Góc khuất đời nghệ sĩ
Họ là những nghệ sĩ tuồng, chèo, cải lương. Khi cánh màn nhung khép lại, người nghệ sĩ lại trở về với chính mình, đối mặt với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền. Để bám trụ với nghề tổ, họ phải làm đủ nghề, từ xe ôm, bán nước chè vỉa hè, MC đám cưới, hát văn cho các buổi hầu đồng, đi môi giới đất…
“Hỏi về đời sống nghệ sĩ kịch hát, chắc chắn ai cũng nói là rất nghèo chứ không ai nói là quá sướng. Dám nói thẳng, nghệ sĩ là rất khổ” - nghệ sĩ Nguyễn Tiến Hiệp buồn rầu nói.
1. Nằm ở khu lao động phố Minh Khai, ngôi nhà của nghệ sĩ Nguyễn Tiến Hiệp (Hiệp Vịt) không có gì đáng giá ngoài chiếc tivi cũ. Mà căn nhà này là vợ chồng anh đi thuê. 33 năm công tác tại Nhà hát Cải lương Hà Nội, hóa thân vào hàng trăm nhân vật trên sân khấu, diễn hàng nghìn buổi diễn, đến giờ hai vợ chồng vẫn đang phải thuê nhà.
Những năm trước đây, đứng trước nguy cơ cải lương bị “thất sủng”, tận dụng lợi thế nằm ở vị trí đắc địa, 72 phố Hàng Bạc, Nhà hát Cải lương Hà Nội bán vé cho khán giả xem những trích đoạn đặc sắc vào hai ngày cuối tuần, nhưng rồi khán giả thưa thớt, dăm ba anh Tây đi dạo phố cổ tò mò mua vé vào xem, riết rồi cũng không hút khách. Nhiều năm nay, vào 3 buổi tối cuối tuần, các nghệ sĩ diễn miễn phí phục vụ khán giả trên tuyến phố đi bộ.
“Mức cátsê của nhà nước rất thấp chỉ ở khung 100.000- 200.000 đồng/buổi diễn, không bao giờ vượt quá được 200.000 đồng. Đấy là tính đêm diễn, tính theo nhân vật. Mỗi nhân vật chỉ chênh nhau 5.000- 10.000 đồng. Đấy là vai chính, như vai chính của tôi là 150.000 đồng; vai dưới tôi dao động khoảng 130.000 đồng/ buổi. Cơ quan nào khéo léo cắt ra tạo ra thành 200.000- 300.000 đồng ví dụ như tiền đi diễn xa, tiền vất vả…Thế nên là quá khổ chứ không phải là khổ”, nghệ sĩ Tiến Hiệp cảm thán.
Nhưng nhà hát đông người, đoàn này diễn thì đoàn kia nghỉ, người này diễn thì người kia thôi, nên không phải nghệ sĩ nào cũng được lên sân khấu, có nghệ sĩ cả tháng cũng chẳng có vai.
Ở Nhà hát Cải lương Hà Nội, lương của Tiến Hiệp thuộc loại cao nhất nhưng chỉ có 8 triệu đồng/ tháng. Số tiền không đủ để nuôi hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học. “Đói thì đầu gối phải bò”, từ nhiều năm trước, Tiến Hiệp đã phải xoay đủ nghề từ xe ôm, MC đám cưới, tổ chức sự kiện, đóng tiểu phẩm hài.
Ngày xưa anh hay tham gia đi các tỉnh còn có người xem, nhưng sau 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, kinh tế khó khăn nên anh cũng không còn đất diễn nữa. Sau đợt dịch, không có việc, Hiệp Vịt lên Facebook thử sang lĩnh vực hát bolero, không ngờ anh có số lượng người hâm mộ khủng hàng nghìn lượt like. Các bầu sô đã phát hành những video này và đăng trên kênh Youtube có đến gần 3 triệu người yêu thích, vì thế hàng tháng anh cũng có thêm chút tiền để thêm thắt vào cuộc sống gia đình.
Mặc dù trên sân khấu anh hay đóng hài, nhưng bên ngoài tôi không thể tìm thấy nét vui nào trên khuôn mặt Tiến Hiệp. Anh ngồi co ro, dáng vẻ rầu rĩ, trên khuôn mặt hiện lên sự sương gió của người đàn ông với nhiều nỗi lo ám ảnh thường ngày.
Giọng anh trầm xuống nói: “Người nghệ sĩ ra đường, được khán giả đón nhận, yêu mến tung hô, nghĩ đến mình phải là một cái gì đó sang chảnh, nhưng trở lại về đời thực là chính mình lại lo cơm áo gạo tiền, lo ngày mai tiền điện, tiền nhà, tiền học… Nhiều khi bạn bè, người hâm mộ rủ đi ăn đi nhậu, mời mọc giao tiếp, thường bữa ăn rất thịnh soạn tôi không bao giờ thích đi. Khi nhìn bàn tiệc đồ ăn ê hề, mình ăn ngon mà con cái ở nhà bữa ăn đạm bạc, mình cũng chạnh lòng. Ăn một mình cũng chả thích thú gì. Hay người hâm mộ rủ nghệ sĩ đi chơi mấy ngày Đà Lạt, Vũng Tàu, mình đi một mình quá đơn giản, con mình chả được đi cùng thì mình không thích. Người ta bảo nghệ sĩ phải đi để giao lưu thêm mối quan hệ, nhưng mình có buôn bán gian lận gì đâu mà mình cần mối quan hệ, anh em bạn bè rủ cà phê bình dân thì được…”.
2. Cũng thuộc loại có thâm niên công tác ở Nhà hát Cải lương Hà Nội, nghệ sĩ Nguyễn Trọng Vinh cho biết, sau 22 năm cống hiến với nghề, hiện nay lương của anh 6,6 triệu đồng/tháng.
Năm 2009 khi lấy vợ, anh chỉ có hai bàn tay trắng. Thậm chí đám cưới của anh là ăn cỗ trước rồi mới thanh toán. Một năm sau hai vợ chồng có em bé, cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng thêm chồng chất. Hai vợ chồng thuê tạm ngôi nhà nhỏ, cả hai làm nghề thu tiền cước Internet của sinh viên ở khu nhà mình trọ. Nhưng do chưa thạo nghề, ngay tháng đầu hai vợ chồng anh phải bù lỗ 3 triệu, nên chấm dứt không dám làm nghề này nữa. Anh nhận đi làm MC đám cưới được 300.000 – 400.000 đồng/ buổi, người ta cưới theo mùa, nhiều tháng cũng ế ẩm, nên thu nhập bấp bênh.
Sau đợt dịch COVID-19, anh quyết định bỏ nghề MC đám cưới vì sau khi xảy ra một chuyện. Anh ăn vận lịch sự đang chuẩn bị lên sân khấu để giới thiệu cho đôi uyên ương, thì bất ngờ nghe giọng một người phụ nữ tiến lại hỏi: “MC đâu?” Người ta chỉ vào anh, anh quay lại nhìn người phụ nữ đó, chị ấy nhìn anh không giấu nổi sự ngạc nhiên, thảng thốt, xen lẫn sự thất vọng, hỏi: “Ở đâu ra đấy?”, tiếng trả lời: “Không biết, nghe nói là diễn viên”. Chị kia lại lắc đầu: “Diễn viên sao chẳng nhìn thấy bao giờ…”. Lại có tiếng xì xầm trả lời: “Người ta là diễn viên sân khấu có phải diễn viên truyền hình đâu mà quen mặt, thuộc tên. Nếu là sao thì tiền cátsê đã cao ngất ngưởng tiền đâu mà mời, ai mà thèm về cái thị trấn này.…”. Hôm đấy, anh gượng gạo, chỉ muốn buổi giới thiệu của anh kết thúc cho nhanh. Sau hôm ấy, anh bỏ hẳn làm MC đám cưới.
20 năm đi thuê nhà, chuyển hết từ khu nhà trọ này sang khu nhà trọ kia nghĩ cảnh mà ngao ngán. Năm 2017, quyết định mua nhà chung cư trả góp ở Dương Nội, Hà Đông diện tích 62m2 với giá 1,2 tỷ đồng. Cả hai vợ chồng tích cóp được 100 triệu, cùng với sự hỗ trợ bên nhà ngoại, sau khi cơ quan tạo điều kiện kí xác nhận bảng lương và thu nhập, anh vay được 750 triệu của ngân hàng trả trong vòng 15 năm. Hiện tại vẫn còn nợ ngân hàng hơn 500 triệu. Hằng tháng anh trả ngân hàng cả gốc và lãi là 9,5 triệu. Đấy là một con số không hề nhỏ với đồng lương 6 triệu mà lại phải nuôi thêm hai con nhỏ, nhưng anh hào hứng bảo: “May quá, hai năm qua thị trường bất động sản rất sôi động, có một anh diễn viên bên Đoàn Cải lương Hoa Mai rủ đi làm môi giới bất động sản, tôi lại thích ứng nhanh với nghề này. Áp dụng đúng bài của diễn viên, đến gặp ai anh cũng pha trò cười vui vẻ để lấy thiện cảm. Chủ nhà thấy anh vui vẻ hỏi nghề nghiệp ngoài nghề môi giới bất động sản ra, anh còn làm thêm gì nữa không. Anh bảo, làm diễn viên cải lương, hai vợ chồng chủ nhà cười như nắc nẻ có vẻ họ không tin, tưởng anh đùa, thế là cao hứng anh đứng ở cửa nhà họ hát luôn cả bài cải lương”.
