Góc khuất của ngành công nghiệp life coaching

Một số người muốn cải thiện cuộc sống và sự nghiệp thông qua việc học để trở thành huấn luyện viên cuộc sống, song dường như bị mắc kẹt trong cái gọi là 'sơ đồ kim tự tháp'.

Người ngoài đánh giá Billiejo Mullett (46 tuổi, sống ở Minoa, New York) suy nghĩ rất thực tế, có học thức và óc phán đoán. Cô là điều dưỡng viên tại một đơn vị cung cấp bảo hiểm y tế, đồng thời cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống gia đình bận rộn.

Nhưng ít ai biết Mullett từng quay cuồng trong trải nghiệm huấn luyện cuộc sống (life coaching) được mô tả là "sơ đồ kim tự tháp" tiêu tốn hàng chục nghìn USD. "Tôi tự đánh giá mình thông minh. Tất cả chúng ta đều nghĩ điều đó sẽ không bao giờ xảy ra với mình. Đó là phần thực sự đáng sợ", chị nói.

Mullett hiện là thành viên của một nhóm đang lên chuyên lật tẩy "phần chìm của tảng băng trôi" đối với khái niệm "huấn luyện cuộc sống" - một ngành công nghiệp không được kiểm soát chặt chẽ, có chi phí đắt đỏ.

Bắt nguồn từ xu hướng tự hoàn thiện bản thân vào cuối thế kỷ XX, life coaching nhìn chung là chương trình gồm các buổi thiết lập mục tiêu và phiên trị liệu bằng trò chuyện nhằm cải thiện hoàn cảnh, sức khỏe của cá nhân, theo The New York Times.

Mô hình kinh doanh như thế này ngày càng bùng nổ. Liên đoàn Khai vấn Quốc tế (ICF) ước tính ngành huấn luyện cuộc sống trị giá 4,6 tỷ USD vào năm 2022; số lượng huấn luyện viên đã tăng 54% từ năm 2019-2022.

Sự thiếu hụt chứng nhận tiêu chuẩn góp phần mở rộng quy mô của ngành - nguy hiểm ở chỗ bất kỳ ai cũng có thể mang danh "huấn luyện viên cuộc sống".

Trong khi nhiều người hoạt động liêm chính, tức cung cấp lời khuyên sâu sắc và chặt chẽ cho khách hàng để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn, thì bản chất không kiểm soát của ngành có thể khiến những người cả tin bị lợi dụng.

Nghề life coach không như mơ

Năm 2018, trong lúc mệt mỏi với môi trường làm việc bận rộn và phải vật lộn để xây dựng mái ấm gia đình cùng chồng và con riêng, Mullett đã khám phá ra phương pháp huấn luyện cuộc sống.

"Bạn tôi giới thiệu một podcast và tôi lập tức cảm thấy đây chính là những gì mình đang tìm kiếm. Người dẫn chương trình khi ấy nói về cách suy nghĩ tác động đến cảm xúc và hành vi của chúng ta. Tôi đã bị thu hút", chị nhớ lại.

 Nhiều người học để trở thành life coach đã mắc kẹt trong "sơ đồ kim tự tháp". Ảnh: Rose Wong/The New York Times.

Nhiều người học để trở thành life coach đã mắc kẹt trong "sơ đồ kim tự tháp". Ảnh: Rose Wong/The New York Times.

Sau lần đó, Mullett bắt đầu xem các video trên trang web của người dẫn chương trình. Đó là một huấn luyện viên cuộc sống biết kết hợp tiếng nói của các nữ doanh nhân thành đạt với lời hứa về một nghề nghiệp mới, nơi phụ nữ kiểm soát công việc, lịch trình và giúp đỡ người khác hoàn thiện bản thân. Một số video còn nói "bộ não là thứ quý giá nhất mà bạn có thể đầu tư”.

Mullett đã rút 18.000 USD từ quỹ hưu trí 401(k) của mình để trả cho khóa học đầu tiên tại một trường đào tạo huấn luyện viên cuộc sống hàng đầu. Chị nuôi hy vọng nó sẽ dẫn đến thay đổi nghề nghiệp cần thiết.

Dẫu vậy, khóa học không như mong đợi.

"Chương trình học trực tuyến khó hiểu và chất lượng thấp kéo dài 1 giờ/tuần trong 6 tháng. Trong đó, các huấn luyện viên đầy tham vọng thảo luận về những chương họ đã đọc bên ngoài lớp học và thực hành huấn luyện lẫn nhau. Người học bị coi thường, không được khuyến khích đặt câu hỏi cho các huấn luyện viên dẫn dắt khóa học", Mullett kể.

Mullett không phủ nhận mình đã học được một số điều quý giá, chẳng hạn khả năng chỉ tập trung vào những điều có thể kiểm soát trong cuộc sống.

 Mullett lao mình vào các khóa học dạy trở thành life coach. Ảnh minh họa: Unsplash.

Mullett lao mình vào các khóa học dạy trở thành life coach. Ảnh minh họa: Unsplash.

