Gốm Hương Canh đương đại: Khai thác chất liệu cũ, mang về giá trị mới
Làng gốm Hương Canh đã từng có quá khứ huy hoàng nhưng cũng có thời kỳ mai một, suy vi. Qua những thăng trầm đó, gốm Hương Canh giờ đây không chỉ được biết tới với những chum, vại, ang, liễn… Vẫn Hương Canh ấy nhưng là một Hương Canh mới của tinh thần trang trí, hội họa, điêu khắc...
Sứ Móng Cái, vại Hương Canh “Ai về mua vại Hương Canh/Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng…”
Câu ca dao nhắc nhớ về làng quê có nghề gốm lừng danh một thời. Với tuổi đời hơn 300 năm, làng gốm Hương Canh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) từ xưa nổi tiếng với những đồ gia dụng như chum, vại, liễn, thạp, tiểu sành... Đặc trưng của gốm Hương Canh nằm vẻ thô mộc khỏe khoắn và nước da nâu cháy. Vẻ đẹp độc đáo này có được nhờ nguyên liệu trầm tích lắng đọng tự nhiên tại địa phương.
Chất đất của Hương Canh được cho là có hàm lượng ô xit sắt cao nên có độ mịn tốt hơn, ít “xương” hơn so với các vùng đất khác. Sau quá trình nhào luyện kỹ lưỡng, đất trở nên dẻo, dễ dàng vuốt mỏng mà không bị rạn. Lò gốm Hương Canh đốt củi, lửa táp trực tiếp vào sản phẩm mạnh nhẹ, nhiều ít khác nhau. Sự “tình cờ” của củi lửa đã tạo cho bề mặt sản phẩm chỗ bóng chỗ mờ, độ đậm nhạt khác nhau cực kỳ hấp dẫn. Gốm Hương Canh thành phẩm dù không men nhưng chống thẩm thấu nước rất tốt, khi gõ vào vang vọng tiếng “lanh canh” trong và ngân.
Là nghệ sĩ có nhiều năm làm việc với gốm Hương Canh, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, chất liệu gốm sành mang trong nó vẻ mộc mạc, bình dị, dân dã, nhiều chất làng, chất quê, chất người Việt Nam. Người Việt khi muối dưa cà thì dùng vại sành Hương Canh chứ không dùng đồ sứ Bát Tràng, khi nén dưa cà vẫn phải dùng đĩa sành Hương Canh chặn phía trên rồi mới đặt vật nặng vào. Ủ tương bằng chum sành Hương Canh sẽ cho ra loại tương ngon nhất. Rượu hạ thổ cũng phải đựng trong chum Hương Canh vì chum đất nung ở nơi khác thì dễ bị thấm, còn đồ gốm tráng men thì kín quá, khiến “âm dương thủy thổ không giao hòa”, rượu mất ngon.
“Những vại muối dưa, những niêu kho cá, những chum tương, những hũ đựng hạt giống treo gác bếp, đó chính là tâm hồn người Việt, văn hóa Việt Nam… Đồ gốm sành gia dụng Hương Canh chính là bức chân dung của đời sống làng quê, của đời sống văn minh nông nghiệp, của tâm tính người Việt Nam” - họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định.
Muốn đi xa không thể “loanh quanh chum, vại”
Dù đã nổi tiếng đến mức đi vào tiềm thức dân gian, nhưng đồ gốm Hương Canh không thể phù hợp hoàn toàn với đời sống hiện đại. Khi những đồ nhôm, nhựa, inox vừa bền, vừa nhẹ vừa rẻ và tiện dụng hiện diện nhiều hơn trong đời sống thì đồ gốm gia dụng dần thoái trào, vắng bóng.
Họa sĩ Lê Thiết Cương tiếc nuối, nhiều sản phẩm gốm Hương Canh đã mất đi, nhưng đáng lo hơn là nguy cơ những giá trị truyền thống dần mai một. Đây là vấn đề không chỉ xảy ra ở Hương Canh mà còn là thực trạng ở hầu hết các làng nghề truyền thống. Ở đó, người thợ làm theo khuôn mẫu do người trước truyền dạy như một thứ giá trị, dẫn đến việc một sản phẩm hàng chục, hàng trăm năm “vẫn chỉ có thế”. Giờ đây, khi xã hội thay đổi nhưng thiết kế mẫu mã vẫn là khâu yếu chứ chưa nói đến câu chuyện xa xôi về một ngành công nghiệp sáng tạo.
“Không ai có thể thuyết phục một đôi vợ chồng trẻ vừa mua một căn hộ chung cư bỏ tiền ra mua một chiếc vại gốm muối dưa cà về để cắm hoa. Muốn cho những giá trị truyền thống sống được trong đời sống hôm nay thì sản phẩm ấy phải mang hơi thở hiện đại thông qua mỹ thuật” - ông Lê Thiết Cương nói.
