Hà Tĩnh đẩy mạnh bảo tồn, phát huy di sản văn hóa để phát triển du lịch xanh, bền vững
Để di sản văn hóa phát huy được sức mạnh, trở thành một nguồn lực quan trọng không thể thiếu cho phát triển ngành du lịch theo hướng xanh, bền vững, đòi hỏi tỉnh Hà Tĩnh phải có các chính sách, cơ chế phù hợp, phải có sự đột phá trong cách nghĩ, cách làm và giám sát có hiệu quả.
Bảo tồn, khai thác và phát huy các di sản văn hóa để phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế trọng điểm, xanh, bền vững gắn liền với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản là một trong những nội dung quan trọng đã được Đảng và Nhà nước đặt ra như một vấn đề cấp thiết. Nghị quyết 08-NQ/TƯ, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đã nhấn mạnh đến việc phát triển du lịch bền vững, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ môi trường và thiên nhiên... Luật Du lịch số 09/2017/QH14 quy định nguyên tắc phát triển du lịch là "Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế của từng địa phương và tăng cường liên kết vùng".
Hà Tĩnh là một tỉnh miền Trung có nhiều di sản văn hóa, có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững, thời gian qua tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều hành động cụ thể, thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa với phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương như tăng ngân sách trong hoạt động văn hóa, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng, sự tham gia của các bên liên quan... qua đó hoạt động du lịch từng bước được đẩy mạnh, kinh tế phát triển, môi trường được bảo vệ...
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để di sản văn hóa phát huy được sức mạnh, trở thành một nguồn lực quan trọng không thể thiếu cho phát triển ngành du lịch theo hướng xanh, bền vững, đòi hỏi tỉnh Hà Tĩnh phải có các chính sách, cơ chế phù hợp, phải có sự đột phá trong cách nghĩ, cách làm và giám sát có hiệu quả.
Khai thác thế mạnh để phát triển
Hà Tĩnh nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, trên "Tuyến du lịch xuyên Việt", "Con đường Di sản Miền Trung", một trong những cửa ngõ quan trọng của không gian du lịch "Hành lang Đông-Tây", với hệ thống giao thông đường bộ (QL1A, QL8, QL12, đường Hồ Chí Minh), đường sắt, đường thủy nối với các trung tâm du lịch lớn của các tỉnh, thành phố trong cả nước và với nước bạn Lào qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Hà Tĩnh cũng là tỉnh có nhiều tài nguyên tự nhiên và thắng cảnh gắn với các địa danh nổi tiếng như núi Hồng-sông La, bến Tam Soa, suối Tiên, đèo Ngang-Hoành Sơn Quan, hồ Kẻ Gỗ, Vườn quốc gia Vũ Quang, thác Vũ Môn, suối nước nóng Sơn Kim... Với bờ biển dài 137 km, có nhiều bãi ngang, bờ thoải, cát mịn, nước trong xanh, cạnh bờ biển có núi, ngoài bờ có các đảo nhỏ tạo thành những bãi tắm lý tưởng như Xuân Thành, Chân Tiên, Xuân Hải, Thạch Hải, Thiên Cầm, Kỳ Ninh, Đèo Con.
Là địa phương giàu truyền thống văn hóa, quê hương của nhiều danh nhân văn hóa, cách mạng với các địa danh, di tích lịch sử-văn hóa lớn như khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, di tích Nguyễn Công Trứ, di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, khu di tích 10 liệt sĩ thanh niên xung phong Ngã Ba Đồng Lộc, khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập, Đền Chợ Củi, đền Lê Khôi, Đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, Đền Cả Du Đồng, Chùa Hương Tích, Chùa Am… Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và Ca trù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có trên 1.800 di tích lịch sử-văn hóa, danh thắng, xếp hạng được 509 di tích cấp tỉnh, 86 di tích cấp quốc gia, 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó Hà Tĩnh còn có trên 100 lễ hội, trong đó có 15 lễ hội lớn thường niên được tổ chức thu hút nhiều du khách đến tham quan như lễ hội đền Chợ Củi, lễ hội đền Chiêu Trưng, lễ hội Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trách, lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên... Đây được coi là nguồn tài nguyên, nguồn vốn quan trọng để Hà Tĩnh đẩy mạnh phát huy các tài nguyên di sản nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2025 và hướng tới phát triển du lịch xanh, bền vững trong tương lai không xa.
