Gỡ rào cản khi chuyển đổi số ở trường học
Chuyển đổi số là quá trình tích hợp công nghệ kỹ thuật số và thiết bị trực tuyến để tối ưu hóa quá trình học tập, qua đó nâng cao chất lượng giảng dạy và khả năng tiếp cận của học sinh. Trong điều kiện cơ sở vật chất và trình độ nhân lực hạn chế, yêu cầu này tại các trường học ở TPHCM được thực hiện từng bước, phù hợp tình hình thực tế của các đơn vị.
Không có mẫu số chung
Nhận thấy sự phát triển nhanh của nền tảng mạng xã hội như YouTube, Facebook, cô Võ Thị Hiếu Thảo, giáo viên Trường Mầm non Tân Định (quận 1), đã nảy ra ý tưởng xây dựng trang YouTube và Facebook riêng để cập nhật hình ảnh hoạt động của trẻ mỗi ngày ở trường. Nhờ vậy, phụ huynh không mất nhiều thời gian để trao đổi với giáo viên về tình hình học tập của trẻ.
Ngoài ra, để tăng cường sự kết nối giữa nhà trường và gia đình, cô Hiếu Thảo sử dụng phần mềm Google Forms (công cụ tạo biểu mẫu trực tuyến) để gửi các bản khảo sát trực tuyến lấy ý kiến phụ huynh về các hoạt động học tập của trẻ. Mặt khác, trẻ ở độ tuổi 4-5 chưa có khả năng đọc chữ nên cô Hiếu Thảo đã chủ động đưa các hình ảnh động, phim ngắn có lồng giọng đọc vào các clip bài giảng để tạo hứng thú cho học sinh.
“Phụ huynh thì chín người mười ý, mỗi học sinh có khả năng tiếp nhận thông tin khác nhau nên tôi thử nghiệm nhiều công cụ dạy học khác nhau, cái nào hiệu quả thì tiếp tục sử dụng, ngược lại nếu chưa phù hợp thì tìm giải pháp thay thế”, cô Võ Thị Hiếu Thảo chia sẻ.
Với cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh (quận 10), ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy là yêu cầu bắt buộc nhưng mang tính “mở” đối với giáo viên. Bởi lẽ, các thầy, cô giáo chưa có nhiều điều kiện tiếp xúc với chuyển đổi số trong quá trình đào tạo ở trường sư phạm, do đó phải tự bồi dưỡng kỹ năng và kiến thức. Đó là chưa kể mỗi môn học có đặc thù nội dung khác nhau, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy các môn khoa học xã hội khác với các môn khoa học tự nhiên.
Đơn cử, tại quận 11, thống kê số lượng học liệu số được triển khai trong năm học 2023-2024 cho thấy, số bài dạy các môn khoa học tự nhiên chiếm tỷ lệ áp đảo so với các môn khoa học xã hội. Trong đó, môn Toán dẫn đầu với 326 bài dạy trong năm học 2023-2024. Lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận 11 thông tin, việc xây dựng ngân hàng tài nguyên số hóa (bao gồm tài liệu, giáo trình, bài giảng số và các tài nguyên đa phương tiện) giúp giáo viên thuận lợi hơn trong việc xây dựng bài giảng cá nhân, qua đó góp phần đồng đều hóa chất lượng giảng dạy ở các trường học.
Trưởng Phòng GD-ĐT quận 10 Nguyễn Thành Trung nhận xét: “Hiện nay, không có mô hình chuyển đổi số nào phù hợp chung cho tất cả trường học, mà mỗi đơn vị có điều kiện khác nhau về cơ sở vật chất, trình độ và năng lực giáo viên. Do đó, mỗi nhà trường cần chọn cho mình một giải pháp phù hợp, phát huy tối đa sự chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên”.
Nâng cao năng lực số cho học sinh
Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình Phan Văn Quang cho rằng, chuyển đổi số có nhiều thuận lợi khi triển khai đối với học sinh ở các bậc học lớn, nhưng ở hai bậc mầm non và tiểu học thì còn hạn chế do đặc thù số lượng phân bổ giáo viên/lớp cũng như khả năng tiếp nhận của học sinh. Tuy nhiên, đây lại là hai bậc học mang tính chất nền tảng, có vai trò ươm mầm cho những thói quen học tập tiến bộ, khuyến khích tinh thần say mê nghiên cứu khoa học cho học sinh phát triển chuyên sâu hơn ở các bậc học tiếp theo.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số áp dụng cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo dự thảo, khung năng lực số gồm 6 năng lực chính: khai thác dữ liệu và thông tin, giao tiếp và hợp tác trong môi trường số, sáng tạo nội dung số, kỹ năng sử dụng an toàn, kỹ năng giải quyết vấn đề, sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh.
