Giữa muôn trùng cánh sóng
Chúng tôi vừa đến chợ Vàm Cái Tàu thì trời dần xế bóng. Chợ Vàm Cái Tàu nằm ngay ngã ba sông. Mặt trời đang xuống dần, muôn ngàn tia lửa trổ xuống nhuộm đỏ cả một quãng sông dài. Sông rào rạt chảy.
- Đi nữa hay dừng lại, Miêu!
- Dừng lại đi hai, đi nữa cũng không tới đâu!
Nghe chị nói vậy, Miêu khom người bò ra trước mũi lấy sợi dây vòng vào cái cột sàn nhà nhô ra khỏi bờ sông, miệng líu ríu:- Cô gì ơi, cho con cột tạm ở đây!
Không biết người trên nhà có nghe thấy không mà không một lời hồi đáp. Cũng không sao. Ở xứ này, đi ghe mà gặp đêm buông hay mưa gió bão bùng thì tấp vào một ngôi nhà sàn nào đó cạnh bờ sông, nương đỡ ít hôm, người ta cũng rộng lòng vui vẻ. Có khi trên nhà có bó rau, con cá cũng í ới đem cho người khách lỡ đường, bởi ai cũng hiểu, đời sông nước đò giang long đong cực khổ chứ có vui sướng gì đâu.
Đời chị em Miêu cũng vậy. Có lần hai chị em nằm trong ghe, ngọn đèn chong đã hết dầu tắt ngủm tự lúc nào. Sông đứng gió, thấy ngột ngạt mà không sao chìm sâu vào giấc được, Giang ngồi dậy dựa lưng vào thành ghe, xắn ống quần lên cao cho đỡ nóng. Giang hỏi em:
- Đi ghe vậy, cưng thấy buồn không Miêu?
- Buồn chớ! - Miêu đáp gọn bân - Mà có hai là được. Hai đi đâu, em theo đó!
Nghe Miêu nói, suýt nữa Giang đã cười vì sự hồn nhiên của cô em gái. Cái nóng bức trong ghe tự dưng biến mất khi nào không hay.
- Trời! Vậy cưng tính không lấy chồng luôn hả? Bộ tính ở với hai suốt đời hay sao mà nói câu đó?
Miêu bụm miệng cười sằng sặc, đúng là nụ cười của cô bé mới lớn. Nó vô tư, hồn nhiên, hào sảng và dễ thương vô cùng!
- Không chồng con gì hết! Sợ là sợ hai kìa, mai mốt đi theo anh Song bỏ em, em buồn chết mất!
Cái cười vụt tắt. Lòng Giang vời vợi như mây, như gió, như sông,...
- Cưng lo xa quá, chừng nào mà hai chịu lấy Song...
Hai chị em im ru cho đến khi Giang nghe được tiếng ngáy ro ro của Miêu. Con bé đã ngủ say tự lúc nào, giữa sông đêm tịch mịch...
Những con sóng cứ đuổi nhau tít tắp trên mặt sông. Miêu ngồi im ru ngoài mũi, thỉnh thoảng lại đập muỗi cái bẹp. Giờ xứ này đỡ hoang vắng, rậm rạp hơn xưa, vậy mà đám muỗi quỷ vẫn còn lè xè mỗi khi hoàng hôn buông xuống. Mà không có muỗi mòng đỉa vắt thì không phải xứ này, đôi khi những thứ quái đản đó lại vô tình trở thành “đặc sản”. Chợ Vàm Cái Tàu nằm ở điểm giao nhau giữa ba dòng sông rộng, đổ về ba hướng: sông Cái Tàu, sông Ông Đốc và sông Tràm Trẹm. Mỗi dòng sông đã chuyên chở, cưu mang không biết bao nhiêu phận đời lênh đênh trôi dạt. Có lúc nhìn sông mà Giang nghĩ rằng đời mình cũng là sóng, là lục bình nổi trôi trên sông. Mỗi lần về thăm sông cũ, cũng là quê cũ, Song thường khuyên Giang lên bờ dựng nhà mà ở. Mảnh đất cũ vẫn còn, tốn ít cây, ít lá dừa nước chằm hơn trăm tấm là lợp đủ cái nhà để hai chị em ở. Đi vậy hoài nổi nênh quá, sông nước nguy hiểm biết đâu mà lường.
