Hà Giang sẽ phát triển du lịch mạo hiểm trên cung đường Hạnh Phúc?

Hà Giang luôn hấp dẫn du khách nhờ bảo tồn được đa dạng bản sắc văn hóa độc đáo. Thời gian tới, trong 5 dòng sản phẩm chủ lực, địa phương này sẽ chú trọng phát triển du lịch thể thao mạo hiểm.

Hà Giang là mảnh đất hội tụ những giá trị rất đặc biệt, nơi thiên nhiên hùng vĩ hòa quyện với bản sắc độc đáo của các tộc người thiểu số, nơi cả cộng đồng đang chung tay gìn giữ và phát huy những di sản sống động trên ngút ngàn ruộng bậc thang rực rỡ.

Vùng biên viễn Đông Bắc ấy luôn biết cách tự làm mới mình để mang đến những trải nghiệm giàu cảm xúc, níu chân du khách trở lại nhiều hơn. Vậy, chiến lược của địa phương này thời gian tới có gì thú vị và sẽ tập trung xây dựng sản phẩm nào, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, bà Nguyễn Thị Hoài.

5 dòng sản phẩm chủ lực giàu trải nghiệm

- Những năm qua, Hà Giang đã trở thành một trong những “địa chỉ đỏ” của du lịch cộng đồng cả nước. Vậy theo bà, giá trị nổi trội nào đã giúp vùng biên viễn Đông Bắc của Tổ quốc có được thành tựu đó và làm sao để phát huy hơn nữa giá trị từ những tiềm năng của địa phương?

Bà Nguyễn Thị Hoài: Một điểm nổi bật nhất là Hà Giang có phong cảnh thiên nhiên vô cùng vĩ, và chúng tôi luôn tự hào là Hà Giang là nơi cộng cư của 19 dân tộc với những giá trị văn hóa truyền thống vô cùng độc đáo mà hiện nay cộng đồng các dân tộc Hà Giang vẫn còn giữ gìn và phát huy.

Thực tế đặt ra cho chúng tôi là Hà Giang có nhiều tiềm năng, thế nhưng làm sao để biến những tiềm năng đó trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách?

 Không chỉ du khách trong nước và khách du lịch quốc tế cũng đam mê cùng đất Hà Giang. (Ảnh: Vương Công Nam/Vietnam+)

Không chỉ du khách trong nước và khách du lịch quốc tế cũng đam mê cùng đất Hà Giang. (Ảnh: Vương Công Nam/Vietnam+)

Bước vào thế kỷ thứ 21, xu hướng của khách du lịch mong muốn được tìm về với bản ngã của chính mình. Vì vậy, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ cùng với giá trị văn hóa truyền thống của tộc người là một trong những điểm giúp chúng tôi thu hút khách trong nước và quốc tế.

Đón bắt được nhu cầu của thị trường, tỉnh Hà Giang là một trong những địa phương luôn đi đầu trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa tộc người, để biến các giá trị đó trở thành tài sản, phát triển kinh tế du lịch, giúp đồng bào có thể sống trong đá, thoát nghèo từ đá và tiến tới làm giàu trên đá.

- Vậy để hiện thực mục tiêu đó, thời gian tới, cơ quan quản lý địa phương sẽ phối hợp cùng với các đơn vị, doanh nghiệp du lịch như thế nào để tạo ra những tour, tuyến mới mang đậm màu sắc văn hóa, cảnh quan Hà Giang?

Bà Nguyễn Thị Hoài: Hiện nay, chúng tôi đã thực hiện chiến lược quy hoạch được 3 vùng không gian du lịch với những sản phẩm đặc trưng riêng có.

Ví dụ như, khi du khách đến khu vực vùng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn sẽ được trải nghiệm một phương thức sản xuất là tri thức thổ canh hốc đá vô cùng độc đáo của đồng bào các dân tộc, điển hình như dân tộc Mông, Lô Lô.

Và khi du khách xuống khu vực trung tâm của thành phố Hà Giang thì có thể được đắm mình trong không gian văn hóa cộng đồng người Tày ở các bản làng ven thành phố, và đặc biệt hơn là trải nghiệm không gian tái hiện thời khắc lịch sử của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc.

