Giữ vững tăng trưởng trong một thế giới bất ổn

Trong gần 40 năm đổi mới, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, kinh tế - xã hội của nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Trong bối cảnh xuất hiện nhiều vấn đề mới, đòi hỏi cần nhận thức sâu sắc và làm rõ những giá trị cốt lõi, những nội dung cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng. Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong những năm tới.

Một góc Thủ đô Hà Nội. Ảnh: CTV

Vượt qua “muôn trùng sóng gió”

Ngay sau Đại hội XIII của Đảng, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta đứng trước nhiều khó khăn, khách thức, có những việc chưa từng có tiền lệ. Do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ và hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng; nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, đòi hỏi vừa phải tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh, vừa phải xử lý các yếu kém, tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước để lại...

Trong bối cảnh đó, với ý chí và quyết tâm cao và tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã được triển khai quyết liệt, cụ thể hóa thành các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, các chương trình hành động thiết thực của Quốc hội, Chính phủ, quán triệt sâu rộng tới các ban, bộ, ngành, các cấp, các địa phương, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 36 nghị quyết và 54 kết luận, trong đó có nhiều nghị quyết, kết luận liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 07-KL/TW, ngày 1/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội; các Hội nghị Trung ương 4, 6, 8 khóa XIII đã ban hành Kết luận về tình hình kinh tế - xã hội năm trước, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội các năm sau. Trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa thành nghị quyết, các chương trình, kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế.

Năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở toàn bộ 6 vùng kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng tại Đại hội XIII về phát triển vùng. Với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đất nước ta đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

Tạo “cú hích” cho nền kinh tế Việt Nam

Dự báo, tình hình thế giới, trong nước từ nay đến hết nhiệm kỳ bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng sẽ còn có nhiều khó khăn, thách thức lớn. Trong bối cảnh mới, đòi hỏi chúng ta phải phát huy thật tốt những kết quả, bài học kinh nghiệm đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, nhất là từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua mọi khó khăn, thách thức nhằm triển khai thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Do đó, trong nửa cuối nhiệm kỳ khóa XIII, cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong việc khơi dậy, phát huy có hiệu quả mọi tiềm năng, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể hóa thành cơ chế, chính sách cụ thể phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng lĩnh vực, ngành, địa phương, đơn vị; các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra phải bảo đảm vừa có tính khả thi cao, vừa có tính đột phá trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược. Phải hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, tập trung cao độ phát triển mạnh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; có cơ chế, chính sách đột phá thu hút, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, chuyên gia đầu ngành và nhân tài của đất nước; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận.Tạo đột phá chiến lược về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh... Đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, gắn với trách nhiệm người đứng đầu và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật.

Một giải pháp cũng hết sức quan trọng, đó là phải khắc phục bằng được tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện hiệu quả cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung. Điều đó đòi hỏi phải phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm, sự nêu gương, năng lực, bản lĩnh, sâu sát cơ sở của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu.

Đối với việc thực hiện 6 nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước, cần tiếp tục thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, các cấp, các ngành, địa phương về vai trò, tầm quan trọng của phát triển liên kết vùng, liên vùng trong giai đoạn phát triển hiện nay. Từ đó, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, liên kết, cụ thể hóa trong các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển, khắc phục cơ cấu kinh tế “khép kín” theo địa giới hành chính.

Ngoài ra, cần có những giải pháp phát triển bền vững nhằm phục hồi thị trường bất động sản; ổn định thị trường tài chính, xử lý vấn đề trái phiếu doanh nghiệp; tiếp tục đẩy nhanh việc xử lý nợ, thoái vốn, cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước; tổ chức công tác truyền thông hiệu quả, đúng, trúng, kịp thời, đánh giá khách quan, trung thực, đúng bản chất tình hình...

Năm 2021, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP là 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm. Năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt 5,05%, là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Để hoàn thành được chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5%/năm trong giai đoạn 2021-2025 như đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ thì tăng trưởng bình quân 3 năm (2023-2025) phải đạt khoảng 7,3%/năm; đây là mức rất cao, đòi hỏi phải có sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn mới có thể đạt được.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giu-vung-tang-truong-trong-mot-the-gioi-bat-on-post472411.html