Hà Nội: Phấn đấu đến cuối năm 2024, huyện Đông Anh và Gia Lâm được công nhận thành quận
Ngày 7/8, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của TP Hà Nội chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến - Phó Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của TP Hà Nội; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền dự hội nghị.
Đông Anh, Gia Lâm đủ điều kiện, tiêu chí trở thành quận
Báo cáo kết quả thực hiện Đề án của 5 huyện trong 6 tháng đầu năm 2024, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, 2 huyện Đông Anh và Gia Lâm đã hoàn thành các tiêu chí và đủ điều kiện theo tiêu chuẩn tối thiểu quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hai huyện đang phối hợp với Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Xây dựng xem xét, công nhận các tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực dự kiến thành lập quận, phường, làm cơ sở hoàn thiện Đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt đề án thành lập quận.
Đối với 3 huyện Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng, về nhóm tiêu chuẩn “diện tích tự nhiên” và “quy mô dân số”, cả 3 huyện đều đạt tiêu chí thành lập quận; tuy nhiên, tiêu chí thành lập phường cả 3 huyện đều chưa đạt. Nhóm tiêu chuẩn “cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội” và “hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị”, cả 3 huyện đều chưa đạt 100% tiêu chí thành lập phường, thành lập quận.
Với các khó khăn, vướng mắc, theo quy định, phạm vi đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đã được công nhận phải trùng với phạm vi dự kiến thành lập đơn vị hành chính đô thị. Hiện tại, Hà Nội chưa phê duyệt Chương trình phát triển đô thị.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050, 4 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng vẫn còn diện tích đất nằm ngoài khu vực phát triển đô thị. Trong đó, huyện Đan Phượng là đơn vị khó đáp ứng được yêu cầu quy hoạch đô thị toàn bộ ranh giới huyện. Về thực hiện các tiêu chí, hầu hết các xã của 5 huyện chưa bảo đảm tiêu chí tự cân đối thu, chi ngân sách.
Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Lê Anh Quân cho hay, trong thời gian còn lại của năm 2024, huyện Đông Anh và Gia Lâm phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan hoàn thiện công tác lập hồ sơ Đề án và làm việc với các bộ, ngành thẩm định; phấn đấu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt đề án thành lập quận của 2 huyện vào quý IV/2024 hoặc đầu quý I/2025.
Đối với 2 huyện Thanh Trì và Hoài Đức, phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án thuộc đối tượng đạt tiêu chí, Đề án; phấn đấu huyện Thanh Trì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt Đề án thành lập quận vào quý II/2025 và huyện Hoài Đức vào quý III/2025. Huyện Đan Phượng chủ động phối hợp với các sở, ngành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Đề án.
Trao đổi, thảo luận tại phiên họp, đại diện các sở, ngành và thành viên trong Ban Chỉ đạo đã nêu các giải pháp để hoàn thành các tiêu chí và những vấn đề liên quan đến quy hoạch, cân đối thu chi ngân sách…, tháo gỡ vướng mắc của các địa phương về các tiêu chí cụ thể.
Phấn đấu đến cuối năm 2024, huyện Đông Anh và Gia Lâm được công nhận thành quận
Phát biểu tại cuộc họp, liên quan chỉ tiêu cân đối thu chi ngân sách tại 3 huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các huyện đẩy nhanh tiến độ đấu thầu lựa chọn các nhà đầu tư dự án, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu tự cân đối ngân sách cấp huyện. Đối với cân đối ngân sách cấp xã, thành phố sẽ báo cáo Bộ Tài chính về việc khi thực hiện chính quyền đô thị, cấp phường chỉ là cấp dự toán.
Bà Nguyễn Thị Tuyến cũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo cập nhật các quan điểm mới, xác định quy trình chuẩn trong thiết lập hồ sơ, bảo đảm thuyết trình đầy đủ, thuyết phục trình cấp có thẩm quyền. Cùng đó, UBND TP phải phối hợp với các bộ, ngành thống nhất một số quan điểm trước khi hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh khẳng định, quan điểm của thành phố triển khai xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận nhằm thay đổi một cách thực chất về cơ sở vật chất, đời sống người dân được thụ hưởng ở tất cả các mặt. Trong đó, phấn đấu đến cuối năm 2024, huyện Đông Anh và Gia Lâm được công nhận thành quận; năm 2025, tập trung đưa huyện Thanh Trì và Hoài Đức thành quận.
Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cũng nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu này, các sở, ngành chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành, cơ quan trung ương tập trung giải quyết những khó khăn, tạo điều kiện cho các huyện hoàn thành các tiêu chí và thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo./.