GS. TS. Andreas Stoffers: Xu hướng tăng trưởng nhanh của Việt Nam vẫn chưa kết thúc

Sáng 22/6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo công bố báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023: Liên kết và phát triển doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế tự chủ.

GS. TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia của FNF tại Việt Nam tại Hội thảo công bố báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023. (Ảnh: GT)

Hội thảo do Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (VEPR), trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam phối hợp tổ chức.

Kinh tế có thể tăng trưởng 6,01%

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia của FNF tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đã trải qua sự tăng trưởng kinh tế chưa từng có. Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Di sản (Heritage Foundation), Việt Nam hiện là một trong những quốc gia tự do về kinh tế.

Theo GS. TS. Andreas Stoffers, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng rất ấn tượng. Ông nhấn mạnh: "Bên cạnh Ba Lan, Việt Nam là quốc gia đã phát triển nhanh nhất trong những năm gần đây và xu hướng này vẫn chưa kết thúc. Lý do bởi đất nước này đã không đi chệch khỏi những giá trị cơ bản trong cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra".

Các biện pháp chống lại Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng lớn trên toàn thế giới và làm gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Với vị thế là quốc gia hội nhập kinh tế quốc tế cao, Giám đốc Quốc gia của FNF tại Việt Nam cho rằng, hiện tại là thời điểm khó khăn đối với Việt Nam.

Theo báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023, nền kinh tế Việt Nam đã và đang bộc lộ một số vấn đề. Khu vực công nghiệp và xây dựng giảm tốc mạnh mẽ từ quý III/2022 và tính chung 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát ở Việt Nam vẫn ở mức cao mặc dù đã hạ nhiệt do áp lực từ lạm phát toàn cầu và giá nguyên liệu đầu vào tăng. Trong 5 tháng năm 2023, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022. Theo báo cáo, lạm phát cơ bản tăng 4,54% chính là ẩn số cho việc điều hành ổn định vĩ mô của Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2023.

Cùng với đó, tỷ giá tại Việt Nam đã có nhiều biến động mạnh từ cuối quý III/2022, đỉnh điểm là tháng 11/2022. Các doanh nghiệp nhập khẩu mở rộng dự trữ ngoại hối USD phòng ngừa rủi ro tỷ giá trong tương lai, trong khi đó các doanh nghiệp xuất khẩu tăng cường găm giữ ngoại tệ để chờ đợi cơ hội bán với giá cao hơn. Dự trữ ngoại hối của Nhà nước cũng có dấu hiệu sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên, tỷ giá giữa đồng USD và VND đầu năm 2023 đã ổn định trở lại do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ gia tăng lãi suất và lạm phát tại Mỹ giảm bền vững, khiến đồng USD giảm giá mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, gánh nặng lãi vay cho doanh nghiệp, xung đột Nga-Ukraine và xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng là những thách thức của nền kinh tế trong phần còn lại của năm nay.

Dầu vậy, báo cáo cho rằng có 4 cơ hội cho tăng trưởng năm 2023 của kinh tế Việt Nam. Cụ thể là: Các chính sách điều hành nền kinh tế gần đây cho thấy những quyết tâm thúc đẩy kinh tế trong nước; tăng điều kiện xuất nhập khẩu cho nhiều ngành hàng trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa trở lại; cơ hội từ làn sóng dịch chuyển chuỗi đầu tư và các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục là động lực tăng trưởng thương mại.

Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo công bố báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023. (Ảnh: GT)

Trong bối cảnh khó khăn như trên, báo cáo đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

Ở kịch bản thấp, tốc độ tăng GDP của Việt Nam năm 2023 chỉ đạt mức 5,54%. Ở kịch bản cơ sở, tốc độ tăng GDP sẽ là 6,01%. Còn với kịch bản cao, tốc độ tăng GDP năm 2023 sẽ là 6,51%.

6 giải pháp

Để vượt khó, các chuyên gia tại Hội thảo nhận định, Việt Nam cần cải thiện chính sách trong điều hành vĩ mô, trong đó, có 6 giải pháp.

Thứ nhất, xác định nhiệm vụ trọng tâm và hàng đầu trong thời gian tới là vừa cân bằng giữa mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô nhưng đồng thời tìm kiếm các giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế/phục hồi sản suất kinh doanh của doanh nghiệp một cách nhanh chóng và mạnh mẽ.

Thứ hai, cần tiếp tục triển khai hiệu quả hơn các chính sách tài khóa, đặc biệt các gói hỗ trợ phục hồi cho nền kinh tế, hướng vào các ngành có tác động tích cực.

Thứ ba, chính sách tiền tệ cần duy trì trạng thái thích ứng với hiện trạng của nền kinh tế có nhiều rủi ro, tiếp tục cân bằng giữa rủi ro tài chính với hỗ trợ phục hồi kinh tế, khơi thông sự luân chuyển của dòng vốn.

Thứ tư, quyết liệt nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của bộ máy công quyền các cấp, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ năm, thúc đẩy các chương trình nâng cao chất lượng doanh nghiệp, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Thứ sáu, cần phát triển các nghiên cứu chính sách độc lập phối hợp các viện nghiên cứu độc lập với các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giải nguyết ngay các ách tắc, khó khăn trong đầu tư công, cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi và khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước, thúc đẩy tính liên kết và tự chủ của kinh tế Việt Nam.

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gs-ts-andreas-stoffers-xu-huong-tang-truong-nhanh-cua-viet-nam-van-chua-ket-thuc-231864.html