Gỡ 'điểm nghẽn' cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực công

Việc sử dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực hành chính công đóng vai trò quan trọng giải quyết, tháo gỡ các bài toán phát triển siêu đô thị như TP.HCM, Hà Nội…

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực công còn nhiều thách thức

Tại buổi họp Chuyên đề về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số ngày 1/4, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là lựa chọn bắt buộc, là con đường duy nhất để đưa đất nước phát triển và nâng cao đời sống cho nhân dân. Trong đó, tới đây phải triển khai thật mạnh để đạt hai mục tiêu cao nhất: Quản trị xã hội tốt hơn và đi vào sản xuất, tăng năng suất lao động.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp quản trị xã hội tốt hơn (Ảnh minh họa)

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp quản trị xã hội tốt hơn (Ảnh minh họa)

Việc ứng dụng công nghệ số nói chung và ứng dụng trí tuệ nhân tạo nói riêng vào dịch vụ công tại Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng còn đối diện với nhiều thách thức cần được giải quyết để đảm bảo hiệu quả thực sự và lợi ích công cộng.

Tại Việt Nam, hiện nay đã có một số cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công dưới nhiều hình thức như hệ thống trợ lý ảo trong lĩnh vực hành chính công, phần mềm nhận diện khuôn mặt trong an ninh trật tự, hệ thống giám sát giao thông thông minh,... giúp giảm nhân lực bộ máy, giảm thời gian xử lý công việc, chờ đợi và chi phí của người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc ứng dụng tại khu vực công của Việt Nam còn đối diện với nhiều thách thức. Tỷ lệ thành công trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp vẫn còn khá hạn chế.

Khảo sát nhanh của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông cho thấy 87% dự án tích hợp trí tuệ nhân tạo không được triển khai hoặc chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng trong thực tế. Ngoài ra, 70% số doanh nghiệp/tổ chức phản hồi hiệu quả tích hợp trí tuệ nhân tạo ở hiệu quả thấp.

Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam, rất nhiều người nghĩ rằng, cứ ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo hiện nay vào công việc là sẽ thành công. Thế nhưng trí tuệ nhân tạo cũng giống như rất nhiều làn sóng công nghệ trước đây khi thẩm thấu vào trong các tổ chức cũng như các khu vực của nền kinh tế, đòi hỏi nhiều hơn yếu tố công nghệ rất nhiều.

“Có thể nói việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo là hoàn toàn không đơn giản. Kể cả bây giờ tất cả mọi người đều giỏi ứng dụng trí tuệ nhân tạo đi chăng nữa thì không có gì bảo đảm việc dùng trí tuệ nhân tạo trong một doanh nghiệp, đơn vị hay tổ chức thành công nếu chúng ta không tính đến tất cả các yếu tố”, PGS-TS Nguyễn Xuân Hoài bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Xuân Hoài, trí tuệ nhân tạo là một công nghệ rất đặc biệt và khác biệt với tất cả công nghệ khác. Đây là một công nghệ thay đổi và chuyển đổi. Đặc điểm này rất quan trọng.

Câu chuyện tích hợp trí tuệ nhân tạo, ứng dụng vào doanh nghiệp và tổ chức hay bất cứ tổ chức nào thì đích đến cuối cùng là thay đổi hoàn toàn hoạt động của tổ chức đó cho bất cứ hoạt động nào. Trong khi đó, công nghệ trí tuệ nhân tạo vẫn đang phát triển rất nhanh.

Đồng quan điểm, bà Đỗ Thanh Huyền, Chuyên gia Chính sách công, UNDP Việt Nam cho rằng, hiện nay trong khu vực công mới chỉ dừng lại ở việc đưa vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo, bắt đầu thực hành ứng dụng thôi chứ chưa tích hợp vào trong hệ thống.

Theo chuyên gia UNDP Việt Nam, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo như thế nào cho hiệu quả với điều kiện cơ sở hạ tầng, năng lực quản lý dữ liệu, nhân lực hay cơ chế, chính sách của khu vực công hiện tại là bài toán cần cân nhắc kỹ lưỡng. Theo đó, chúng ta cần 4 điều kiện, bao gồm: thể chế, trang thiết bị, con người và nguồn lực.

