Gỡ 'điểm nghẽn' pháp lý cho hoạt động xuất, nhập khẩu

Để tháo gỡ 'điểm nghẽn' về pháp lý cho hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ, Luật Hải quan đã bổ sung 1 Điều quy định về kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ. Quy định này sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về thời gian, chi phí, đồng thời loại bỏ các điểm nghẽn, đảm bảo ổn định chính sách.

Đây là một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan.

 Việc sửa đổi, bổ sung vào Luật Hải quan những chính sách đột phá, tháo gỡ kịp thời điểm nghẽn về pháp luật.

Việc sửa đổi, bổ sung vào Luật Hải quan những chính sách đột phá, tháo gỡ kịp thời điểm nghẽn về pháp luật.

Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 192/2025/QH15 và Nghị quyết số 190/2025/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính (Cục Hải quan) đã tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong lĩnh vực hải quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung vào Luật Hải quan những chính sách đột phá, tháo gỡ kịp thời điểm nghẽn về pháp luật, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 8%.

Thứ nhất, nhận thấy, công nghiệp bán dẫn là cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 5, là động lực phát triển nền tảng cho các tiến bộ về khoa học, công nghệ. Hiện nay nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã có các chính sách thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài và trong nước nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn như chính sách tạo thuận lợi thương mại mà ưu đãi thủ tục hải quan là một phần trong đó.

Do vậy, nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, đặc biệt là doanh nghiệp mới được thành lập và thống nhất với Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Hải quan đã sửa đổi quy định về điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên cho các doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp thực hiện dự án công nghệ chiến lược; doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghệ số trọng điểm, dự án nghiên cứu và phát triển, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử sản phẩm chip bán dẫn, dự án xây dựng trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo; doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất sản phẩm phụ trợ trực tiếp trong công nghiệp bán dẫn. Các doanh nghiệp này do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Theo đó, so với điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên cho các doanh nghiệp thông thường, các doanh nghiệp nêu trên không cần đáp ứng điều kiện về kim ngạch và điều kiện về tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế trong 2 năm liên tục.

Thứ hai, để minh bạch về chế độ ưu tiên, dự thảo Luật Hải quan đã bổ sung quy định chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp nêu trên được áp dụng với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, công nghệ chiến lược, công nghệ số trọng điểm theo danh mục do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Danh mục này có mã số hàng hóa thống nhất với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

Thứ ba, để tháo gỡ điểm nghẽn về pháp lý cho hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ, Luật Hải quan đã bổ sung 1 Điều quy định về kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ. Quy định này sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về thời gian, chi phí, đồng thời loại bỏ các điểm nghẽn, đảm bảo ổn định chính sách.

Các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung của Luật Hải quan nêu trên đã được đưa vào Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công - Luật số 90/2025/QH15.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Hải quan nêu trên là bước chuyển mới tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, góp phần thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp bán dẫn của khu vực và thế giới.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Điều 42 về Điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên. Theo đó, doanh nghiệp được công nhận áp dụng chế độ ưu tiên khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: “Tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế trong 2 năm liên tục; Có kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hằng năm đạt mức quy định; Thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử; có phần mềm hoặc hệ thống công n ghệ thông tin quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp kết nối hoặc chia sẻ với cơ quan hải quan; Thực hiện thanh toán qua ngân hàng; Có hệ thống kiểm soát nội bộ; Chấp hành tốt quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán.

Doanh nghiệp được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố là doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp thực hiện dự án công nghệ chiến lược; doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghệ số trọng điểm, dự án nghiên cứu và phát triển, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử sản phẩm chip bán dẫn, dự án xây dựng trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo; doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất sản phẩm phụ trợ trực tiếp trong công nghiệp bán dẫn được công nhận áp dụng chế độ ưu tiên khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 1 Điều này.

Doanh nghiệp ưu tiên thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ có ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên với Việt Nam được áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của Luật này.

Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, thủ tục công nhận, gia hạn, tạm đình chỉ, đình chỉ, chế độ ưu tiên, việc quản lý đối với doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên.”.

Bổ sung khoản 4 vào sau khoản 3 Điều 43 như sau: “Doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 42 của Luật này được áp dụng chế độ ưu tiên đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, công nghệ chiến lược, công nghệ số trọng điểm theo danh mục do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Danh mục quy định tại khoản này có mã số hàng hóa thống nhất với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam”.

Bổ sung Điều 47a vào sau Điều 47 về Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ.

Ngoài ra, quy định chuyển tiếp quy định sửa đổi, bổ sung Luật Hải quan, khoản 3 Điều 10 Luật số 90/2025/QH15 quy định như sau: “Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ thuộc tờ khai hải quan đã đăng ký
nhưng chưa hoàn thành thủ tục hải quan trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 3 của Luật này”.

Nguyễn Anh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/chinh-sach-moi/go-diem-nghen-phap-ly-cho-hoat-dong-xuat-nhap-khau-181063.html