Chị đã chi một số tiền khổng lồ cho giấy chứng nhận và bám chặt vào giấc mơ khóa học đã "bán" cho mình: kiếm ra thu nhập tốt trong khi thỏa đam mê giúp đỡ người khác.

Sau khi hoàn thành chương trình, Mullett được nhà trường cấp chứng chỉ và nóng lòng muốn bắt đầu công việc huấn luyện. Nhưng khi cầm trên tay chứng chỉ hứa hẹn mang lại "mọi thứ cần thiết để kiếm 100.000 USD đầu tiên”, Mullett nhận thấy mình thiếu khách hàng và phải vật lộn để tạo ra thu nhập.

Giải pháp được chị đưa ra khi ấy là chi nhiều tiền hơn để được huấn luyện. “Làm sao bạn có thể bán cho ai đó giá trị của việc huấn luyện nếu bạn không tự trả tiền cho việc huấn luyện?”, Mullett nói rằng mình được bảo như thế.

Dần dần, Mullett trở nên áp lực khi ngày càng đổ nhiều tiền vào các lớp huấn luyện và cố vấn kinh doanh - chúng được cho là giúp củng cố sự nghiệp non trẻ của chị. Mullett bắt đầu với khóa học trị giá 2.000 USD và khi thấy việc kinh doanh tiến triển một chút, chị tiếp tục đăng ký khóa tương tự có giá 5.000 USD. Mullett còn chi thêm 10.000 USD sau đó để được huấn luyện.

“Tôi không kiếm tiềm, mà đang tiêu tiền", chị bàng hoàng nhận ra.

Ngành công nghiệp "tự ăn thịt mình"

Máire O Sullivan, giảng viên marketing tại Đại học Công nghệ Munster (Ireland) và là chuyên gia về tiếp thị đa cấp, cho biết những chương trình giống như cái lôi kéo Mullett tham gia là một phần nguyên nhân đẩy nhanh tốc độ phát triển của ngành huấn luyện cuộc sống.

“Sự bùng nổ được thúc đẩy bởi khao khát huấn luyện cuộc sống cũng như các phương tiện nhân tạo. Đó là một vấn đề trong việc đào tạo huấn luyện viên", bà O Sullivan nói.

Khảo sát cho thấy các huấn luyện viên tính phí trung bình 244 USD/giờ, tăng lên hàng nghìn USD đối với những tên tuổi đầu ngành. Một số tính phí hơn 6.000 USD cho buổi học nửa ngày và 200.000 USD cho các gói 50 giờ.

Phần lớn huấn luyện viên cũng bị giới hạn bởi nhu cầu - hầu hết chỉ huấn luyện khoảng 11 giờ/tuần. Điều này có nghĩa là nhiều người phải mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua các hình thức khác. Chẳng hạn, họ sẽ thuê thêm life coach, trả lương thấp hơn cho họ để xây dựng hệ thống "tuyến dưới". Hoặc họ có thể bán chứng chỉ huấn luyện cho cơ sở người theo dõi của mình.

Học khóa đào tạo life coach không phải "một bước lên mây". Ảnh minh họa: Liza Summer/Pexels.

Học khóa đào tạo life coach không phải "một bước lên mây". Ảnh minh họa: Liza Summer/Pexels.

Bà Sunny Richards (52 tuổi, sống ở Dallas) được một người bạn giới thiệu về huấn luyện cuộc sống. Bà từng kiếm ra thu nhập 6 số khi làm quản lý dự án trong ngành IT. Biến cố bị sa thải khỏi 2 công việc trong vòng 18 tháng ập đến khiến bà phải chịu đựng nỗi cô đơn, rơi vào "trạng thái trầm cảm" lúc đăng ký khóa huấn luyện cuộc sống 300 USD/tháng.

Với bà Richards, đây là khởi đầu của 6 năm “tàn phá tinh thần và tài chính”. Bà đã nâng cấp lên một khóa học có giá khoảng 3.000 USD/tháng với hy vọng được chứng nhận trở thành huấn luyện viên cuộc sống. Sau đó, bà cho biết mình bị các huấn luyện viên khác - người bán khóa học thêm hoặc bằng cấp cho bà - “tấn công dồn dập”.

“Ngành công nghiệp này 'tự ăn thịt mình'. Có những huấn luyện viên trở nên nổi tiếng, tiếp đến là những người còn lại trong chúng tôi đang cạnh tranh để giành đất phát triển", bà chia sẻ.

Mặc dù tỏ ra hoài nghi về ngành, bà Richards nói rằng sự bướng bỉnh đã giúp mình gắn bó với nó. “Tôi không phải người dễ bỏ cuộc. Tôi đã nhận ra góc khuất trong ngành từ lâu nhưng quá khó để từ bỏ. Trải nghiệm này thường xảy ra ở người bị cuốn vào những thứ hào nhoáng liên quan đến life coaching. Nói cách khác, huấn luyện cuộc sống thu hút các đối tượng dễ bị lợi dụng", bà bày tỏ.

 Nghề life coach không như mơ. Ảnh minh họa: Yann Bastard/Bloomberg.