Giang lắc đầu, còn Miêu - chị hai đi đâu thì con bé theo đó, cũng chẳng đòi hỏi gì nhiều. Dẫu sao Miêu cũng quen với chiếc ghe này, quen mỗi sớm lại nhổ sào rồi lênh đênh, mỗi chiều lại ngủ tạm ở bến bờ nào đó, dưới bóng cây tràm, cây đước,... và đêm đêm nghe sông chảy rì rào như lời nhắc nhớ về một người phụ nữ đang long đong đâu đó trên trăm ngả sông này. Người phụ nữ đã qua thời xuân sắc!
Tờ mờ tối, Miêu nhờ chị trông ghe, còn cô bé đảo một vòng lên chợ Vàm Cái Tàu xem có cửa hàng nào còn thức để mua vài thứ cần thiết, mua cho chị Giang cái kẹp tóc hình bông lúa. Kẹp tóc chị đã bung ra, chìm xuống lòng sông trong một chiều ngồi soi mình xuống nước. Chợ Vàm Cái Tàu không lớn, trời tối nên cũng chẳng còn mấy cửa hàng mở cửa, Miêu đi một lúc thấy mỏi chân nên quay trở lại ghe. Chắc vì đi ghe hoài nên mỗi khi đi bộ Miêu lại thấy không quen, chân mỏi nhừ, thật lạ! Có những thứ tưởng chừng là vĩnh viễn, lại thay đổi một cách chóng vánh. Như ngày trước có mẹ, mỗi lần gội đầu, chải tóc, Miêu lại nhờ đến mẹ, phải có mẹ mới được. Giờ thì Miêu tự làm một mình tất thảy. Miêu cũng mười sáu, sắp sửa mười bảy; chị Giang đã ngoài hai mươi lăm, đã tự lập cả rồi. Nhưng cũng có khi Giang và Miêu cần mẹ lắm lắm! Nhất là những đêm khuya, sông buồn, muỗi vo ve, sông thì thào giai điệu gì không rõ, bốn con mắt không tài nào nhắm lại được, hai chị em lại muốn được mẹ bên cạnh âu yếm, vỗ về, kể những chuyện từ muôn vạn kiếp nào nghe mãi không chán...
Cuối chợ Vàm Cái Tàu có đoàn hát về đóng. Cô bán hàng trong chợ nói cho Miêu biết, hỏi con bé có đi xem hát không, hay lắm, lâu lắm rồi mới có đoàn hát về đây biểu diễn nên bà con kéo ra đó hết. Toàn người lớn, người già chứ con nít thời nay đời nào xem hát hò, ca múa bởi mấy người xướng ca gần cả đời người vẫn chẳng đủ ăn. Miêu lắc đầu: “Không ham, cô ơi!”. Nhưng cô bé cứ đau đáu về cái vùng có ánh sáng rực rỡ, có âm thanh rộn ràng và tiếng vỗ tay reo hò mỗi khi một ca sĩ nghiệp dư bước ra sân khấu.
- Hai, đi coi hát không? Chỗ ồn ào, rôm rả đó!
- Đâu đâu? - Nghe vậy, tự dưng Giang cũng muốn đi xem. Đi ghe lâu ngày, sao mà tâm hồn cứ trơ ra như gỗ đá. Nhưng chị còn dùng dằng - Đi hết ai coi ghe cưng?
- Sập cửa, để đại đi hai. Trong ghe có cái gì quý giá đâu mà hai sợ? Người xứ này tốt lắm!
Ừ, xem vậy chứ biết phải vậy không đó! - Giang nghĩ bụng. Tính Miêu dễ tin người, sau này dễ khổ. Nhưng nhìn lại cũng chẳng thấy có gì giá trị trong ghe cả! Giang gật đầu cái rụp. Hai chị em xỏ dép vào chân, líu ríu dắt nhau đi.
Đoàn hát đã hát tự nãy. Mấy cô ca sĩ nghiệp dư mắt xanh, môi đỏ, áo quần lộng lẫy như công chúa đã hát xong mấy bài ca mùi mẫn khiến cho đám khán giả bên dưới người há mồm, trố mắt, kẻ sụt sùi vì thương kiếp phong trần hát ca vô loài, rồi biết đời họ sẽ đi đâu, về đâu. Tội nghiệp! Mấy đoạn thuộc lời, Miêu lẩm bẩm hát theo. Giang không nghe rõ, nhưng biết con bé hát hay, sau này học hỏi thêm chắc thành ca sĩ... Nghĩ vậy, Giang cười. Không biết em mình thành ca sĩ sẽ như thế nào! Mẹ còn ở nhà chắc mẹ vui lắm, mẹ cũng mê hát như ong mê nhụy kia mà! Trong khoảnh khắc đám khán giả - thực chất cũng chẳng đông đúc - nhưng vì “khán đài” quá nhỏ nên cứ chen chúc nhau, Giang bấm tay Miêu khiến con bé giật mình. Sợ lạc. Lạc mẹ rồi, giờ lạc Miêu nữa, chắc Giang không sống nổi. Giang thương em như báu vật!
Khi cô ca sĩ áo tím vừa dứt bài hát, bước vào cánh gà, thì tiếng vỗ tay reo hò của khán giả ngày một to hơn.
- Vụ gì vậy, hai? - Con bé ghé tai chị, hồn nhiên hỏi.
- Chắc có ca sĩ nổi tiếng. Chờ xem! - Giang đoán.
Giang thấy em phấn khích lắm, hai tay chắp vào nhau xoa xoa. Mưa rơi lâm râm trên vùng sông nước. Ngoại trừ chỗ này, khắp nơi đều chìm sâu trong đêm tối. Sông đầy. Mùi hoa tràm thoảng hương ngan ngát.
Cuối cùng, cô ca sĩ mà khán giả trông đợi nhất cũng từ từ bước ra sân khấu. Cô ca sĩ mà ban nãy Giang loáng thoáng nghe vài vị khán giả hào hứng bàn tán: “Ca mùi lắm, không thua gì Lệ Thủy, diễn mấy trích đoạn xưa nước mắt rơi lộp độp chứ không giỡn à nghen!”. Ai vậy ta? Giang tự hỏi lòng. Mà Giang cũng có biết đâu, nào giờ đi ghe đi nước, có rành chuyện văn nghệ văn gừng gì đâu. Nói vậy thì Giang nghe vậy, rồi trông đợi xem mặt mũi cô đó thế nào, coi Miêu lớn lên có giống vậy nổi không?...
Khi hình ảnh cô ca sĩ mà ai cũng mong đợi đứng ngay chính giữa sân khấu thô sơ được dựng bằng cây gỗ, che chắn bằng vải voan xanh đỏ đã ngả màu, Giang nhìn Miêu trân trân, tim như ngừng đập trong lồng ngực; còn Miêu thì há miệng sững sờ rồi nghẹn ngào như sắp sửa bật khóc.
- Hai ơi, hai! Mẹ... Phải mẹ mình không, hai?
Miêu rơm rớm nước mắt, còn Giang lúc này nước mắt đã ứa đầy chảy tràn trên khuôn mặt hơi sạm nắng của cô gái thường đi trên sông nước.
Giang gật đầu, mấy hột nước mắt rớt xuống cằm, trôi vào vô thanh.
- Mẹ! Là mẹ mình, Miêu ơi! Không lẫn vào đâu được em ơi...
- Phải làm sao đây, hai ơi!
Tự dưng lúc này, Giang mạnh mẽ, Giang bản lĩnh của ngày nào đã biến mất, chỉ còn lại trước mắt Miêu là người chị yếu mềm và tự thấy mình bất lực.
