Hà Nội: Gần 2 triệu ý kiến cử tri, hộ gia đình đồng ý tên gọi cấp xã sau sắp xếp

Sau sắp xếp, Hà Nội dự kiến còn 126 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 400 xã, phường so với hiện nay. Cử tri đánh giá cao việc TP đặt tên theo địa danh văn hóa lịch sử và giữ lại tên của các quận, huyện làm tên xã, phường sau này.

Sáng 29/4, với 100% đại biểu tán thành, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP. Theo nghị quyết, sau sắp xếp, Hà Nội còn 126 xã, phường, giảm 400 xã, phường so với hiện nay.

Trước đó, báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội cho thấy quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại Hà Nội đã tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định.

Cơ quan thẩm tra cho biết, qua lấy ý kiến người dân, phương án sắp xếp trên của UBND TP Hà Nội đạt hơn 2 triệu số phiếu đồng ý, đạt hơn 97%; ý kiến cử tri hộ gia đình về tên gọi dự kiến đơn vị sau sắp xếp có gần 2 triệu phiếu đồng ý, đạt hơn 96%; có 38 xã đạt tỷ lệ 100%.

Tuy nhiên vẫn còn 2,41% số cử tri đại diện hộ gia đình không đồng ý với phương án về tên gọi của đơn vị hành chính sau sáp nhập (đơn vị có tỷ lệ cử tri đồng ý thấp nhất về tên gọi: Huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Thanh Trì đạt từ 82% đến dưới 93%.)

100% đại biểu tán thành, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP.

100% đại biểu tán thành, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP.

Phát biểu thảo luận trước khi ấn nút thông qua nghị quyết, ông Đinh Trường Thọ, Bí thư quận Đống Đa cho biết, sau sắp xếp, Hà Nội còn 126 phường, xã là phù hợp với tình hình thực tế của Thủ đô và đảm bảo quy định, định hướng của Trung ương.

Theo ông Thọ, cử tri đánh giá cao việc TP đặt tên theo địa danh văn hóa lịch sử và giữ lại tên của các quận, huyện làm tên xã, phường sau này.

Để triển khai hiệu quả, ông Thọ đề nghị TP sớm có các hướng dẫn cụ thể, trước hết là hướng dẫn về sắp xếp cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ công chức, viên chức, người lao động để hiệu quả đối với cấp xã.

Bên cạnh đó, TP cũng cần sớm có hướng dẫn về công tác tài chính, trụ sở làm việc, tài sản công, cũng như bàn giao văn bản giấy tờ… để các quận, huyện triển khai thuận lợi.

Về bộ máy tổ chức, ông Thọ nêu, thực tế hiện nay theo quy định cấp xã, phường thì có đơn vị hành chính là trung tâm hành chính công. Tuy nhiên mới đây TP đã thành lập và duy trì Trung tâm phục vụ hành chính công ở các khu vực.

Do vậy, Bí thư quận Đống Đa kiến nghị duy trì trung tâm giải quyết hành chính công TP ở các khu vực và không thành lập trung tâm hành chính công ở các xã, phường để tránh trùng lặp.

Trong công tác sắp xếp đối với UBND các xã, phường tới đây ông Thọ cho biết, có việc hai phó chủ tịch kiêm nhiệm. Theo đó, một Phó chủ tịch kiêm Văn phòng HĐND, UBND và một Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công.

"Qua thực tế công việc cũng như ý kiến của cử tri nhân dân, chúng tôi thấy rằng hai phó chủ tịch tới đây công việc cũng rất nặng nề, chúng tôi đề nghị hai phó chủ tịch này không kiêm thêm chức danh trên để đảm bảo công tác chỉ đạo điều hành trong thời gian tới", ông Thọ nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, ông Lê Minh Đức, Bí thư huyện Thạch Thất thống nhất với kiến nghị của Bí thư quận Đống Đa về dự kiến mô hình Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Trung tâm hành chính và một Phó chủ tịch kiêm Văn phòng HĐND, UBND.

Dự kiến đơn vị hành chính cấp xã mới sẽ có 4 phòng chuyên môn, gồm: Văn phòng HĐND và UBND; Phòng Kinh tế (đối với xã); Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường); Phòng Văn hóa - Xã hội và Trung tâm phục vụ hành chính công.

P.Hoạt

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/ha-noi-gan-2-trieu-y-kien-cu-tri-ho-gia-dinh-dong-y-ten-goi-cap-xa-sau-sap-xep-i766826/