Hải Phòng gắn biển tuyến đường mang tên Tổng Bí thư Đỗ Mười
Sáng nay (13/5), UBND TP. Hải Phòng tổ chức lễ gắn biển tuyến đường mang tên Đỗ Mười - cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Khu trung tâm Chính trị - Hành chính Bắc sông Cấm, thành phố Thủy Nguyên.
Tuyến đường Đỗ Mười có điểm đầu từ chân cầu Hoàng Văn Thụ kéo dài đến đường trục Khu công nghiệp VSIP. Đây là tuyến đường có hạ tầng đẹp, đồng bộ, hiện đại và ở trung tâm của Khu trung tâm Chính trị - Hành chính Bắc sông Cấm.

Tuyến đường Đỗ Mười có điểm đầu từ chân cầu Hoàng Văn Thụ kéo dài đến đường trục Khu công nghiệp VSIP
Tuyến đường này được đầu tư từ năm 2019, nằm trong tổng thể Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, với chiều dài khoảng 1,6 km từ cầu Hoàng Văn Thụ đến hết Dự án, chiều rộng mặt cắt đường là 66 m; với 10 làn xe, vỉa hè, cây xanh và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Tổng mức đầu tư dự án 1.066 tỷ đồng, từ ngân sách thành phố. Là tuyến trục chính của khu vực, kết nối vùng lõi đô thị cũ của Hải Phòng với Trung tâm Chính trị - Hành chính mới của thành phố.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng khẳng định: “Lễ gắn biển tên đường Đỗ Mười nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 – 13/5/2025) để ghi nhớ sự kiện năm 1955, đồng chí Đỗ Mười được giao chỉ đạo tiếp quản khu 300 ngày, làm Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hải Phòng (tháng 3/1955). Đồng thời, là dịp vinh danh, tưởng nhớ Tổng Bí thư Đỗ Mười - người có công lao to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và xây dựng thành phố Hải Phòng, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho các thế hệ”.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng phát biểu tại lễ gắn biển. Ảnh: Thanh Sơn
Với sự chỉ đạo linh hoạt của Bí thư Thành ủy TP. Hải Phòng khi đó, tiểu thủ, công nghiệp, nông nghiệp và Hải Cảng nhanh chông được phục hồi. Đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các xí nghiệp lợi ích công cộng như điện, nước, xe lửa, bưu điện, vệ sinh đảm bảo hoạt động bình thường để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của nhân dân. Nhiều nhà máy được khôi phục trở lại.
Hơn 6 tháng sau ngày giải phóng, dưới sự chỉ đạo của Bí thư Thành ủy và sự nỗ lực của quân và dân thành phố, mọi công tác, lĩnh vực trọng tâm ở Hải Phòng dần ổn định. Kinh tế quốc doanh lớn dần, kinh tế tư nhân bắt đầu được điều chỉnh. Văn hóa - Xã hội được ổn định, cán bộ giáo dục vào tiếp quản Hải Phòng cùng các thầy giáo, học sinh ở vùng tạm chiếm cũ đã phục hồi. Trường sở được sửa chữa, bộ máy quản lý được củng cố để chuẩn bị cho việc khai giảng năm học hòa bình đầu tiên.
Cuộc cải cách ruộng đất ở Hải Phòng được tiến hành từ tháng 1 đến tháng 5/1956 theo các bước: bắt rễ, xâu chuỗi, phát động quần chúng, vạch thành phần, truy thu thuế, thoái tô, chia ruộng đất, xác định diện tích, sản lượng để lập sổ bộ thuế nông nghiệp, chỉnh đốn tổ chức, bồi dưỡng cán bộ... Kết quả, ở ngoại thành Hải Phòng đã xóa bỏ quan hệ bóc lột phong kiến ở nông thôn, đem lại ruộng đất, uy thế chính trị và quyền làm chủ của nhân dân, tạo tiền đề đưa nông thôn tiến vào con đường hợp tác hóa nông nghiệp.
Ôngg còn quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác đầu tư xây dựng Cảng, hình thành các khu vực cảng 1, cảng 2, khu chuyển tải ở Chùa Vẽ, Vật Cách... Năm 1956, đã đầu tư xây dựng nạo vét Cảng và luồng lạch đảm bảo tàu 8.000 tấn ra vào dễ dàng.
Với trình độ, năng lực và uy tín, tháng 10/1956, Bí thư Thành ủy Đỗ Mười được Trung ương điều về công tác ở Hà Nội. Có thể khẳng định, trong thời gian trên cương vị Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhất là thời gian đầu tiếp quản thành phố, trong bối cảnh hết sức khó khăn, song đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, đề ra sách lược khôn khéo, lãnh đạo tài tình phong trào, vừa xây dựng đời sống mới cho nhân dân, vừa đối phó với thù trong giặc ngoài. Nhờ vậy, Hải Phòng giữ vững được chính quyền nhân dân, mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, xây dựng được lực lượng vũ trang đông đảo, mạnh mẽ. Nhân dân Hải Phòng đã đánh bại hoàn toàn âm mưu xâm lược của thực dân Pháp. Trong thắng lợi chung đó, có phần đóng góp rất quan trọng của Bí thư Thành ủy Đỗ Mười.

Hải Phòng chính thức có tuyến đường mang tên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ảnh: Thanh Sơn
Sau này, dù giữ nhiều trọng trách cao hơn, song, ông vẫn dành cho Hải Phòng một tình cảm đặc biệt, qua mỗi lần về thăm và làm việc với thành phố Cảng, đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong lòng cán bộ, quân và dân Hải Phòng.
Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, con của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười xúc động chia sẻ: “Gia đình chúng tôi vô cùng vinh dự và tự hào khi được chứng kiến Lễ gắn biển tuyến đường mang tên Đỗ Mười - người cha, người ông của chúng tôi - người đồng chí thân thiết đã gắn bó với quân và dân thành phố Hải Phòng từ những năm đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, cũng như công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ sau này”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, con của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười xúc động chia sẻ tại lễ gắn biển. Ảnh: Thanh Sơn
“Việc TP. Hải Phòng quyết định đặt tên một con đường mang tên ông không chỉ là một sự ghi nhận cao quý đối với những cống hiến mà ông đã dành trọn đời cho quê hương, đất nước, mà còn là nguồn động viên, là niềm tự hào sâu sắc không chỉ đối với nhân dân thành phố Hải Phòng mà cả đối với cả gia đình, dòng họ, và thế hệ con cháu của chúng tôi. Gia đình chúng tôi nguyện sẽ tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị, đạo đức, tinh thần phụng sự mà ông đã để lại, xứng đáng với tình cảm và sự trân trọng mà Thành phố cảng Hải Phòng đã dành cho ông”, bà Thủy nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Đỗ Mười (tên khai sinh là Nguyễn Duy Cống), sinh ngày 2/2/1917, từ trần ngày 1/10/2018, hưởng thọ 101 tuổi. Ông giữ chức Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1991 đến năm 1997.