Sông trăm ngả, đời trăm chiều, sóng đời xô đẩy cho người ta lạc nhau rồi lại vô tình gặp nhau trong một đêm định mệnh...
Không đợi Giang, con bé vật vã chen giữa biển người cho đến khi sắp sửa gần đến sân khấu. Từ xa, Giang thấy em vẫy tay gọi “Mẹ ơi, mẹ...”. Tiếng mẹ xé toạc đêm sâu. Tiếng mẹ lảnh lót vọng từ sân khấu cạnh chợ Vàm Cái Tàu vang xa xa, vọng vào rừng tràm biêng biếc, vọng vào lòng sông nước xiết... Tiếng mẹ đã làm vỡ trái tim của người đàn bà đang đứng trên sân khấu. Lời ca tiếng hát không sao cất lên được bởi trong lòng người đàn bà bấy giờ bộn bề cảm xúc, thương nhớ, xót xa, tủi hổ, ân hận,... Bà không trách những dòng sông miên man đã đưa bà đi thật xa, bà chỉ trách một dòng sông vô hình nào đó mang bà về với đam mê một thời thanh xuân đã bị dập tắt bởi một người đàn ông không thương bà hết lòng. Bà hy sinh tuổi trẻ, gồng gánh gia đình, nuôi dạy các con rồi lại bị phụ tình bởi chính người mà bà thương hết dạ. Có giây phút nào đó nỗi hận người bạc bẽo như vôi đã khiến bà buông bỏ tất cả, dứt bỏ cả máu mủ thâm tình để đi tìm đam mê thời trẻ. Bà theo sông nước ra đi, như một cuộc chạy trốn những vỡ vụn yêu đương, chạy trốn cuộc tình không trọn vẹn...
Người đàn bà đang đối diện với các con mình. Khoảnh khắc đó, bỗng dưng bà chẳng biết mình phải nói điều gì nữa, ngoại trừ câu nói lắp bắp trên đôi môi đã nhợt nhạt vì nước mắt rửa trôi son:
- Giang, Miêu, các con có hận mẹ không, con?
Giang không đáp lại, bởi Giang thấy mình chưa đủ can đảm để nói điều gì đó với mẹ mình, người mà bao năm hai chị em rong ruổi kiếm tìm, giờ gặp lại lại trơ trơ như gỗ đá. Chỉ có Miêu buột miệng, dường như con bé đã khát khao có mẹ về như thuở ban đầu, khát khao được mẹ sưởi ấm mỗi đêm và kể cho nghe những câu chuyện không bao giờ thấy chán:
- Mẹ ơi! Đừng hận ba nữa - Nhìn chị hai Giang, rồi nhìn sang mẹ, con bé nói tiếp - Mẹ ơi! Ba... ba giờ đã thành người thiên cổ mất rồi!
- Còn chị em con thì cần mẹ, mẹ ơi! - Giang tiếp lời, bằng những yêu thương trong thẳm sâu cõi lòng được khơi lên sau cơn biến động.
Dưới ánh đèn sân khấu, người mẹ trút bỏ lớp hào nhoáng bên ngoài ôm những đứa con thơ vào lòng, giống như mẹ ôm Giang và Miêu ngày còn nhỏ. Sau tất cả, yêu thương lại chắp nối. Bởi vì ai cũng cần có mẹ trên đời, dù người mẹ ấy có ích kỷ đến đâu, có lầm lỗi gì,... thì cũng là người mẹ đáng kính - chí ít đối với các con!
Chiếc ghe dập dềnh, nhấp nhô. Những cánh sóng mềm vỗ oải oạp vào ghe rồi trôi vào muôn vạn kiếp. Chỉ còn tiếng mẹ thì thầm bên tai Giang và Miêu, tiếng mẹ trìu mến thương yêu, dịu dàng và ấm áp...
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202408/giua-muon-trungcanh-song-4832819/