Còn theo họa sĩ Nguyễn Hồng Quang - người xuất thân từ gia đình có 3 đời làm gốm có tiếng ở đất Hương Canh - việc chuyển từ gốm gia dụng sang gốm ứng dụng, gốm nghệ thuật không phải một sớm một chiều. Cách đây gần 30 năm, chứng kiến những nghệ sĩ về xưởng gốm nhà mình làm việc, chàng trai mới lớn không hiểu được vì sao những bình, những chum tròn thế, đẹp thế mà họ lại cố công để làm cho méo mó, xiêu vẹo đi?
“Lớn lên, theo học ngành mỹ thuật, cũng là lúc nghề gốm truyền thống thoái trào, tôi thấy rõ hơn việc đưa nghệ thuật vào gốm đã nâng tầm, nâng cao giá trị sản phẩm gốm lên rất nhiều. Gốm Hương Canh muốn đi xa không thể chỉ loanh quanh những chum, những vại mà cần giá trị mỹ thuật trong từng sản phẩm. Đó cũng là lý do tôi trở về quê, sống chết với nghề” - anh Quang bày tỏ.
Từ khi xưởng Gốm Quang mở ra, Hương Canh trở thành địa chỉ mà giới nghệ sĩ lui tới nhiều hơn. Nguyễn Hồng Quang dành hẳn một không gian chừng 100 m2 cho các nghệ sĩ làm việc, xây dựng phòng nghỉ đủ cho 6 người để họ có thể lưu trú dài ngày. Đã có nhiều thế hệ nghệ sĩ đến với Hương Canh “chơi” với gốm: Lê Duy Ngoạn, Nguyễn Trọng Đoan, Vũ Nhâm, Trần Khánh Chương, Lê Ngọc Hân, Lê Ngọc Ly… Mỗi nghệ sĩ có góc nhìn, có ý tưởng khác nhau, có người mạnh về phù điêu, có người thiên về tượng, có người chỉ làm về gốm ứng dụng như đèn trang trí, tranh treo tường, các loại bình, lọ…
“Từ gốm dân dụng truyền thống tới gốm đương đại có nhiều con đường đi khác nhau và mỗi người có cách đi riêng. Cái mà tôi cảm nhận được rõ ràng khi những nghệ sĩ hàng đầu về xưởng sáng tác, đó là tư duy mỹ thuật và cách tạo hình, cách xử lý chất liệu của mỗi người... Đây là những kiến thức thực tế vô cùng quý giá” - Quang nói.
Giờ đây, sản phẩm gốm Hương Canh truyền thống tại xưởng Gốm Quang chỉ còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, mà Nguyễn Hồng Quang bảo rằng, làm để bảo tồn truyền thống. Ngược lại, đối với gốm ứng dụng hay gốm nghệ thuật, xưởng cho ra đời hàng ngàn sản phẩm mỗi tháng. Với cách tạo hình mới mẻ, gốm Hương Canh đã xuất hiện nhiều hơn trong các triển lãm nghệ thuật. Những sản phẩm gốm ứng dụng đã mở rộng thị trường ra các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh... Quang tự hào bảo, không chỉ gia đình anh sống tốt bằng nghề mà các lò gốm còn lại trong làng cũng dần qua cơn bĩ cực.
“Trong hai năm trở lại đây, gốm Hương Canh tham gia 6 - 7 triển lãm nhóm, triển lãm cá nhân lớn nhỏ. Phản hồi từ công chúng khá tốt, tôi đã được nghe không ít người trong giới nói rằng, gốm Hương Canh đã trở lại trên bản đồ Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi đang có kế hoạch hợp tác với một số nghệ sĩ để đưa sản phẩm gốm nghệ thuật Hương Canh ra bán trực tiếp ở nước ngoài” - họa sĩ Nguyễn Hồng Quang chia sẻ.
Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, những tác phẩm nghệ thuật mới mẻ được sáng tạo từ chất liệu truyền thống, từ tay nghề và cách làm truyền thống cho thấy gốm Hương Canh đã có sự tiếp nối giữa truyền thống và đương đại. Trong quá trình ấy, “những chum tương, ấm sắc thuốc, vại muối dưa… của Hương Canh truyền thống đối thoại với gốm Hương Canh mới và khác. Vẫn Hương Canh ấy nhưng là một Hương Canh mới của tinh thần trang trí, hội họa và gốm - điêu khắc”...
“Câu chuyện của Hương Canh cũng là câu chuyện về việc bảo tồn di sản, bảo tồn làng nghề, câu chuyện về công nghiệp văn hóa, câu chuyện về liên kết giữa nghệ nhân và nhà thiết kế, nghệ sĩ. Bảo tồn di sản truyền thống, làm cho truyền thống hiện diện trong đời sống hiện đại bằng nghệ thuật, đó là cách bảo tồn bền vững nhất” - họa sĩ Lê Thiết Cương chốt lại.