảo mặt bằng sản xuất, đầu tư khoa học công nghệ và nguồn nhân lực...

Theo ông Tôn Gia Hóa, Phó chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thủ công mỹ nghệ cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhóm mặt hàng có lợi thế gia tăng giá trị sản phẩm cho nhóm hàng này. Quan tâm đến thị hiếu của người tiêu dùng thường thay đổi theo thời gian. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường hợp chuẩn quốc tế hướng đến thị trường trung và cao cấp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu ngành, thương hiệu doanh nghiệp gắn với xúc tiến thương mại. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam sẽ phải đối diện với những cạnh tranh ngày càng cao, cùng với sự lựa chọn khắt khe của người tiêu dùng, vì vậy cần tạo sự khác biệt và đẳng cấp của sản phẩm, thể hiện đặc trưng văn hóa của quốc gia khi sản xuất ra sản phẩm.

Các chuyên gia, họa sĩ, các nhà nghiên cứu thủ công mỹ nghệ cũng cho rằng, để hàng thủ công mỹ nghệ thực sự phát triển bền vững, cần nâng cao thiết kế sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, trong điều kiện công nghiệp hóa, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phải trở thành sản phẩm tiêu dùng mang tính văn hóa, vừa cạnh tranh vừa dung hợp với sản phẩm công nghiệp. Trong điều kiện kinh tế thị trường, phải chuyển thành sản xuất hàng hóa, có khả năng cạnh tranh trực tiếp. Trong điều kiện đời sống xã hội mới, cần đảm bảo giá trị văn hóa và thẩm mỹ đi đôi với chất lượng sản phẩm. Do vậy, cần coi khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm là mục tiêu “sống còn” của doanh nghiệp, của làng nghề.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hang-thu-cong-my-nghe-neu-khong-hap-dan-se-e-158956.html