Hàng loạt đề xuất mới nhất về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp xã
Cần có cơ chế phân công, ủy quyền linh hoạt hơn để UBND cấp xã có thể giao cho cơ quan chuyên môn, công chức thuộc UBND cấp mình thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế của địa phương.
Thẩm tra dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội tán thành việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành với các lý do như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời tán thành việc xây dựng dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Về các nội dung cụ thể của dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý, làm rõ thêm một số nội dung trong dự thảo Luật, cụ thể:
Nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về các trường hợp UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND cấp xã để tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp tỉnh trong việc bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã (khoản 4 Điều 11); có cơ chế phân công, ủy quyền linh hoạt hơn để UBND cấp xã có thể giao cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, thậm chí là cả công chức thuộc UBND cấp mình thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế của địa phương, nhất là đối với các ĐVHC cấp xã sau sắp xếp có diện tích tự nhiên và quy mô dân số lớn để bảo đảm kịp thời giải quyết các hồ sơ, công việc của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn (Điều 13);

Quang cảnh phiên họp
Tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp tại Chương IV của dự thảo Luật để thể hiện rõ nét hơn chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm phân định một cách hợp lý nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã; trên cơ sở đó xem xét, sửa đổi, bổ sung các luật, văn bản quy phạm pháp luật dưới luật có liên quan khác để tiếp tục làm rõ các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã trong từng lĩnh vực chuyên ngành, nhất là các luật dự kiến cũng được trình Quốc hội xem xét, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung trong Kỳ họp thứ 9;
Tiếp tục cân nhắc, chỉnh lý một số quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương như số lượng và lĩnh vực phụ trách của các Ban của HĐND cấp xã (điểm a khoản 3 Điều 29); số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp xã (Điều 30); nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND được quyết định chế độ chi ngân sách để thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể trên địa bàn hoặc thực hiện nhiệm vụ cấp bách theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền (điểm c khoản 13 Điều 31); việc tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp xã (khoản 3 Điều 39) bảo đảm phù hợp với yêu cầu, thực tiễn của địa phương và chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy;
Tiếp tục rà soát quy định chuyển tiếp (Điều 54) của dự thảo Luật và các quy định khác có liên quan để bao quát hết các trường hợp cần chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn, công việc của chính quyền cấp huyện khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (không tổ chức cấp huyện), tránh bỏ sót, trùng lặp nhiệm vụ, quyền hạn làm ảnh hưởng đến tính liên tục, thông suốt trong hoạt động của chính quyền địa phương cũng như ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng và hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.