Hàn Quốc: Khẩn cấp bình ổn thị trường tài chính
Trong bối cảnh thị trường tiền tệ và trái phiếu có nhiều biến động, các cơ quan tài chính của Hàn Quốc vừa phải triển khai cuộc họp khẩn để đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Theo đó, chính phủ Hàn Quốc đã quyết định bơm hơn 50.000 tỷ won (34,89 tỷ USD) ra thị trường, trong đó có 20.000 tỷ won (13,95 tỷ USD) bình ổn thị trường trái phiếu; 16.000 tỷ won (11,16 tỷ USD) để mua lại trái phiếu...
Thị trường chứng khoán Hàn Quốc có phản ứng tích cực sau động thái bình ổn của Chính phủ.
Bất ổn đối với thị trường trái phiếu và tiền tệ Hàn Quốc lần này bắt nguồn từ việc Công ty liên doanh Gangwon Jungdo Development Corp. (GJC), nhà phát triển của Legoland Korea, rơi vào tình cảnh không thể trả nợ các trái phiếu đáo hạn với tổng giá trị lên tới 205 tỷ won (142,3 triệu USD) và sau đó bị liệt vào danh sách phá sản. Đây là vụ vỡ nợ hiếm hoi xảy ra trong thời gian gần đây tại Hàn Quốc. Cùng với đó, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp tại một số thị trường địa phương leo lên mức cao nhất hơn một thập kỷ qua, phản ánh rủi ro gia tăng với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Điều này khiến các nhà đầu tư tài chính không khỏi lo lắng về tình hình của các doanh nghiệp, nhất là nhóm bất động sản. Cùng với viễn cảnh ảm đạm do chính sách thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu, tâm lý bất an tại Hàn Quốc đã kích hoạt một cuộc tháo chạy khỏi thị trường trái phiếu, khiến các chỉ số kinh tế ở xứ sở Kim Chi phát đi những tín hiệu tiêu cực.
Cuối tháng 9 vừa qua, đồng nội tệ của Hàn Quốc đã mất giá kỷ lục so với USD kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Giao dịch cổ phiếu ở thị trường Seoul cũng ở mức thấp hơn do các nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu. Chỉ số chứng khoán tổng hợp của Hàn Quốc (KOSPI) đã giảm 59,23 điểm (tương đương 2,59%). Trong khi đó, số liệu công bố của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) cho biết, cán cân thương mại hàng hóa đã thâm hụt 1,18 tỷ USD. Nguyên nhân là do xuất khẩu tăng 6,9% nhưng nhập khẩu lại tăng vọt tới 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhập khẩu nguyên vật liệu tăng tới 35,5%; nhập khẩu năng lượng tăng vọt 73,7% so với một năm trước.
Để ứng phó với những bất ổn về tài chính, một cuộc họp khẩn đã được tổ chức giữa Bộ trưởng Tài chính Choo Kyung-ho với trung ương Hàn Quốc (BoK) Rhee Chang-yong; Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Kim Joo-hyun, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Lee Bok-hyun và ông Choi Sang-mok, trợ lý cấp cao của Tổng thống phụ trách các vấn đề kinh tế. Bộ trưởng Tài chính Choo Kyung-ho thừa nhận tình hình thị trường hiện tại “rất nghiêm trọng” và cam kết sẽ huy động đầy đủ các biện pháp chính sách sẵn có.
Ngay trong ngày 24-10, chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu mua vào 1.600 tỷ won (1,12 tỷ USD) trái phiếu doanh nghiệp để bình ổn thị trường. Bắt đầu từ tháng 11 tới, việc gọi vốn bổ sung, thu đổi trái phiếu từ các đối tác sẽ được thực hiện khi đối tác có nhu cầu. Mức trần cho các chương trình mua trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng, bao gồm cả Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc, cũng sẽ được nâng lên 16.000 tỷ won (10,12 tỷ USD) từ mức 8.000 tỷ won (5,06 tỷ USD) hiện tại. Các thương phiếu phát hành bởi các công ty tài chính hay công ty chứng khoán, sẽ được nằm trong chương trình như một phần của tài sản có thể được mua. Chính phủ cũng nhấn mạnh rằng, tất cả chính quyền các địa phương phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán để tránh tái diễn tình trạng tương tự như tỉnh Gangwon. Ngoài ra, chính phủ quyết định sẽ đối phó tích cực với các hành vi phát tán tin đồn sai sự thật.
Ngay sau khi Chính phủ Hàn Quốc tung ra động thái trên, thị trường chứng khoán đã có phản ứng tích cực. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cho rằng, để nền kinh tế thực sự ổn định, xứ sở Kim Chi cần thêm thời gian ít nhất một năm, hoặc tới năm 2024.