Hà Nội tiếp tục lập tổ liên ngành kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa

Trong tháng cao điểm chống buôn lậu, hàng giả, Hà Nội là địa phương được đánh giá đạt kết quả tích cực; triệt phá nhiều vụ buôn lậu, xử phạt và thu nộp về ngân sách hàng trăm tỷ đồng từ xử lý các vi phạm.

6 tháng, thu nộp ngân sách hơn 2.146 tỷ đồng từ vi phạm hàng hóa

Xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của địa phương, TP. Hà Nội đã tập trung đấu tranh trên cả ba lĩnh vực: Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kiên quyết không cho phép có “vùng cấm” trong công tác này.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, các lực lượng trên địa bàn TP. Hà Nội (công an, hải quan, quản lý thị trường...) đã đồng loạt ra quân liên tiếp xử lý, triệt phá nhiều vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, nhất là sản xuất, buôn bán hàng giả, sữa, thuốc, thực phẩm, trang thiết bị y tế, kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, sản xuất buôn bán, hàng cấm…

4 bị can bị khởi tố về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm (gạo ST25 Lúa - Tôm nhãn hiệu Gạo Ông Cua) tại Hà Nội. Ảnh: TL

4 bị can bị khởi tố về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm (gạo ST25 Lúa - Tôm nhãn hiệu Gạo Ông Cua) tại Hà Nội. Ảnh: TL

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng thành phố đã kiểm tra, xử lý 8.542/ 9.582 vụ việc vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 2.146 tỷ đồng; khởi tố hình sự 115 vụ với 170 bị can. Các hành vi vi phạm chủ yếu là buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ.

TP. Hà Nội đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật theo hướng tăng nặng chế tài xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các vi phạm trên không gian mạng; bổ sung, sửa đổi các quy định nhằm đẩy nhanh việc xử lý tang vật vi phạm... Đồng thời tăng cường nguồn lực, trang thiết bị cho công tác giám định chất lượng; quan tâm đầu tư hệ thống kho vật chứng chuyên dụng để bảo quản tang vật theo khu vực và tích hợp các ngành lĩnh vực.

Đáng chú ý, riêng trong Tháng cao điểm thực hiện Công điện số 65/CĐ-TTg, đã xử lý 814 vụ, khởi tố 07 vụ với 16 bị can; tổng số tiền phạt và truy thu thuế gần 16 tỷ đồng.

Điển hình như vụ sản xuất, buôn bán trên 100 tấn thực phẩm chức năng giả, khởi tố 07 bị can; vụ buôn bán 875 kg gạo giả, đã chuyển khởi tố 04 bị can; vụ kinh doanh hơn 61.000 sản phẩm mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu...

"Qua đấu tranh cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, chủ yếu là giả mạo về hình thức, nhãn hiệu; gian lận về chất lượng, thành phần; lợi dụng cơ chế tự công bố sản phẩm và hoạt động tại các cơ sở khép kín để né tránh kiểm tra..." - ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Mặc dù trong đợt cao điểm được dư luận ghi nhận, đánh giá cao, song tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp khiến dư luận bức xúc.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, trong công tác đấu tranh vẫn còn nhiều thách thức, điển hình như việc xử lý vi phạm trên môi trường thương mại điện tử rất phức tạp. Các đối tượng sử dụng công nghệ cao để che giấu hành vi, khóa website khi bị kiểm tra, không thừa nhận là chủ sở hữu. Việc xử lý các nền tảng xuyên biên giới gặp nhiều trở ngại do không có máy chủ tại Việt Nam. Bên cạnh đó là bất cập trong quy định và công tác hậu kiểm. Việc cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm với chi phí thấp đã tạo áp lực lớn cho công tác hậu kiểm. Một số quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ và chế tài xử lý còn chưa đủ mạnh, thiếu tính răn đe. Không những vậy, trong đợt cao điểm, nhiều hộ kinh doanh đã đóng cửa do lo ngại bị kiểm tra về nguồn gốc hàng hóa, hóa đơn chứng từ...

Lực lượng chức năng TP. Hà Nội bất ngờ kiểm tra một kho hàng tại phố Hàng Giấy (quận Hoàn Kiếm), phát hiện hàng nghìn chai nước hoa mang nhãn hiệu nổi tiếng nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: TL

Lực lượng chức năng TP. Hà Nội bất ngờ kiểm tra một kho hàng tại phố Hàng Giấy (quận Hoàn Kiếm), phát hiện hàng nghìn chai nước hoa mang nhãn hiệu nổi tiếng nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: TL

Chú trọng kiểm tra đột xuất các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân

Về giải pháp trọng tâm, ông Nguyễn Mạnh Quyền cũng nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao ý thức, trách nhiệm, ý thức của người dân và doanh nghiệp; hỗ trợ người dân và doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ, sản xuất, kinh doanh đúng chất lượng, công bố đối với sản phẩm theo quy định.

Thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của trung ương, đề cao và gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này. Đồng thời, tăng cường kiểm tra đột xuất các địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, nhất là kinh doanh trên thương mại điện tử và các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng để chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các phương thức, thủ đoạn mới.

Nhấn mạnh việc chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, thường xuyên, thực hiện không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa có công văn gửi các sở, ngành yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, xử lý tình trạng buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái.

UBND thành phố yêu cầu Sở Công thương (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 thành phố) chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan thành lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra, rà soát tình hình buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố cũng yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân và doanh nghiệp không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật./.

Đối với một số tiểu thương đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh trên địa bàn Hà Nội hiện nay, bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường giải thích để tiểu thương hiểu rõ về thực trạng hàng hóa đang kinh doanh; ký cam kết không buôn bán hàng giả, chuẩn bị hóa đơn chứng từ đầy đủ theo quy định.

Nam Khánh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ha-noi-tiep-tuc-lap-to-lien-nganh-kiem-tra-nguon-goc-xuat-xu-hang-hoa-178942.html