Hà Nội - Viêng Chăn trao đổi kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực công thương
Chiều 3/7, Sở Công thương Hà Nội và Sở Công thương Viêng Chăn (Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào) phối hợp tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công thương.
Đây là một trong những hoạt động nhằm tiếp tục triển khai các nội dung đã ký trong Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Đảng bộ, chính quyền Thủ đô Hà Nội với Đảng bộ, chính quyền Thủ đô Viêng Chăn; hưởng ứng Năm Hữu nghị Đoàn kết Việt Nam-Lào 2023; Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở Công thương Thủ đô Hà Nội và Sở Công thương Thủ đô Viêng Chăn giai đoạn 2022-2025, ký tại Thủ đô Viêng Chăn ngày 4/1/2022.
Năm 2022, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đã đạt 180 triệu USD, tăng 52,5% so với năm 2021. Tính đến nay, Việt Nam đã đầu tư 214 dự án tại Lào với tổng số vốn 5,34 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào. Bên cạnh đó, Lào luôn duy trì vị trí thứ nhất trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam.
Lũy kế đến nay, tổng vốn FDI đăng ký của Lào vào thành phố Hà Nội là 10,5 triệu USD. Các doanh nghiệp của Lào đầu tư tại Hà Nội trong một số lĩnh vực như thương mại, bất động sản, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; sửa chữa ô tô, xe máy…
Tại Hội nghị, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đã thông tin tới đoàn công tác Sở Công thương Viêng Chăn về kinh nghiệm, giải pháp triển khai những nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công thương trên địa bàn Hà Nội.
Quyền Giám đốc Trần Thị Phương Lan cũng bày tỏ mong muốn, hai Sở Công thương tiếp tục triển khai các nội dung trong các biên bản đã ký kết.
Tháng 4 vừa qua, Sở Công thương hai Thủ đô Hà Nội - Viêng Chăn đã cùng tổ chức thành công Đoàn giao dịch xúc tiến thương mại, làng nghề tại Lào năm 2023.
Thông qua chương trình, Đoàn công tác đã có 13 Biên bản ghi nhớ hợp tác được ký giữa doanh nghiệp Hà Nội với doanh nghiệp Lào. Đồng thời, mở ra nhiều cơ hội mới cho các làng nghề, doanh nghiệp của Hà Nội, Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Luang Prabang về phát triển vùng nguyên liệu; đưa hàng của Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Luang Prabang vào hệ thống phân phối của Hà Nội và ngược lại.
Giám đốc Sở Công thương Viêng Chăn Vanmany Phimmasan cũng bày tỏ mong muốn, hai bên sẽ tích cực thực hiện nội dung tại các Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa đôi bên; đề nghị trong thời gian tới, Sở Công thương Hà Nội xem xét, tổ chức nhiều hoạt động giao dịch, xúc tiến thương mại tại Lào một cách hiệu quả, hỗ trợ sản phẩm, doanh nghiệp, làng nghề hai bên cùng phát triển. Khuyến khích các doanh nghiệp của Hà Nội đầu tư tại Lào, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, để giúp các sản phẩm của Lào thâm nhập được vào kênh phân phối của Hà Nội và hội nhập ra thế giới.
Tại hội nghị, hai bên đã tập trung thảo luận các vấn đề như nâng cao công tác quản lý về chuyên môn trong ngành Công thương, nâng cao trình độ nguồn nhân lực; công tác bình ổn thị trường, khuyến mại, xúc tiến thương mại; phát triển vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, đưa hàng hóa vào các kênh phân phối của hai Thủ đô…
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về việc phát triển các sản phẩm thủ công của các làng nghề gắn với thiết kế mẫu mã sản phẩm, thân thiện với môi trường và phục vụ xuất khẩu; bàn giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ cho các làng nghề của Thủ đô Viêng Chăn tại các làng nghề của Hà Nội.
Từ nay đến ngày 7/7, Đoàn công tác của Sở Công thương Viêng Chăn sẽ đi khảo sát thực tế tại một số trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, làng nghề trên địa bàn Hà Nội; tham dự Lễ khai mạc triển lãm chuyên đề tại điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ngành thủ công mỹ nghệ Thủ đô...; Khảo sát thực tế tại một số cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa…