Gỡ bất cập trong đăng ký, đăng kiểm du thuyền
Nhiều công ty nhập khẩu du thuyền kêu cứu vì gặp vướng mắc trong đăng ký, đăng kiểm, có nguy cơ bị phá sản.
Hàng chục du thuyền vướng đăng kiểm
Đại diện Công ty TNHH Du thuyền Việt (Vietyacht) cho biết, công ty đang hết sức khó khăn do chưa thể hoàn thành thủ tục đăng kiểm 20 thuyền để bàn giao cho khách hàng như cam kết trong hợp đồng.
Nguyên nhân là do dù có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) phương tiện ở châu Âu nhưng muốn được cấp đăng kiểm trong nước phải có hồ sơ thiết kế thuyền theo Quy chuẩn Việt Nam.
Để hoàn thiện, công ty đã thuê đơn vị thiết kế lập hồ sơ và gửi Cục Đăng kiểm VN thẩm định nhưng nhiều tháng nay vẫn chưa có kết quả.
“
Cơ quan quản lý nên xem xét quy định rõ ràng khái niệm du thuyền phục vụ thương mại và du thuyền phục vụ vui chơi giải trí theo hướng: Nếu đăng ký phục vụ vui chơi giải trí vẫn được phép kinh doanh nhưng không theo tuyến cố định và quy định rõ sức chở tối đa (thấp hơn so với phương tiện đăng ký hoạt động thương mại), quy định rõ vùng hoạt động.
Trường hợp đăng ký phục vụ thương mại để chở khách phải kê khai rõ luồng tuyến với cơ quan quản lý, hành trình chạy, niêm yết giá vé và phải chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý, tuân thủ nghiêm các quy định vận tải hành khách đường thủy.
Ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt – Séc
”
Ngoài việc bị phạt vi phạm hợp đồng 0,5% tổng giá trị hợp đồng/ngày cùng với các chi phí lưu kho bãi, việc ứ đọng nguồn vốn do khách hàng không thanh toán tiền hàng là những thiệt hại mà doanh nghiệp này đang gánh.
Ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt - Séc băn khoăn: Các du thuyền nhập khẩu ở châu Âu đã được cấp giấy chứng nhận ATKT & BVMT ở các nước lớn trên thế giới, về Việt Nam tại sao không công nhận mà phải lập hồ sơ thiết kế? Chưa kể, tên gọi du thuyền chưa được đề cập đến trong Bộ luật Hàng hải hay Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Tại Nghị định số 48/2019 có nêu: Phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước là tàu, thuyền hoặc cấu trúc nổi khác được dùng để phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước có sức chở không quá 5 người.
Điều 5 Nghị định này cũng quy định 2 vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước, gồm vùng 1 (vùng nước trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải) và vùng 2 (là vùng nước khác không thuộc vùng 1, được đánh dấu, xác định vị trí bằng phao hoặc cờ hiệu).
Chiếu theo quy định này, sức chở của du thuyền không quá 5 người, hoạt động tại vùng 1 và vùng 2, trong khi thực tế, nhiều du thuyền có sức chở lớn hơn, có khả năng hoạt động trên khắp các vùng biển, bao gồm cả vùng biển quốc tế.
Nghị định cũng không có quy định riêng cho phương tiện tham gia hoạt động thương mại và không tham gia hoạt động thương mại.
Theo ông Đảo, chất lượng các du thuyền nhập khẩu về Việt Nam rất tốt là điều không phải bàn cãi. Khi đăng kiểm tàu thuyền, đăng kiểm quốc tế cũng tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định chung của quốc tế và các quy định của riêng hãng đăng kiểm.
Do đó, cơ quan đăng kiểm Việt Nam nên công nhận để giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Gỡ cách nào?
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó trưởng phòng Vận tải - ATGT, Cục Đường thủy nội địa cho biết, Luật Giao thông Đường thủy nội địa và Bộ luật Hàng hải Việt Nam hiện nay không có khái niệm cũng như giải thích từ ngữ “du thuyền” và chưa có quy định, quy chuẩn riêng cho phương tiện này.
Do vậy, nếu đăng ký hoạt động trên biển, phương tiện này được gọi là tàu biển. Còn nếu đang ký hoạt động trên đường thủy nội địa sẽ gọi là phương tiện thủy nội địa. Các phương tiện sẽ được quản lý theo loại phương tiện đã đăng ký.
Đại diện Phòng Quy phạm, Cục Đăng kiểm VN thừa nhận, các yêu cầu kỹ thuật nêu trong các Quy chuẩn áp dụng đối với phương tiện thủy nội địa hiện nay không phù hợp với tàu vui chơi giải trí do phương tiện này có những đặc điểm hoạt động rất đặc thù.
Trường hợp đăng ký là tàu biển, theo Quy chuẩn 81/2014/BGTVT quy định tàu vui chơi giải trí phải có hồ sơ thiết kế kèm theo để phục vụ công tác xem xét cấp giấy đăng kiểm.
Tuy nhiên loại tàu này nhập khẩu về thường không có hồ sơ thiết kế đi kèm. Chính vì vậy đã tạo ra vướng mắc khi làm thủ tục đăng kiểm.
Ngoài ra, vùng hoạt động và số người cho phép chở theo Nghị định 48 cũng không phù hợp với các tàu vui chơi giải trí nhập khẩu do có sức chở đến 12 người.
Lãnh đạo Phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN cho biết thêm, tàu vui chơi giải trí tại các nước trên thế giới được xem là đối tượng không tham gia vào hoạt động thương mại, khôngchịu quản lý như tàu thương mại.
Ngoài ra, đơn vị đăng kiểm các tàu này là những tổ chức, hiệp hội chứng nhận sự phù hợp chứ không thuộc cơ quan quản lý Nhà nước như Việt Nam. Trong khi đó, các tàu nhập khẩu về Việt Nam đa phần phục vụ cho mục đích thương mại.
Để tháo gỡ bất cập trên, Phòng Tàu sông đã đề xuất, tham mưu Cục Đăng kiểm VN báo cáo Bộ GTVT tổ chức, nghiên cứu đề xuất sửa đổi Bộ luật Hàng hải và Luật Giao thông đường thủy nội địa để bổ sung các quy định về quản lý tàu vui chơi giải trí, trong đó chia tàu vui chơi giải trí thành 2 loại: Có tham gia hoạt động thương mại và không tham gia hoạt động thương mại.
Về công tác đăng kiểm, trong thời điểm chưa sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tàu vui chơi giải trí, đề xuất Cục Đăng kiểm báo cáo Bộ GTVT xem xét chấp thuận kiểm tra chất lượng và cấp hồ sơ đăng kiểm cho tàu vui chơi giải trí nhập khẩu theo hướng: Đối với tàu nhập khẩu vào Việt Nam với công dụng là tàu vui chơi giải trí (không tham gia hoạt động thương mại), hồ sơ đăng kiểm chỉ cần chứng nhận của tổ chức hoặc chứng chỉ chất lượng của nhà chế tạo và sổ tay vận hành phương tiện.
Đối với tàu nhập khẩu mục đích tham gia hoạt động thương mại, ngoài hai loại giấy tờ trên sẽ phải nộp thêm hồ sơ thiết kế phương tiện.