Hà Nội đề xuất 5 nhóm chính sách đột phá cho khoa học và đổi mới sáng tạo

TP Hà Nội đang xây dựng nghị quyết quy định chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, tạo hành lang pháp lý và tài chính thuận lợi để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực phát triển mới của Thủ đô.

Thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, thực tế triển khai còn nhiều bất cập: nhiệm vụ nghiên cứu chưa gắn với thực tiễn sản xuất - kinh doanh, hoạt động chuyển giao công nghệ chậm, doanh nghiệp tham gia chưa được hưởng ưu đãi tương xứng, thủ tục tài chính - đầu tư công còn rườm rà.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học

Đặc biệt, TP Hà Nội chưa có chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp chủ trì thực hiện các nhiệm vụ khoa học - công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước. Điều này khiến việc huy động nguồn lực xã hội hóa còn hạn chế, dù tiềm năng lớn.

Trước yêu cầu cấp thiết, Hà Nội đang xây dựng một nghị quyết riêng do HĐND Thành phố ban hành, nhằm tạo cơ chế đột phá cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo bà Nguyễn Thị Mai, Trưởng phòng Khoa học và Sở hữu trí tuệ (Sở KH&CN Hà Nội), dự thảo nghị quyết được xây dựng trên cơ sở thẩm quyền quy định tại Luật Thủ đô năm 2024, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 cùng nhiều văn bản pháp lý liên quan.

 Hà Nội khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học và đang xây dựng những chính sách mang tính chất mở đường cho nghiên cứu khoa học, đổi mới, sáng tạo ở nhiều lĩnh vực. Ảnh: VL

Hà Nội khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học và đang xây dựng những chính sách mang tính chất mở đường cho nghiên cứu khoa học, đổi mới, sáng tạo ở nhiều lĩnh vực. Ảnh: VL

Đồng thời, nghị quyết tiếp thu các định hướng quan trọng từ Nghị quyết 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Nghị quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 71/NQ-CP của Chính phủ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh việc ban hành nghị quyết là bước cụ thể hóa chiến lược phát triển Thủ đô theo hướng khoa học, sáng tạo, bền vững.

Trong đó, TP đặt trọng tâm của chính sách vào nội dung tạo môi trường pháp lý, tài chính, tổ chức để khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng, thương mại hóa kết quả khoa học - công nghệ.

Đồng thời, thúc đẩy mối liên kết 4 nhà: nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà đầu tư.

5 nhóm chính sách mở đường

Dự thảo nghị quyết quy định 5 nhóm chính sách đặc thù, trong đó nhiều nội dung là điểm mới, lần đầu tiên được thể chế ở cấp Thành phố:

Thứ nhất, cho phép Thành phố đặt hàng, giao trực tiếp các nhiệm vụ khoa học - công nghệ trọng điểm nhằm khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức tư nhân đầu tư nghiên cứu. Những đơn vị này sẽ được công nhận nhiệm vụ trọng điểm và hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ, ưu đãi như doanh nghiệp công nghệ cao.

Thứ hai, quy định cơ chế chuyển giao không bồi hoàn tài sản, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ sử dụng ngân sách thông qua Sàn Giao dịch công nghệ Hà Nội. Điều này giúp đẩy nhanh ứng dụng thực tiễn các kết quả nghiên cứu.

Thứ ba, hỗ trợ tối đa 100% chi phí mua sắm, vận hành thiết bị cho đề tài nghiên cứu, và 50% cho dự án sản xuất thử nghiệm, đồng thời cho phép hưởng các ưu đãi tài chính tương tự như doanh nghiệp công nghệ cao.

Thứ tư, ban hành chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng, mở rộng đối tượng gồm cả chuyên gia trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài có uy tín, chuyên gia quốc tế.

Thứ năm, áp dụng cơ chế khoán chi đến kết quả cuối cùng thay vì phải lập dự toán chi tiết như hiện nay. Ngoài ra, nghị quyết cũng bổ sung quy định lập dự toán cho các hoạt động như tổ chức hội thảo, thành lập tổ tư vấn chuyên đề, thu hút chuyên gia…

Đặc biệt, ngoài nguồn ngân sách TP, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Hà Nội cũng sẽ tham gia tài trợ. Quỹ này không bị ràng buộc bởi quy định bảo toàn vốn, có thể cấp kinh phí, tài trợ, cho vay, hỗ trợ các tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Với những chính sách đặc thù mang tính “mở đường”, dự thảo nghị quyết được kỳ vọng sẽ tháo gỡ hàng loạt điểm nghẽn tồn tại lâu nay trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và thương mại hóa sản phẩm khoa học - công nghệ.

Bằng việc trao quyền tự chủ cao hơn cho các tổ chức, cá nhân, đồng thời tạo lập hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện về tài chính, tổ chức, nhân lực và pháp lý, Hà Nội hướng tới mục tiêu trở thành địa phương đi đầu trong đổi mới sáng tạo, khẳng định vai trò hạt nhân về khoa học - công nghệ trên cả nước.

Trọng Phú

Nguồn PLO: https://plo.vn/ha-noi-de-xuat-5-nhom-chinh-sach-dot-pha-cho-khoa-hoc-va-doi-moi-sang-tao-post860869.html