Góp ý vào báo cáo về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ
Ngày 16-11, tại tỉnh Lào Cai, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37/TW đã tổ chức Hội nghị góp ý vào Báo cáo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW, ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì hội nghị. Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai.
Tại điểm cầu Tuyên Quang, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW, kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhiều điểm nghẽn, hạn chế dần được khơi thông; lợi thế trong nhiều ngành, lĩnh vực được phát huy; bản sắc văn hóa các dân tộc được giữ gìn và phát huy; đời sống của nhân dân trong vùng không ngừng được cải thiện.
Phần lớn các chỉ tiêu nhiệm vụ của Nghị quyết 37-NQ/TW cơ bản được hoàn thành. Đánh giá của Tổng cục Thống kê, năm 2020 quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn vùng (GRDP) theo giá hiện hành đạt 688,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,54% GDP cả nước, xếp thứ 5 về quy mô GRDP trong 6 vùng kinh tế. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 gây ra ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, song tăng trưởng kinh tế của vùng vẫn đạt mức ấn tượng đạt 6,28%, cao nhất trong 6 vùng kinh tế.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo, đại biểu ở các điểm cầu trong khu vực đã nhất trí cao dự thảo báo cáo Nghị quyết 37-NQ/TW. Các đại biểu cũng tham gia ý kiến đánh giá việc xây dựng chính sách phát triển các trục, quy mô kinh tế trong vùng; vấn đề dịch chuyển lao động trong vùng; phát triển rừng bền vững; khai thác tài nguyên khoáng sản và công tác bảo vệ môi trường...Các đại biểu cũng đề nghị Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết cần điều chỉnh một số chỉ tiêu về chất thải rắn, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo để phù hợp với thực tế.
Tham gia ý kiến tạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao dự thảo báo cáo đã phân tích kỹ lưỡng, đầy đủ thành quả, hạn chế. Đồng chí cho rằng, Ban Chỉ đạo cần bổ sung, đánh giá tiềm năng thế mạnh văn hóa của từng địa phương, trong đó có các di sản văn hóa đã được Chính phủ công nhận.
Về nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, các tỉnh trong vùng cần nghiên cứu thành lập bộ phận điều phối và kết nối phát triển vùng nhằm giải quyết các vấn đề trọng điểm quốc gia tại vùng như: Kết nối các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương trong vùng; các dự án phát triển mang tính vùng và liên vùng.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp theo hướng đa mục tiêu gắn với phát triển kinh tế-xã hội, môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Về hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ dự án mạng lưới giao thông trục dọc, sớm triển khai các dự án giao thông trục ngang tạo động lực cho các tỉnh khu vực phát triển.
Bộ Chính trị, Chính phủ xem xét cơ cấu, mở rộng phát triển các khu công nghiệp phù hợp giữa các vùng, miền, địa phương và có cơ chế chính sách hỗ trợ tạo điều kiện, khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư tại các tỉnh Trung du và miền núi Bắc bộ nhằm giải quyết nhu cầu việc làm tại chỗ cho người lao động, giảm di cư lao động, nhất là giải quyết những khó khăn về việc làm cho lao động trở về địa phương hiện nay đồng thời khi có diễn biến lớn xảy ra như đại dịch Covid-19 vẫn đảm bảo chuỗi sản xuất, phát triển kinh tế...
Kết luận hội nghị, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh ghi nhận những đóng góp của các đại biểu, các tham luận đã khẳng định quan điểm phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ không phải chỉ cho vùng mà đã đặt vùng trong tổng thể cả nước. Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW và đó cũng là tiền đề để đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng- an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 phù hợp với điều kiện, bối cảnh mới.