Hà Nội: Xử lý 712 dự án chậm triển khai, nhiều dự án xử lý nước thải và thoát nước chậm tiến độ

Tại phiên chất vấn, lãnh đạo các Sở, ngành của UBND thành phố đã lý giải nguyên nhân chậm tiến độ của một số dự án xử lý nước thải và thoát nước chậm tiến độ. Đồng thời, thông tin kết quả xử lý 712 dự án chậm triển khai.

Tại phiên chất vấn, kỳ họp thứ 14, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI các đại biểu đã đề nghị lãnh đạo UBND thành phố và các Sở ngành thông tin về một số vấn đề dư luận quan tâm.

330 dự án được đưa ra khỏi danh dự án chậm triển khai

Đối với việc xử lý 712 dự án chậm tiến độ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, đến nay đã có 330 dự án (chiếm 46,3%) đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai.

Ngoài ra, 350 dự án (chiếm 49,2%) được UBND thành phố chỉ đạo xử lý, kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và giao các đơn vị tiếp tục giám sát, đôn đốc nhà đầu tư đưa đất vào sử dụng.

32 dự án (chiếm 4,5%) phải tiếp tục thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật. Dự kiến hoàn thiện xong trong tháng 12/2023.

Đối với 9 dự án, nhóm dự án được HĐND thành phố chất vấn, tái chất vấn tại kỳ họp thứ 12 của HĐND thành phố, UBND thành phố đã chỉ đạo, các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện và hoàn thành đúng theo tiến độ đã cam kết; hoàn thành trình HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư tại kỳ họp chuyên đề tháng 9/2023 đối với 3 dự án, nhóm dự án, bao gồm: Cụm công trình đầu mối Liên Mạc; cải tạo công viên Thủ Lệ, Bách Thảo, Thống Nhất; 4/8 dự án thoát nước và xử lý nước thải.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông

Thành phố cũng hoàn thành phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án Công viên văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông. Hoàn thành phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án đầu tư tại 148 Giảng Võ, quận Ba Đình (hiện đơn vị tổ chức lập quy hoạch đang hoàn chỉnh đồ án theo hướng dẫn của Sở Quy hoạch - Kiến trúc để trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt).

Các dự án còn lại, UBND thành phố đang quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan nỗ lực hơn nữa đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ví như, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng đối với Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía tây thành phố (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa). Chủ đầu tư đẩy nhanh công tác lập hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Châu Can đẩy nhanh công tác thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong; Đẩy nhanh công tác lập điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Công viên Đống Đa tỷ lệ 1/500.

Quang cảnh kỳ họp thứ 14, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI

Quang cảnh kỳ họp thứ 14, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI

Vì sao nhiều dự án xử lý nước thải và thoát nước chậm tiến độ

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Minh Tuân (Tổ Phú Xuyên) cho rằng nhiều dự án xử lý nước thải và thoát nước trên địa bàn thành phố chưa hoàn thành đúng tiến độ. Đại biểu đề nghị thành phố chỉ rõ nguyên nhân cũng như tiến độ một số dự án trọng điểm.

Về vấn đề này, ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Sở được giao triển khai lập đề xuất chủ trương đầu tư của 8 dự án thoát nước với tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng. Trong đó, Sở đã trình HĐND thành phố 4 dự án tại kỳ họp thứ 13 và đã được HĐND thành phố ban hành Nghị quyết 28/NQ-HĐND.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong

Trong 4 dự án còn lại, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản trả lời Sở Xây dựng chưa bố trí được nguồn vốn nên chưa triển khai lập chủ trương đầu tư. Trong đó, với dự án trạm bơm Gia Thượng (quận Long Biên), hồ điều hòa và tuyến mương Thượng Thanh, có tổng mức đầu tư khoảng 894 tỷ đồng. Tháng 10/2023 Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cục bộ phân khu N10, làm cơ sở để Sở Xây dựng hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư của dự án.

Đối với hệ thống thu gom của lưu vực S1 về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Sở đã hoàn thành việc lập đề xuất chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 2.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án này chậm bởi lưu vực dự án rất rộng, với diện tích 2.894ha. Cùng với đó, dự án cũng phải kết nối với gần 100 dự án khu nhà ở, khu đô thị khác cùng với hệ thống thoát nước hiện hữu ở các làng xóm trong khu vực.

Về dự án thu gom và xây dựng nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ, ông Võ Nguyên Phong cũng nêu khó khăn khi lưu vực của dự án liên quan đến toàn bộ diện tích 3.006ha, tổng mức đầu tư là 2.900 tỷ đồng. Chủ đầu tư phải xác định vị trí đấu nối với khu vực làng xóm hiện hữu chưa được đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, hệ thống cống và nhiều tuyến đường chưa được đầu tư theo quy hoạch.

Thanh Hiếu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ha-noi-xu-ly-712-du-an-cham-trien-khai-nhieu-du-an-xu-ly-nuoc-thai-va-thoat-nuoc-cham-tien-do-post1593509.tpo