Khung năng lực là cơ sở tham chiếu về tiêu chuẩn, đồng thời là căn cứ cho các cơ sở giáo dục xây dựng chương trình học, nội dung và phương pháp giảng dạy nhằm phát triển năng lực số cho học sinh; qua đó xác định các tiêu chí về kiểm tra, đánh giá phù hợp từng cấp học, bậc học, đảm bảo liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo. Ngoài ra, việc xây dựng khung năng lực số còn giúp đảm bảo cơ hội tiếp cận và phát triển năng lực số cho người học ở tất cả địa bàn, giảm thiểu chênh lệch về khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ số giữa các cơ sở đào tạo khác nhau.
Riêng tại TPHCM, bắt đầu từ năm học 2024-2025, nội dung giáo dục kỹ năng công dân số được chính thức đưa vào giảng dạy tại các trường tiểu học với 4 hình thức dạy học, gồm dạy học môn Tin học theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018; giáo dục kỹ năng công dân số tích hợp trong dạy học các môn học khác; tăng cường nội dung giáo dục kỹ năng công dân số thông qua các hoạt động; tổ chức câu lạc bộ giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc khẳng định, phát triển năng lực số cho học sinh phổ thông là một trong những yêu cầu quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh, nhất là trong bối cảnh toàn ngành đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Năng lực số được hình thành và phát triển sẽ tác động hiệu quả đến thái độ, hành vi trong hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh, góp phần định hướng nghề nghiệp tương lai cho các em.
* Bà TRẦN ĐỨC HẠNH QUỲNH (Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận 1, TPHCM):
Thúc đẩy giáo viên thi đua lao động sáng tạo
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế bài giảng giúp giáo viên đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, phù hợp với điều kiện dạy học thực tế của trường, lớp theo định hướng “Lấy trẻ làm trung tâm”. Qua đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phát huy tính tích cực, khả năng sáng tạo, chung tay xây dựng kho học liệu số để nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh phong trào chuyển đổi số cũng tạo cơ hội cho cán bộ quản lý, giáo viên tăng cường trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau để tăng hiệu quả chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, góp phần thực hiện thành công mô hình xây dựng trường học hạnh phúc.
Mới đây nhất, Phòng GD-ĐT quận 1 tổ chức Hội thi “Ứng dụng công nghệ số trong tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ mầm non” năm học 2024-2025 nhằm thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo, góp phần làm phong phú kho học liệu số, qua đó tôn vinh trí tuệ, sức sáng tạo của giáo viên và các đơn vị trường học.
* TS LÊ VĂN THIỆN - Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TPHCM):
Phối hợp 3 "chân kiềng" trong phát triển năng lực số cho học sinh
Phát triển năng lực số cho học sinh là quá trình tác động có chủ đích của chủ thể quản lý, bao gồm các bước lập kế hoạch, tổ chức và chỉ đạo thực hiện, đánh giá, cải thiện năng lực số cho học sinh. Quá trình này hướng đến mục tiêu xây dựng năng lực số từ cơ bản đến thành thục, dựa trên khung năng lực cho học sinh ở từng bậc học, cấp học.
Việc phát triển năng lực số nhằm chuẩn bị cho các em những kỹ năng cần thiết để sống và làm việc trong xã hội hiện đại, nơi công nghệ số trở thành yếu tố then chốt. Năng lực số không chỉ giúp học sinh thành thạo trong việc sử dụng công nghệ mà còn nâng cao khả năng học tập và nghiên cứu thông qua việc tìm kiếm, xử lý thông tin một cách chủ động, sáng tạo; đồng thời thúc đẩy tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, giúp người học bình tĩnh, linh hoạt khi đối mặt với các thách thức phức tạp trong học tập và đời sống.
Để phát triển năng lực số cho học sinh, cần sự kết hợp đồng bộ giữa 3 “chân kiềng” gồm nhà trường, gia đình và xã hội. Trong đó, nhà trường đổi mới phương pháp dạy học, lồng ghép nội dung giáo dục năng lực số vào các môn học, tổ chức các hoạt động học tập trải nghiệm, nghiên cứu khoa học có sử dụng công nghệ số. Về phía gia đình, cần tạo điều kiện cho con em tiếp cận thiết bị công nghệ hiện đại và môi trường số an toàn, lành mạnh. Riêng cộng đồng xã hội cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của năng lực số, xây dựng các chương trình đào tạo, hỗ trợ phát triển năng lực số cho học sinh.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/go-rao-can-khi-chuyen-doi-so-o-truong-hoc-post772404.html