 Hố sụt Mèo Vạc hay còn gọi là "hố sụt tử thần" nằm ở thôn Tia Chí Dừa (Giàng Chu Phìn, Hà Giang).(Ảnh: Vương Công Nam/Vietnam+)

Hố sụt Mèo Vạc hay còn gọi là "hố sụt tử thần" nằm ở thôn Tia Chí Dừa (Giàng Chu Phìn, Hà Giang).(Ảnh: Vương Công Nam/Vietnam+)

Trải nghiệm khu vực phía Tây của tỉnh Hà Giang với các huyện như Xín Mần, Hoàng Su Phì, Quang Bình thì du khách sẽ được đắm mình trong không gian của danh thắng cấp quốc gia ruộng bậc thang. Đây là một trong những danh thắng trải rộng khắp huyện Hoàng Su Phì.

Nếu như ruộng bậc thang ở Yên Bái có hình dáng được ví như những mâm xôi giữa đất trời, thì danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì của Hà Giang được canh tác trên sườn đồi dốc. Điều đó khẳng định tinh thần yêu lao động của đồng bào các dân tộc Hà Giang. Họ đã tạc vào đá núi những thửa ruộng bậc thang như những dải thổ cẩm lung linh sắc màu.

Tháng Tư là mùa đồng bào chuẩn bị gieo cấy và chúng tôi gọi đó là mùa nước, để chuẩn bị cho một mùa vàng bội thu vào tháng Chín, sẽ mang đến không gian trải nghiệm vô cùng tuyệt vời cho du khách.

 Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, bà Nguyễn Thị Hoài. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, bà Nguyễn Thị Hoài. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Từ những không gian đặc hữu đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh triển khai thực hiện chiến lược phát triển các sản phẩm du lịch, và chúng tôi cũng xác định trên 5 dòng sản phẩm chính.

Dòng sản phẩm thứ nhất, đó là sản phẩm văn hóa cộng đồng. Dòng sản phẩm thứ hai là sản phẩm về lễ hội; thứ ba là sản phẩm về sinh thái, nghỉ dưỡng; thứ tư là dòng sản phẩm về thể thao mạo hiểm; thứ năm là dòng sản phẩm kinh tế biên mậu. Đó là 5 dòng sản phẩm chính mà tỉnh Hà Giang đang, đã và sẽ tiếp tục triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng luôn mong muốn các nhà đầu tư, các chuyên gia du lịch đến khảo sát đất và người Hà Giang để tiếp tục giúp địa phương có thêm sản phẩm mới, bổ trợ cho sản phẩm du lịch vốn là truyền thống, đặc trưng, giúp du khách có nhiều trải nghiệm hơn khi đến với Hà Giang.

Phát triển du lịch mạo hiểm trên cung đường Hạnh Phúc

- Trong số các sản phẩm chủ lực mà Hà Giang lựa chọn phát triển, du lịch mạo hiểm, du lịch thể thao với nhiều giải chạy marathon được tổ chức cũng đang trở thành điểm thu hút cộng đồng. Vậy địa phương sẽ khai thác thế mạnh này thế nào để có thể hấp dẫn hơn nữa các đoàn khách lớn?

Bà Nguyễn Thị Hoài: Đây cũng là một thách thức mà chúng tôi từng đặt ra. Hà Giang những năm gần đây đều tổ chức giải chạy marathon trên cung đường Hạnh Phúc. Năm 2025, chúng tôi vừa mới kết thúc Giải Marathon quốc tế “Chạy trên cung đường Hạnh Phúc” vào tháng Hai với gần 3.000 vận động viên tham gia chạy ở 6 cự ly.

Trong đó, lần đầu tiên chúng tôi đưa vào thử nghiệm cự ly 71 km và đã có hơn 100 vận động viên trong nước, quốc tế thử sức trên “cung đường máu và hoa” này. Chạy trên cung đường huyền thoại đó thực sự có rất nhiều cung bậc cảm xúc, từ vượt qua chính mình, vượt qua thử thách để rồi thấy tâm hồn được rộng mở.