“Có thể thấy rằng, ngôn ngữ tiếng Việt trong hệ thống ngôn ngữ chung của trí tuệ nhân tạo đang là thiểu số. Nếu nhìn vào bản đồ về ngôn ngữ của trí tuệ nhân tạo thì hầu như chưa thấy xuất hiện ngôn ngữ tiếng Việt trong đó. Do đó, một trong những rào cản cho việc ứng dụng chính là câu chuyện của ngôn ngữ tiếng Việt có đủ lớn trong bộ dữ liệu để đào tạo cho máy học”, bà Huyền nêu vấn đề.

Tháo gỡ những “điểm nghẽn”

Theo ông Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ rằng trí tuệ nhân tạo là một công nghệ nền tảng quan trọng, giúp tạo ra bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt việc đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giảm tải công việc giấy tờ, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Để làm được việc đó, nhiều chính sách đang được triển khai. Đầu tiên là xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia tại khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), dự kiến hoàn thiện và đi vào sử dụng từ cuối năm 2025.

“Dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương sẽ được lưu trữ tập trung tại Trung tâm dữ liệu quốc gia và được mở một phần để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, ông Trần Anh Tú cho hay.

Về đào tạo, ông Trần Anh Tú cho biết hiện nay có đến hơn 50 chương trình đào tạo liên quan tới trí tuệ nhân tạo được mở ra, trong đó có hơn 10 chuyên ngành chuyên biệt cho trí tuệ nhân tạo tại các cơ sở đào tạo, với số lượng sinh viên tham gia đào tạo rất lớn.

“Vấn đề là chúng ta cần một chương trình đào tạo để phổ cập kiến thức về trí tuệ nhân tạo, nhằm nâng cao nhận thức chung của toàn cộng đồng, từ đó giúp việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo có hiệu quả hơn”, ông Tú cho hay.

Ngày 2/4, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Tài chính) ra mắt Chương trình “Trí tuệ nhân tạo cho cộng đồng” (AI for All), nhằm góp phần phổ cập, truyền tải kiến thức và nâng cao nhận thức về trí tuệ nhân tạo (AI) theo chủ trương Nghị quyết số 57 và hưởng ứng phong trào “Bình dân học vụ số”.

Mới đây, tiếng Việt đã được đưa lên “bản đồ trí tuệ nhân tạo” toàn cầu thông qua Dự án ViGen nằm trong chương trình “Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam 2025”. Dự án hướng đến xây dựng bộ dữ liệu tiếng Việt mã nguồn mở chất lượng cao, đủ quy mô phục vụ đào tạo và đánh giá các mô hình trí tuệ nhân tạo hiện đại.

Về tháo gỡ điểm nghẽn về tài chính, PGS-TS Nguyễn Xuân Hoài đề xuất: “Chúng ta phải thay đổi cách nhìn về việc thực hiện các dự án trí tuệ nhân tạo, có những dự án chúng ta phải chấp nhận là những dự án đầu tư. Ví dụ, tại sao nhà nước không thể trả cho các đơn vị cung cấp giải pháp trí tuệ nhân tạo dựa trên hiệu quả mang lại?”.

“Nếu giải pháp trí tuệ nhân tạo giúp tiết kiệm được 30% chi phí của Nhà nước, chúng ta có sẵn sàng chia 10% số lợi đó cho cho đơn vị cung cấp giải pháp trí tuệ nhân tạo hay không? Thậm chí, cần có những cơ chế mang tính chất thử nghiệm (sandbox) để thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo”, PGS-TS Nguyễn Xuân Hoài đặt vấn đề.

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu Việt Nam lọt vào top 4 các nước ASEAN về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo vào năm 2030, đồng thời xây dựng một hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo vững mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, sinh viên và toàn thể người dân.

Vân Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/go-diem-nghen-cho-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-khu-vuc-cong-post1189125.vov