Hàn Quốc: Người dân trẻ hơn theo cách tính tuổi mới

Ngày 28/6, người Hàn Quốc đã trở nên trẻ hơn 1 hoặc 2 tuổi theo luật mới có hệ thống tính tuổi của quốc gia theo tiêu chuẩn quốc tế.

Luật này đưa đất nước ra khỏi một hệ thống đã kéo dài hàng thế kỷ khiến người Hàn Quốc được một tuổi khi sinh ra do tính cả thời gian trong bụng mẹ.

Theo cách tính của hệ thống đó, mọi người sẽ thêm một tuổi khi sang năm mới chứ không phải vào ngày sinh nhật của họ, nghĩa là một em bé sinh ngày 31/12 sẽ được coi là hai tuổi vào ngày 1/1 - chỉ 1 ngày sau khi sinh.

Kim Min, một công dân Hàn Quốc sống ở Úc, đã trở nên trẻ hơn một tuổi theo quy tắc tính tuổi mới.

Kim Min, một công dân Hàn Quốc sống ở Úc, đã trở nên trẻ hơn một tuổi theo quy tắc tính tuổi mới.

Từ thứ Tư (28/6), Hàn Quốc bắt đầu sử dụng hệ thống quốc tế tính tuổi theo ngày sinh của một người, nghĩa là người dân Hàn Quốc sẽ chính thức trẻ hơn 1 hoặc 2 tuổi.

"Thật tuyệt đối với những người như tôi, những người được cho là sẽ bước sang tuổi 60 vào năm tới", Lee Jung-hee, một người nội trợ ở Seoul nói. "Điều đó khiến bạn cảm thấy mình vẫn còn trẻ".

Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên đã loại bỏ hệ thống này từ nhiều thập kỷ trước, nhưng nó vẫn tồn tại ở Hàn Quốc, ngay cả khi quốc gia này đã đóng một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.

"Thật bối rối khi một người nước ngoài hỏi tôi bao nhiêu tuổi vì tôi biết họ đang hỏi tuổi quốc tế. Mỗi lần vậy tôi đều phải ngồi nhẩm tính lại tuổi của mình", nhân viên văn phòng Hong Suk-min cho biết. Sau một lúc, ông Hong nói rằng ông 45 tuổi theo tuổi quốc tế và 47 tuổi theo hệ thống tính tuổi cũ của Hàn Quốc.

Luật mới sẽ khiến nhiều thứ phải thay đổi trong hệ thống pháp lý và hành chính, bao gồm độ tuổi được ghi trên hộ chiếu, độ tuổi mà một người có thể bị truy tố, trợ cấp hưu trí và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Chính phủ hy vọng động thái này sẽ giảm bớt sự nhầm lẫn về các vấn đề bao gồm điều kiện nhận lương hưu và trợ cấp du lịch miễn phí.

"Có sự khác biệt giữa độ tuổi mà người Hàn Quốc sử dụng trong cuộc sống hàng ngày và độ tuổi hợp pháp của họ, do đó, nhiều tranh chấp pháp lý có thể phát sinh", Bộ trưởng Bộ Pháp chế Chính phủ Lee Wan-kyu nói.

Ông Lee, người đang giám sát việc thay đổi độ tuổi chính thức, đã bắt đầu cuộc họp báo với giới truyền thông vào thứ Hai bằng cách cố gắng hướng dẫn các nhà báo Hàn Quốc về cách xác định tuổi của họ.

"Lấy năm hiện tại trừ đi năm sinh của bạn, nếu sinh nhật của bạn đã trôi qua, đó là số tuổi của bạn và nếu chưa qua sinh nhật, hãy trừ thêm một để ra số tuổi của bạn", ông nói.

Ông Lee cho biết một số lĩnh vực, bao gồm năm học và điều kiện để thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc, được xác định bởi một hệ thống tuổi khác, được gọi là "độ tuổi", sẽ vẫn được giữ nguyên.

Điều này có nghĩa là, ví dụ, tất cả mọi người sinh năm 2004, dù là vào tháng 1 hay tháng 12, đều đủ điều kiện để bắt đầu quá trình nhập ngũ từ ngày 1/1/2023, vì tất cả họ đều được coi là đã đáp ứng độ tuổi tối thiểu theo quy định là 19.

Một lợi ích về thay đổi cách tính tuổi là giảm bớt được thứ bậc liên quan đến ngôn ngữ của Hàn Quốc bằng cách đảm bảo tất cả mọi người trong một năm học được coi là bằng tuổi nhau và do đó có thể nói chuyện với nhau mà không cần sử dụng kính ngữ. Từ trước tới nay, tuổi tác ảnh hưởng tương đối nhiều đến địa vị xã hội của một người ở Hàn Quốc và có rất nhiều quy định chức danh và kính ngữ trong việc xưng hô ở nước này.

"Thật khó để giao tiếp với mọi người nếu không biết tuổi của họ", nhà nhân chủng học Mo Hyun-joo cho biết. Cô cho biết mọi người thường sử dụng các thuật ngữ như "unni" và "oppa", nghĩa là chị gái và anh trai, thay vì gọi tên trong cuộc trò chuyện.

Hiện tại, hầu hết người Hàn Quốc, chẳng hạn như cậu sinh viên Yoon Jae-ha, đến từ thị trấn cảng phía Nam Busan, có thể tận hưởng cảm giác trẻ trung hơn khi luật mới có hiệu lực. "Tuổi tôi đã nhỏ đi. Tôi thích trẻ hơn vì khi đó tôi sẽ được mẹ chăm sóc hơn", anh nói.

Việt Hà

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/han-quoc-nguoi-dan-tre-hon-theo-cach-tinh-tuoi-moi-383488.html