Từ nhiều năm nay tỉnh Hà Tĩnh đã xác định rõ mục tiêu, có nhiều hành động thiết thực để bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững. Nghị quyết số 06/NQ-TU, ngày 07/12/2017 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo đã khẳng định: Phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội hằng năm và từng thời kỳ, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025; huy động mọi nguồn lực xã hội phát triển các vùng, khu, điểm du lịch có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, từng bước hiện đại, chuyên nghiệp, quy mô lớn; phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt, có thương hiệu, chất lượng cao, đưa Hà Tĩnh trở thành điểm du lịch ấn tượng, hấp dẫn đối với du khách...
Để đạt được mục tiêu trên, thời gian qua tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư nhằm trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, việc khai thác giá trị di sản văn hóa vào phục vụ du lịch được các địa phương chú trọng thực hiện bằng nhiều nguồn kinh phí Nhà nước, các dự các nguồn kinh phí xã hội hóa lên tới hàng trăm tỷ đồng, vì thế văn hóa phi vật thể và các hình thức sinh hoạt cộng đồng phát triển cả về số lượng, chất lượng.
Nhiều di sản văn hóa phi vật thể: lễ hội lớn gắn với các di tích cấp quốc gia như lễ hội Sỹ-nông-công-thương ở Xuân Thành, lễ hội đền Chiêu Trưng ở Cửa Sót, lễ hội chùa Chân Tiên ở Lộc Hà, lễ hội Cầu Ngư ở Cẩm Nhượng, lễ hội đền Chế Thắng phu nhân ở thị xã Kỳ Anh, dân ca Ví, Giặm, Ca trù, Ví Phường vải, Trò Kiều, hát Sắc bùa, hò Nam Khê, hò chèo cạn, đi cà kheo… được phục hồi và phát huy tốt trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và thu hút được sự chú ý, thăm quan của du khách trong và ngoài nước.
Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã xây dựng được 116 câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, thống kê được 70 lễ hội các loại, trong đó 12 lễ hội lớn được tổ chức thường niên. Các lễ hội như lễ hội chùa Hương Tích, chùa Đại Hùng, lễ Cầu Ngư, lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác…
Hoạt động bảo tồn, giữ gìn, phục dựng và lưu giữ di sản văn hóa còn được gắn với khai thác các loại hình du lịch khác nhau, trong đó du lịch cộng đồng gắn với mô hình sinh kế nông nghiệp nông thôn được phát huy. Loại hình dịch vụ du lịch được hình thành từ văn hóa ẩm thực, chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm đã trở thành sản phẩm du lịch-văn hóa đặc sắc, hấp dẫn người dân, du khách.
Hiện nay, Hà Tĩnh là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã có 8/13 huyện, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; xây dựng thành công 237 sản phẩm đạt chuẩn OCOP và hướng đến năm 2025 đạt tỉnh nông thôn mới. … Cơ sở hạ tầng từ nông thôn đến thành thị ngày càng khang trang, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhân dân bảo tồn, lưu giữ, phát triển và lan tỏa các giá trị bản sắc của làng nghề, văn hóa làng quê…
Có thể nói các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên là một nguồn tài nguyên du lịch to lớn để Hà Tĩnh khai thác, phát huy, phát triển kinh tế di sản gắn với phát triển du lịch xanh, bền vững… trên cơ sở khai thác các thế mạnh của mình là phát triển các sản phẩm du lịch lịch sử-văn hóa, du lịch biển, du lịch trải nghiệm ở vùng nông thôn.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các khóa của tỉnh Hà Tĩnh gần đây đều xác định, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 xác định: Du lịch là 1 trong 4 ngành kinh tế trọng điểm, trong đó đẩy mạnh du lịch biển, du lịch trải nghiệm nông thôn mới, du lịch văn hóa-tâm linh.
Để du lịch phát triển xanh, bền vững, gắn với cộng đồng và vì cộng đồng, tỉnh Hà Tĩnh đã và đang phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, tạo điều kiện và hỗ trợ để làng nghề, môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn về lưu trú, ăn uống, dịch vụ du lịch khác tại điểm du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số, kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số…
Thời gian qua, tỉnh đã lựa chọn và đầu tư, xây dựng xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn là điểm để đề xuất Bộ NN&PTNT xây dựng mô hình phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn liên kết các điểm đến, hình thành các tour du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, làng nghề, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường tại Hà Tĩnh. Mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa và cây trồng bản nhằm từng bước xây dựng thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2 thành khu du lịch cộng đồng, góp phần phát triển du lịch miền núi Hương Sơn đã và đang được đẩy mạnh, qua đó hướng tới phát triển xanh, bền vững.
Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã xây dựng được các tour tuyến du lịch tham quan, trải nghiệm, các dịch vụ vui chơi giải trí tại vùng nguyên liệu chè, chụp hình tại đồng chè Tiền Phong; dịch vụ homestay kết hợp trải nghiệm trồng, thu hái chè búp tươi, vườn chè bậc thang, câu cá, nuôi gà, ngâm tắm nước nóng; phát huy các lợi thế về tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng, tạo điều kiện hình thành và phát triển các dịch vụ nhà hàng, khách sạn và dịch vụ homestay. Mô hình liên kết giữa cộng đồng và các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong đó người dân, cộng đồng là chủ thể tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động du lịch như các mô hình chăn nuôi hươu, dê, ong, câu cá, đồi chè, dịch vụ homestay tại các hộ thuộc thôn Làng Chè.
Thông qua mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa nhằm đánh thức những giá trị của cộng đồng địa phương, bảo tồn giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần bảo vệ tài nguyên và môi trường... Từ đó, tạo sự đa dạng về sản phẩm du lịch, tăng cường thu hút du khách, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây là một trong những bước đi quan trọng, dựa trên các tài nguyên di sản để phát triển kinh tế-xã hội, phát triển du lịch Hà Tĩnh trở thành ngành kinh tế trọng điểm, hướng tới phát triển xanh, bền vững.
Trên cơ sở nguồn vốn, nguồn lực, nguồn tài nguyên di sản để phát triển du lịch, tỉnh Hà Tĩnh đã đẩy mạnh vào khai thác các sản phẩm du lịch gồm: Du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái gắn với các sản phẩm du lịch bổ sung như du lịch công vụ, du lịch cộng đồng.
Phát triển du lịch phải đảm bảo sự cân bằng, hài hòa
Để công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với du lịch một cách hiệu quả và phát triển bền vững tỉnh Hà Tĩnh cũng đã bước đầu xây dựng cơ chế, chính sách để đảm bảo sự cân bằng, hài hòa giữa bảo tồn di sản với phát triển sinh kế cho người dân, xây dựng cộng đồng trở thành trung tâm trong việc bảo vệ di sản, đồng thời thực hiện giải pháp, nâng cao tinh thần trách nhiệm, cam kết thực hiện tốt quy định trong công tác quản lý, phát huy giá trị di sản. Ngoài ra, tỉnh đã tập trung vào công tác tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa.
Bên cạnh đó, trong những năm qua tỉnh Hà Tĩnh đã cho rà soát và cấu trúc lại thị trường khách du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế, tập trung đầu tư, nâng cấp nhiều điểm đến từ hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch. Vì thế, tổng thu từ du lịch đã tăng lên hàng năm thông qua số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến thăm quan, du lịch và lưu trú với thời gian dài hơn ngày càng nhiều.
Sau thời gian dịch COVID-19, đến năm 2023, tổng lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng ở Hà Tĩnh đạt 3.361.000 lượt khách (tăng 110% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 34% so với kế hoạch cả năm 2023).
Thị trường khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm ở Hà Tĩnh thời gian qua chủ yếu là khách du lịch nội địa. Theo thống kê khách du lịch nội địa đến Hà Tĩnh chủ yếu từ khu vực Hà Nội (hơn 30%) và chủ yếu lựa chọn các sản phẩm du lịch như nghỉ dưỡng biển, tắm biển (30%), công vụ kết hợp đi du lịch (gần 25%), tham quan các di tích lịch sử-văn hóa, tâm linh (30%), du lịch sinh thái, thưởng thức cảnh quan tự nhiên (15%). Thị trường khách du lịch quốc tế lớn nhất của Hà Tĩnh thời gian qua chủ yếu là Lào (40%), Thái Lan (30%), Trung Quốc (20%), thị trường châu Âu và các thị trường khác chiếm khoảng 10% còn lại.
