Hai người dân ở Bình Chánh chọc ghẹo trâu bị húc, có được bồi thường?

Hai người đàn ông mang bộ dụng cụ kích điện đi chích cá ở khu vực có 5 con trâu. Sau đó chọc ghẹo trâu nên bị húc.

UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh (TP HCM) vừa cho biết khoảng 12 giờ 30 ngày 22-2, tại khu đất trống thuộc ấp 38 xảy ra vụ trâu húc hai người bị thương.

Hiện trường vụ việc.

Hiện trường vụ việc.

Theo đó, thời điểm trên, ông H.V.T (40 tuổi, ngụ tỉnh Thanh Hóa) và ông T.P.Th (43 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Nam) đi chích cá ở khu vực có 5 con trâu cột dây thuộc ấp 38.

Hai người đàn ông chọc ghẹo trâu nên bị một con trâu mới sinh con lao tới húc bị thương.

Hậu quả ông Th. bị trật bả vai, hiện sức khỏe tạm ổn, đã xuất viện. Còn ông T. đang ở bệnh viện điều trị.

Công an xã Vĩnh Lộc A hiện đang tạm giữ bộ dụng cụ kích điện của hai nạn nhân để làm cơ sở xử lý trách nhiệm về sau.

Luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần, cho biết thông tin ban đầu cho thấy do chọc ghẹo trâu nên hai người đàn ông mới bị trâu mới sinh húc bị thương.

Căn cứ khoản 4 điều 603 Bộ luật Dân sự 2015, nguyên tắc bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra thì khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra...

Tức là, nếu chủ trâu đã có biện pháp an toàn như xích giữ,… nhưng cá nhân tự ý lại gần và chọc ghẹo trâu dẫn đến bị húc thì hai người đàn ông này sẽ không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Trong vụ việc trên, hai người đàn ông còn có thể bị xử lý về hành vi tàng trữ, sử dụng dụng cụ chích cá.

Căn cứ khoản 1, khoản 5 điều 28 Nghị định 42/2019/NĐ-CP thì phạt tiền từ 3-5 triệu đồng (cá nhân) và 6-10 triệu đồng (tổ chức) do sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá. Đồng thời tịch thu công cụ xung điện, kích điện.

Luật sư Phùng Huyền, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, cho biết nếu hai người đàn ông không chọc ghẹo trâu nhưng vẫn bị húc thì theo quy định tại khoản 1 điều 603 Bộ luật Dân sự thì chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác.

Mặc dù là sự cố không mong muốn, nhưng súc vật vẫn là người đang quản lý, trông coi nên có chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do súc vật gây ra, ví dụ như tiền viện phí, thu nhập thực tế bị mất,…Ngoài ra, trong một số trường hợp, tùy vào chủng loại và cách thức quản lý, trông coi vật nuôi người chủ của vật nuôi gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khỏe người khác còn có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự về lỗi vô ý của mình.

Anh Vũ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hai-nguoi-dan-o-binh-chanh-choc-gheo-trau-bi-huc-co-duoc-boi-thuong-196250224084207178.htm