Hà Giang: Huyện Đồng Văn kiểm tra hoạt động khai thác đá trên địa bàn

Ngày 13/4, UBND huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) thông tin vừa thành lập tổ công tác kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Cụ thể, ngày 12/4/2023, ông Dinh Chí Thành - Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn làm trưởng đoàn, cùng Tổ liên ngành huyện, tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản kim loại và khoáng sản là đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn huyện Đồng Văn.

Trong ngày, đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra thực địa đối với 3 tổ chức, cá nhân và 01 đơn vị thi công công trình có hoạt động khai thác và chế biến đá trên địa bàn huyện.

Tại dự án công trình: Xử lý điểm có nguy cơ mất an toàn giao thông đoạn Km126+200 đến Km126+600 Quốc lộ 4C, tỉnh Hà Giang (thuộc xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn), Chủ đầu tư là Sở Giao thông vận tải Hà Giang, đơn vị thi công là Công ty Thanh Long có trủ sở tại TP Hà Giang.

Ông Dinh Chí Thành - Phó bí thư, chủ tịch UBND huyện Đồng Văn làm trưởng đoàn, cùng Tổ liên ngành huyện, tiến hành kiểm tra thực địa tại dự án công trình: Xử lý điểm có nguy cơ mất an toàn giao thông đoạn Km126+200 đến Km126+600 Quốc lộ 4C, tỉnh Hà Giang (thuộc xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn).

Tại thời điểm kiểm tra, không có mặt lãnh đạo chỉ đạo thi công công trình, đơn vị giám sát, chỉ có mặt ông Nông Văn Tuấn - Cán bộ quản lý vật tư của công trường.

Đối với hoạt động khoáng sản đơn vị chưa được phê duyệt việc tận dụng đá tại công trình để phục vụ xây dựng thi công công trình.

Cơ quan chuyên môn của huyện và UBND xã Sà Phìn đã tiến hành kiểm tra và đề nghị Chủ đầu tư và Đơn vị thi công thực hiện các thủ tục về đất đai, khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời tháo gỡ vướng mắc trong việc nổ mìn phá đá thi công công trình.

Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư và đơn vị thi công chưa thực hiện các thủ tục về đất đai, khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật; không phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện tháo gỡ vướng mắc trong việc nổ mìn phá đá thi công công trình.

Tổ công tác đã đề nghị Đơn vị thi công tạm dừng mọi hoạt động nổ mìn, phá đá trên toàn tuyến thi công dự án, công trình.

Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã đề nghị chủ đầu tư và đơn vị thi công công trình có trách nhiệm thực hiện đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích dự án xây dựng công trình theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, nghiêm cấm việc lợi dụng lấy đá làm vật liệu xây dựng thông thường trong quá trình thi công công trình để bán ra ngoài thị trường. Hạn chế tối đa việc nổ mìn phá đá thi công công trình gây ách tắc giao thông.

Phối hợp với UBND xã Sà Phìn thực hiện xác minh, kiểm đếm và hỗ trợ bồi thường cho người dân trong việc nổ mìn phá đá thi công công trình làm đá, đất lăn xuống nương, ảnh hưởng đến cây cối, hoa màu và việc canh tác của các chủ sự dụng đất dọc ta ly âm của tuyến đường khu vực thi công tuyến đường. Đoàn công tác cũng đề nghị lãnh đạo Công ty Thanh Long (Đơn vị thi công) lên làm việc với chính quyền địa phương để giải quyết các vướng mắc nêu trên.

Đối với 03 tổ chức cá nhân sản xuất vật liệu xây dựng tại xã Phố Cáo, Lũng Táo và thị trấn Đồng Văn, qua kiểm tra về cơ bản các tổ chức xuất trình Giấy phép đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép trong quá trình hoạt động khoáng sản; nộp các loại phí, thuế và thực hiện nghĩa đóng góp đối với địa phương nơi thực hiện hoạt động khoáng sản.

Đối với các tổ chức vị phạm, đoàn công tác kiểm tra yêu cầu dừng hoạt động và xử lý theo quy định của Pháp luật trong hoạt động khoáng sản.

Qua đó, có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Tổ công tác cũng yêu cầu chủ cơ sở phải khắc phục hậu quả, yêu cầu trả lại hiện trạng ban đầu tránh ảnh hưởng đến Công viên địa chất toàn cầu.

Tổ công tác đi kiểm tra nhiều điểm khai thác đá trên địa bàn.

Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, ông Dinh Chí Thành - Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết, hiện nay công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân còn hạn chế, khi vi phạm vẫn chưa nhận thức rõ. Vẫn có lối suy nghĩ “ đất đai, tài nguyên của các cụ để lại ta làm gì là do ta”.

Việc quy hoạch chưa được đồng bộ, hiện nay đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã hết thời hiệu, chưa bố trí được kinh phí để thực hiện đồng bộ, vẫn còn 1 số xã đang thực hiện, gây khó khăn trong công tác quản lý; công tác đo đạc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trước đây do đo nhanh từ vệ tinh, nên độ chính xác chưa cao, gây ra nhiều tranh chấp, phức tạp; năng lực cán bộ cơ sở (cấp xã) phụ trách lĩnh vực này vừa yếu vừa thiếu (mỗi xã chỉ có 1 cán bộ học lĩnh vực đất đai, còn thiếu lĩnh vực GT, XD), trong khi đó tốc độ phát triển đô thị hóa trên địa bàn nhanh nên khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước.

“Tại huyện Đồng Văn, tỷ lệ đá chiếm trên 70% (hầu hết là núi đá), nên người dân thường tận dụng, thu gom về sử dụng, thậm chí vận chuyển cả ban đêm về dùng nên rất khó kiểm soát. Thêm vào đó, một số lãnh đạo nhận thức chưa đúng, thường khoán trắng cho cán bộ trong công tác quản lý và xử lý các vi phạm, nên hiệu quả chưa được cao”, ông Thành cho biết thêm.

P. Họ

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/ha-giang-huyen-dong-van-kiem-tra-hoat-dong-khai-thac-da-tren-dia-ban-d192436.html