Trên cơ sở nguồn vốn, nguồn lực, nguồn tài nguyên di sản để phát triển du lịch, tỉnh Hà Tĩnh đã đẩy mạnh vào khai thác các sản phẩm du lịch gồm: Du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái gắn với các sản phẩm du lịch bổ sung như du lịch công vụ, du lịch cộng đồng.
Có thể nói, mặc dù là một địa phương có nhiều di sản văn hóa, di sản thiên nhiên để khai thác, phát huy nhằm đẩy mạnh hoạt động du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế trọng điểm, bền vững tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có nhiều quan tâm, đầu tư để tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú trong thời gian qua, song du lịch Hà Tĩnh vẫn chưa phát huy được thế mạnh của mình, vẫn chưa thu hút được khách du lịch trong nước và nước ngoài đến thăm quan, trải nghiệm và lưu trú dài ngày.
Để phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của địa phương, cốt lõi là lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa-lịch sử, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất làm nền tảng, nguồn lực và động lực phát triển, từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm, xanh và bền vững trong thời gian tới tỉnh Hà Tĩnh cần tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác hoạch định, xây dựng và thực hiện chính sách bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, cần có một cơ chế, chính sách, nguồn lực phù hợp nhằm đáp ứng cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong bối cảnh và xu hướng phát triển hiện nay, phù hợp với đặc trưng văn hóa của vùng, địa phương.
Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, giá trị của di sản thông qua các hoạt động phát triển du lịch đòi hỏi phải có mục tiêu rõ ràng để đạt được sự tương tác tích cực giữa bảo tồn và phát huy, chú ý nguyên tắc phát triển bền vững, lấy phát triển bền vững làm cốt lõi, cân bằng giữa bảo vệ di sản văn hóa với phát triển du lịch, giữa lợi ích kinh tế-xã hội-môi trường.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, quy hoạch phát triển du lịch của quốc gia, của khu vực Bắc Trung Bộ và quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh, cần thiết phải có sự rà soát các điểm du lịch trọng điểm, có kế hoạch phù hợp để bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, nâng cao hiệu quả của việc khai thác các di sản văn hóa đối với phát triển du lịch. Trên cơ sở đó nâng cao hiệu lực của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa.
Khai thác hiệu quả, đúng, có trọng tâm các nguồn lực di sản văn hóa để tạo ra các sản phẩm du lịch được coi là thế mạnh của địa phương, trong đó chú trọng khai thác hoạt động du lịch văn hóa -lịch sử gắn với các anh hùng dân tộc có công trong sự nghiệp bảo vệ, đấu tranh và xây dựng đất nước, phát triển du lịch văn hóa gắn với khu vực ven biển, du lịch nông thôn gắn với các hoạt động trải nghiệm gắn với làng nghề, với những giá trị văn hóa phi vật thể như hát ví giặm, hát ca trù…và phát triển các sản phẩm OCOP tại địa phương.
Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch nhất thiết phải đặt trong môi trường sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, phát huy vai trò của cộng đồng và cộng đồng được hưởng lợi từ các hoạt động. Đồng thời cần nâng cao nhận thức của người dân trong bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa với hoạt động phát triển du lịch để hướng tới việc tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, bảo đảm phát triển xanh, bền vững.
Đẩy mạnh việc kết nối, xây dựng các sản phẩm du lịch có yếu tố liên kết trong nội tỉnh, liên kết với các địa phương lân cận, liên kết vùng và các quốc gia láng giềng.
Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để hoạt đông du lịch được đẩy mạnh và hiệu quả. Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, phát triển du lịch di sản văn hóa đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo để đảm bảo tính chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh và hội nhập vùng, quốc gia và khu vực, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Tăng cường sử dụng khoa học công nghệ trong hoạt động bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay, trong đó cần đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Tăng cường đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút, lựa chọn các nhà đầu tư để phát triển kinh tế địa phương, trong đó cần tập trung khai thác nguồn vốn đầu tư cho hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, di sản, cho hoạt động phát triển du lịch.
Đầu tư tài chính cho hoạt động quảng bá hình ảnh di sản văn hóa của địa phương, phát triển di sản văn hóa với phát triển du lịch.
Bổ sung cơ chế đặc thù, chính sách đồng bộ để các cấp, các ngành, nhân dân vận dụng, triển khai sao cho phù hợp với đặc điểm của từng loại hình di sản, từng sản phẩm du lịch.