Nhưng cũng có nhiều anh chị em đồng nghiệp ở nhà hát sau khi chuyển sang nghề tay trái làm cò đất, có khi đi hàng tháng trời, tốn bao nhiêu tiền xăng xe cũng chẳng chốt được căn nào. Mấy cậu diễn viên lại ngồi bảo nhau, đi như ngựa ngoài đường, môi giới mời chào rát cả cổ họng, vậy mà khách vẫn không ưng, chê này chê nọ; bí quá, mấy cậu nghệ sĩ trẻ xoay ra chạy xe ôm. Một nam diễn viên ở nhà hát bảo: “Nên trên xe của em luôn có hai cái mũ bảo hiểm, đi từ chỗ trọ đến cơ quan làm việc tranh thủ kiếm thêm được một cuốc xe. Có một cô khách hỏi em: “Ngoài nghề xe ôm cháu còn nghề gì nữa không?”, em thật thà trả lời: “Cháu là diễn viên cải lương”. Bị cô khách lườm cho một cái, rồi nguýt môi bảo: “Mày làm xe ôm thì nói là làm xe ôm, còn bày đặt sĩ diện rởm bảo làm diễn viên. Làm gì có diễn viên đi chạy xe ôm bao giờ”. Cô ấy nói thế xong, mình vừa tủi thân, vừa bực mình, cũng chẳng muốn thanh minh gì nữa”. Nói đến đấy, bạn diễn viên lặng người đi một lúc rồi bảo: “Thôi, chị cũng đừng nói tên em, chẳng hay ho gì đâu, Nhà hát em cũng nhiều bạn đồng cảnh ngộ, đói quá thì đầu gối cũng phải bò thôi. Có thực mới vực được đạo, đói ăn thì đứng không vững làm sao lên sân khấu ca cho được…”.
3.Nhà hát Chèo Việt Nam nằm ở khu Văn công Mai Dịch, khi chúng tôi tập kết đến đại bản doanh của anh chị em nghệ sĩ chèo vào cuối giờ chiều, trời đã bắt đầu nhá nhem tối nhưng vẫn còn mấy diễn viên vẫn còn đang tập thoại chuẩn bị cho chương trình mới.
Nghe tôi hỏi về cuộc sống của các nghệ sĩ, NSƯT Mẫn Đức Kiên bảo rằng: “Phải có tinh thần thép, yêu nghề lắm mới làm được nghề. Tôi chưa thấy ở đâu vất vả như ngành nghệ thuật truyền thống, bạn bảo công tác gần 20 năm, lương đến bây giờ được 6 triệu/tháng. Lương 6 triệu đóng học phí cho hai đứa trẻ con còn thiếu mà vẫn yêu nghề. Tôi về nhà hát từ 2005 tiền cátsê được 100.000 đồng/buổi diễn; bây giờ mới được 160.000 đồng/buổi. Mà có khi cả tháng mới được vài buổi diễn”.
NSƯT Mẫn Đức Kiên cho biết, hiện nay trong nhà hát các em, các cháu vẫn phải chạy thêm xe ôm để mưu sinh. Bản thân anh từ nhiều năm trước còn đóng phim truyền hình, cátsê không được bao nhiêu chủ yếu là để lấy hình ảnh. Bản thân anh Kiên phải đi hát văn hầu đồng và làm sự kiện, MC, ca sĩ... mỗi thứ đá một tí miễn là ra tiền để mà lo cuộc sống.
Do kinh phí eo hẹp, nên từ nhiều năm nay, khi đi diễn các tỉnh, Nhà hát Chèo Việt Nam tận dụng luôn diễn viên trong đoàn làm hậu đài. Hậu đài là công việc lao động chân tay, tức bưng, bê, kê, dọn, lắp ghép sân khấu. NSƯT Mẫn Đức Kiên kể: “Mỗi lần đi diễn xa mọi người trong đoàn đi rất sớm từ 1-2 giờ trưa đến đấy chưa kịp nghỉ ngơi, anh em diễn viên cả vai chính, vai phụ, trưởng đoàn, phó đoàn vẫn phải lăn vào bê cái bộ sân khấu vô cùng nặng. Trời đẹp không sao, trời mưa, nhìn nhếch nhác, bẩn thỉu. Lắp ráp xong được bộ sân khấu rồi ăn cơm bụi bình dân, hoặc không làm tạm gói mì tôm, ăn vội vàng xong trang điểm để diễn, diễn xong lại bê sân khấu về. Cứ nghĩ đến làm sân khấu là sợ. Trong nhà hát rất nhiều người bị ảnh hưởng về xương khớp, có người bị thoát vị địa đệm, không làm thì lại bị mắng. Đến đây người ta có nghĩ mình là diễn viên đâu”.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/goc-khuat-doi-nghe-si-i689752/