Nghề life coach không như mơ. Ảnh minh họa: Yann Bastard/Bloomberg.

Đỉnh điểm của việc khai thác người cả tin trong ngành life coaching đã bị vạch trần bởi nhiều cuộc chiến pháp lý những năm qua, cùng các cáo buộc phạm tội chống lại một số tổ chức huấn luyện.

Ở Mỹ, người sáng lập Nxivm - một chương trình tiếp thị đa cấp và sùng bái tình dục, khởi đầu như một chương trình huấn luyện thành công cho các nhà điều hành - đã bị kết tội buôn người, tấn công tình dục và lừa đảo vào năm 2019.

Hay ở Anh, tổ chức huấn luyện cuộc sống Lighthouse gần đây đã ngừng hoạt động sau khi các thành viên cho biết họ bị cô lập với bạn bè và gia đình, được yêu cầu cắt giảm các loại thuốc điều trị sức khỏe tinh thần và khuyến khích bán nhà để trả tiền cho việc tư vấn.

Từ đây, Carrie Abner, phó chủ tịch phụ trách chứng chỉ và tiêu chuẩn của ICF, nói: “Huấn luyện là một ngành tự điều chỉnh, nghĩa là ai cũng có thể thiết lập hoạt động huấn luyện bất kể trình độ đào tạo hay chuyên môn ra sao. Do đó, khách hàng nên đảm bảo họ đang làm việc với những huấn luyện viên được đào tạo tử tế, có bằng cấp và giàu kinh nghiệm".

Bà Abner cho biết thêm, các huấn luyện viên có chứng chỉ từ ICF đều cam đoan tuân thủ đạo đức nghề. Nếu thấy huấn luyện viên hành động không phù hợp với tiêu chuẩn chuyên môn hoặc đạo đức, khách hàng sẽ có sẵn quy trình chính thức để buộc huấn luyện viên chịu trách nhiệm.

Hai mặt của đồng xu

Câu chuyện của bà Richards rất quen thuộc với Eva Collins (40 tuổi, sống ở Sacramento) - người tìm đến huấn luyện cuộc sống sau khi tham gia nhiều lớp yoga và cải thiện bản thân vào khoảng năm 2010.

Chị đã là huấn luyện viên cuộc sống trong vài năm, làm việc ở bộ phận bán hàng - tiếp thị cho một số tên tuổi nổi bật nhất ngành. Đây là nơi chị bắt đầu chú ý đến “mô hình kim tự tháp quỷ quyệt” của nhiều doanh nghiệp.

 Chị Eva Collins. Ảnh: Rozette Halvorson/The New York Times.

Chị Eva Collins. Ảnh: Rozette Halvorson/The New York Times.

“Họ bắt nạt mọi người vì tiền. Bạn không được phép đặt câu hỏi cho huấn luyện viên chính hay tỏ ra bất đồng quan điểm", Collins nói.

Chị đang quản lý một trang Instagram chia sẻ những bình luận ẩn danh về một số tên tội phạm huấn luyện cuộc sống tồi tệ nhất. Mỗi tuần, Collins nhận được hàng chục tin nhắn từ những người đang lâm vào cảnh nợ nần, bần cùng phải thế chấp nhà để trả tiền huấn luyện.

Theo Collins, ngành này đang gặp vấn đề nghiêm trọng với những kẻ lừa đảo. “Hầu hết mọi người tham gia huấn luyện cuộc sống vì họ thích giúp đỡ người khác. Họ không nghĩ rằng mình sẽ gây rắc rối cho mọi người hoặc lấy hết tiền của họ. Nhưng đôi khi, điều đó thực sự xảy ra", chị kể.

Với Mullett và bà Richards, quá trình rời bỏ thế giới life coaching thật khó khăn và tốn thời gian.

Mullett nói rằng mình phải tìm kiếm liệu pháp chữa trị những thiệt hại về tài chính và tinh thần. Sau khi rời ngành vào năm ngoái, chị sống trong cảm giác tội lỗi và xấu hổ vì đã tiêu tốn quá nhiều thời gian, tiền bạc cho những thứ mà giờ đây bị xem là trò lừa đảo tinh vi.

Về phần mình, bà Richards ước tính bản thân đã chi hơn 30.000 USD cho việc huấn luyện cuộc sống - nó thậm chí nhiều hơn số tiền kiếm được từ nghề. Tuy nhiên, quyết định ra đi không hề dễ dàng.

“Đến cuối cùng phải chấp nhận buông bỏ là một điều tàn khốc về mặt cảm xúc. Đây từng là giấc mơ của tôi. Tôi đã đi từ mức lương 6 số với phúc lợi và khoản hưu trí 401(k) đến việc cố gắng tìm công việc có mức lương tối thiểu, vào thời điểm mà tôi nghĩ mình sẽ ở đỉnh cao sự nghiệp. Tôi không chắc mình sẽ bắt đầu lại ở tuổi 52. Đây không phải cách tôi muốn thấy câu chuyện kết thúc", bà bày tỏ.

Mai Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/goc-khuat-cua-nganh-cong-nghiep-life-coaching-post1478809.html