Hà Nội cần hơn 21.000 tỷ đồng để 'hồi sinh' 4 dòng sông chết trong nội đô
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, tổng kinh phí khái toán cho kế hoạch này hơn 21.000 tỷ đồng, chia thành ba giai đoạn từ năm 2025 - 2030.
Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội vừa hoàn thành đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 dòng sông nội đô, gồm: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét trên địa bàn Hà Nội. Tổng kinh phí cho việc “hồi sinh” 4 dòng sông này khoảng 21.000 tỷ đồng, chia thành ba giai đoạn từ năm 2025 đến 2030.
Kết quả quan trắc và phân tích chất lượng nước từ năm 2015 - 2022 cho thấy, cả 4 dòng sông đều ở mức ô nhiễm nghiêm trọng. Nồng độ oxy hòa tan thấp, nhiều đoạn sông gần như không còn khả năng tự làm sạch, trong khi chỉ tiêu vi sinh vượt ngưỡng từ 30 - 70 lần, hàm lượng các hợp chất hữu cơ cũng vượt xa quy chuẩn cho phép.

Hà Nội đang thực hiện các giải pháp để "hồi sinh" sông Tô Lịch.
Nguyên nhân chính là do phần lớn nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý bị xả thẳng xuống sông. Hiện mỗi ngày Hà Nội phát sinh khoảng 1 triệu m3 nước thải, nhưng chỉ khoảng 30% trong số đó được xử lý.
Để “hồi sinh” các dòng sông này, đề án đặt ra 4 nhóm giải pháp trọng tâm: Thu gom và xử lý triệt để nước thải; xử lý ô nhiễm tồn lưu như bùn, rác, vật cản; bổ cập nước sạch để đảm bảo dòng chảy tối thiểu mùa khô và cải tạo cảnh quan, hệ sinh thái kết hợp phát triển các hoạt động văn hóa, giải trí, tâm linh ven sông.
Tổng kinh phí hơn 21.000 tỷ đồng sẽ được triển khai theo ba giai đoạn: Giai đoạn 2025–2027 chi hơn 16.000 tỷ đồng; 2027–2029 khoảng 3.395 tỷ và 2029–2030 là 841 tỷ đồng.
Một trong những hạng mục quan trọng là Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, được khởi công từ năm 2016 với vốn đầu tư ban đầu 16.000 tỷ đồng (sau điều chỉnh còn hơn 11.000 tỷ). Dự án gồm nhà máy xử lý công suất 270.000 m3/ngày đêm và hệ thống cống thu gom dài 53 km chạy dọc các sông Tô Lịch, Lừ và khu vực Hà Đông cũ. Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ, nhà máy mới chỉ đang vận hành thử, còn hệ thống cống thu gom vẫn đang thi công dở dang.
TP Hà Nội đang tiếp tục các hạng mục để “hồi sinh” sông Tô Lịch như nạo vét, xử lý nước thải phân tán, cải tạo kè bờ, phát triển cảnh quan và cây xanh ven sông. Việc cải tạo không chỉ nhằm làm sạch sông, mà còn hướng tới mục tiêu phát triển đô thị bền vững, nâng cao chất lượng sống cho người dân.