 Chạy trên những cung đường đèo của cao nguyên đá ở Hà Giang mang đến trải nghiệm giàu cảm xúc cho du khách. (Ảnh minh họa: Vương Công Nam/Vietnam+)

Chạy trên những cung đường đèo của cao nguyên đá ở Hà Giang mang đến trải nghiệm giàu cảm xúc cho du khách. (Ảnh minh họa: Vương Công Nam/Vietnam+)

Chính vì vậy, giải Marathon Hà Giang luôn thu hút du khách đến và chúng tôi mong muốn giải này sẽ tiếp tục duy trì. Bên cạnh giải marathon truyền thống thường niên, chúng tôi cũng mong cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục khảo sát các cung đường của Hà Giang để mở rộng quy mô các giải chạy trên cung đường Hạnh Phúc.

Nói về du lịch thể thao mạo hiểm thì chúng tôi cũng đã có Giải Trình diễn xe môtô, ôtô địa hình với chủ đề Tinh thần đá. Đây là một giải đấu rất hấp dẫn, thu hút được các tay thủ từ nhiều quốc gia tham dự.

Chúng tôi cũng có giải dù lượn Bay trên mùa vàng, dù lượn trên vùng công viên địa chất. Tuy nhiên, để giải trở thành thường niên cũng cần phải có những đơn vị chuyên nghiệp đồng hành. Vì đặc thù của các sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm liên quan tới tính mạng của con người, nên cần đặt yếu tố an toàn của du khách lên hàng đầu. Do đó, chúng tôi cần có một lộ trình, với nhà đồng hành chuyên nghiệp thì mới tiếp tục tổ chức được.

Giá trị, lợi ích của việc tổ chức các giải thể thao mạo hiểm gắn với các sản phẩm du lịch là rất rõ ràng. Bởi mỗi vận động viên khi tham gia giải sẽ giúp địa phương đón được thêm những du khách là người thân, bạn bè, gia đình. Mỗi hình ảnh du khách chia sẻ thông qua các trang mạng cá nhân lại giúp Hà Giang quảng bá, lan tỏa điểm đến một cách tự nhiên nhất.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cũng như chính quyền địa phương, chúng tôi sẽ phải có biện pháp gìn giữ hình ảnh đất và người Hà Giang để bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa, tạo cảnh quan, tạo dấu ấn hấp dẫn du khách quay trở lại Hà Giang nhiều hơn.

 Vẻ đẹp thiên nhiên và đời sống của người dân Hà Giang có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách trong nước và quốc tế. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Vẻ đẹp thiên nhiên và đời sống của người dân Hà Giang có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách trong nước và quốc tế. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

- Có thể nói, đồng bào các dân tộc ở Hà Giang đã bắt đầu làm du lịch và tạo được sinh kế từ chính những giá trị văn hóa truyền thống của mình. Vậy cụ thể, chính quyền địa phương đã đồng hành và hỗ trợ bà con ra sao để có thể vừa phát triển du lịch vừa giữ được văn hóa nội sinh, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hoài: Để phát triển du lịch, trước hết chúng tôi cần phải giải bài toán về nhận thức. Làm thế nào để phát triển du lịch theo hướng bền vững và làm sao để thu hút được cộng đồng các dân tộc cùng chung tay phát triển du lịch. Đây thực sự là bài toán nan giải.

Tuy nhiên, trải qua hơn 10 năm chú trọng phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh thì ngành văn hóa, thể thao và du lịch, đặc biệt là chính quyền địa phương các cấp cũng đã luôn luôn đồng hành, vận động bà con, từ cầm tay chỉ việc đến chung tay cùng người dân, với các tổ chức đoàn thể cùng tạo cảnh quan, cùng xây dựng vệ sinh môi trường, cùng thiết kế những sản phẩm từ câu chuyện truyền thống mà đồng bào là người lưu giữ, là chủ thể.

Đến nay, chúng tôi tin tưởng rằng người dân đã và đang thấy được giá trị từ du lịch, họ đồng lòng và cũng đã chung tay để phát triển du lịch.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của bà./.

 Hà Giang vẫn bảo tồn được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Hà Giang vẫn bảo tồn được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ha-giang-se-phat-trien-du-lich-mao-hiem-tren-cung-duong-hanh-phuc-post1037310.vnp