Google, Facebook, Apple... trước sức ép chống lại Nga
Khi thủ đô của Ukraine đang bị bao vây, các công ty công nghệ lớn đang phải chịu áp lực ngày càng lớn trong việc sử dụng tầm ảnh hưởng của họ để hành động chống lại Nga...
Các kênh truyền thông lớn của Nga đã bị Youtube chặn chức năng kiếm tiền
Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng Kỹ thuật số của Ukraine cuối tuần qua đã gửi một lá thư cho Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple. Theo đó, ông Fedorov kêu gọi lãnh đạo của “Táo Khuyết” ngừng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ, bao gồm cả App Store cho Nga. Vị lãnh đạo của Ukraine gợi ý rằng, một động thái như vậy sẽ thúc đẩy những người Nga trẻ tuổi “chủ động ngăn chặn hành động xâm lược quân sự đáng hổ thẹn” đang diễn ra.
“Chúng tôi cần sự hỗ trợ của các bạn! Trong năm 2022, các công nghệ hiện đại chính là lời đáp trả tốt nhất cho những người điều xe tăng hay tên lửa đến nước khác”, ông Fedorov viết, đồng thời thông báo trên tweet rằng đã liên hệ với Meta - công ty mẹ của Facebook, cùng với Google và Netflix và yêu cầu họ tạm ngừng dịch vụ ở Nga đồng thời kêu gọi YouTube chặn các kênh "dư luận viên" tiếng Nga.
SỨC ÉP ĐẾN TỪ NHIỀU PHÍA
Theo The Washington Post, trong khi đó, Thượng nghị sĩ Mark R. Warner (D-Va.), Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã kêu gọi Twitter và Meta chống lại các hoạt động cung cấp thông tin liên quan đến Nga.
YouTube mới đây đã ra thông báo rằng họ sẽ ngăn một số kênh của Nga kiếm tiền từ nội dung của họ.
Ông Warner cảnh báo rằng, khi cuộc chiến leo thang, "Nga có thể tăng cường sử dụng cả các phương tiện công khai và bí mật để gây ra sự nhầm lẫn về cuộc xung đột và thúc đẩy các thông tin sai lệch làm suy yếu phản ứng toàn cầu đối với “những hành vi bất hợp pháp này”.
Trong một lá thư gửi cho CEO Sundar Pichai của Alphabet, ông đã chỉ trích khả năng các kênh truyền thông nhà nước Nga như RT, Sputnik và Tass có thể kiếm tiền từ các bài đăng của họ thông qua dịch vụ quảng cáo của Google và YouTube.
Trong khi đó, trên Twitter, người dùng kêu gọi báo cáo vi phạm đối với một kênh YouTube với hơn 22.000 người theo dõi đã chia sẻ video có vẻ như tiết lộ các hoạt động di chuyển của quân đội Ukraine.
Tổng thống Hoa Kỳ Biden đã công bố các lệnh trừng phạt chống lại Nga nhằm hạn chế khả năng nhập khẩu công nghệ cao của nước này hôm 24/2. Động thái này được cho là sẽ “làm suy giảm” “khả năng cạnh tranh của Nga trong một nền kinh tế công nghệ cao của thế kỷ 21”.
Nhưng các lệnh trừng phạt chủ yếu mới tập trung vào chất bán dẫn và các công cụ công nghệ cao khác có lợi cho lĩnh vực quốc phòng của Nga. Theo một tuyên bố của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, các thiết bị liên lạc của người tiêu dùng phần lớn được được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt này.
Nhưng các nhà hoạch định chính sách, nhà báo, nhà công nghệ và những người ủng hộ nhân quyền hiện đang thúc giục các công ty công nghệ hành động mạnh mẽ hơn. Các nền tảng truyền thông xã hội đặc biệt đang bị giám sát chặt chẽ về vai trò trong việc quảng bá truyền thông nhà nước của Nga.
ĐỘNG THÁI CỦA NHỮNG ÔNG LỚN CÔNG NGHỆ
YouTube mới đây đã ra thông báo rằng họ sẽ ngăn một số kênh của Nga kiếm tiền từ nội dung của họ.
“Chúng tôi đang tạm tắt khả năng kiếm tiền trên YouTube của một số kênh liên quan đến lệnh trừng phạt gần đây nhắm đến các động thái gây chiến của chính phủ Nga”, phát ngôn viên của YouTube Farshad Shadloo cho biết, và “Chúng tôi cũng sẽ hạn chế đáng kể các đề xuất cho các kênh này. Theo yêu cầu của chính phủ Mỹ, chúng tôi đã hạn chế quyền truy cập vào RT và một số kênh khác ở Ukraine, sẽ tiếp tục theo dõi những diễn biến mới và có thể có những hành động tiếp theo".
Meta cuối tuần qua cũng ra thông báo sẽ cấm các phương tiện truyền thông nhà nước của Nga chạy quảng cáo hoặc kiếm tiền từ nền tảng của mình ở bất kỳ đâu trên thế giới. Đại gia mạng xã hội này cũng cho biết sẽ tiếp tục dán nhãn xác minh tính xác thực cho các bài đăng từ các phương tiện truyền thông nhà nước Nga.
Natalia Krapiva, cố vấn pháp lý công nghệ của Access Now cho biết: “Các công ty công nghệ lớn có trách nhiệm với người dùng Ukraine và Nga tôn trọng quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh và khủng hoảng chính trị”.
Nhưng chuyên gia này cho biết, các công ty công nghệ vẫn cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo rằng nền tảng của họ không bị lạm dụng.
“Tuy nhiên, họ cũng có trách nhiệm giữ an toàn cho người dùng của mình, đồng thời xác minh và phản ứng với bất kỳ chiến dịch cung cấp thông tin sai lệch nào có thể dẫn đến bạo lực,” bà Krapiva nói.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/google-facebook-apple-truoc-suc-ep-chong-lai-nga.htm