Giữ vững dòng chảy tín dụng ưu đãi
Hòa nhập trong công cuộc sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp của đất nước, thực hiện phương án tổ chức lại bộ máy, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Thái Nguyên (mới) sau khi hợp nhất 2 chi nhánh Thái Nguyên, Bắc Kạn (cũ) đã thực hiện nghiêm túc mọi hoạt động giao dịch tại các điểm giao dịch để dòng vốn tín dụng chính sách chảy đều, ổn định, đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Ông Phạm Tuấn Hưng, mới được bổ nhiệm quyền Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thái Nguyên cho biết, thời gian qua, cả 2 chi nhánh NHCSXH của 2 tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn đã trở thành “cánh tay nối dài” của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chính sách an sinh xã hội thông qua hoạt động tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đồng bào các dân tộc thiểu số. Với mạng lưới trải rộng tới cấp xã, kể cả nơi rẻo cao, vùng sâu, vùng xa và hệ thống tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV)tại thôn, bản, khu phố, mô hình quản lý và công tác tín dụng chính sách của NHCSXH tại vùng đất rộng lớn này đều có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, từ tỉnh tới cơ sở, từ các ngành đến các tổ chức chính trị xã hội. Nhờ đó, dòng chảy tín dụng chính sách luôn được khơi thông, giúp đông đảo hộ nghèo, cận nghèo, trong đó hơn 100 nghìn hộ là đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn, chủ động đầu tư kịp thời vào sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo bền vững.
Theo ông Hưng, ngay sau ngày 01/7/2025, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động, tỉnh Thái Nguyên mới vốn có 280 đơn vị hành chính cấp xã và 273 Điểm giao dịch xã thuộc NHCSXH của 2 địa phương cộng lại, nhưng đã được sáp nhập còn 32 xã phường, riêng mạng lưới điểm giao dịch và lịch giao dịch thuộc NHCSXH vẫn được giữ nguyên như trước khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường để không ảnh hưởng đến việc tiếp cận vốn của người dân.

Trưởng Ban Kiểm soát NHCSXH Nguyễn Mạnh Tú (bên phải) trao Quyết định giao quyền Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Thái Nguyên cho ông Phạm Tuấn Hưng
Những ngày đầu sáp nhập, NHCSXH tỉnh Thái Nguyên đã nhanh chóng triển khai các biện pháp tổng thể như ổn định tổ chức, giải ngân kịp thời vốn ưu đãi cho những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, tăng cường bố trí những cán bộ tín dụng sung sức, tận tâm làm nhiệm vụ “3 cùng”, cùng bám sát cơ sở, cùng bàn bạc với chính quyền, đoàn thể và cùng hướng dẫn người nghèo vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả.
Sau sáp nhập, 100% Điểm giao dịch tại xã vẫn hoạt động khẩn trương, chủ động gần dân, sát dân, phục vụ dân tốt hơn. Tiêu biểu có phòng giao dịch NHCSXH Bắc Kạn mới thành lập, hoạt động từ ngày 1/7/2025 nhưng đã nhanh chóng triển khai cho vay tại 3 phường, xã đang có dư nợ 374 tỷ đồng cho 4.437 hộ vay thông qua 141 tổ TK&VV và 9 điểm giao dịch. Theo lãnh đạo NHCSXH tỉnh Thái Nguyên, để đảm bảo quyền lợi và thuận tiện cho người dân khi tiếp cận các chính sách tín dụng ưu đãi, phòng giao dịch NHCSXH Bắc Kạn tiếp tục duy trì 9/9 điểm giao dịch tại các xã, phường như trước đây. Đồng thời đơn vị tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới tổ TK&VV; phối hợp ngay và chặt chẽ với UBND các phường, xã, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác thông báo về địa điểm giao dịch, lịch giao dịch cố định… để Ban quản lý tổ TK&VV và khách hàng nắm bắt và đến giao dịch. Đặc biệt, phòng giao dịch phối hợp với UBND phường, xã mới tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc xác nhận hồ sơ vay vốn, thủ tục ủy quyền, đảm bảo không phát sinh vướng mắc về thủ tục hành chính.
Có thể nói, tại Thái Nguyên, hầu hết người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, có đủ điều kiện đều được vay vốn ưu đãi thuận lợi, kịp thời đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Đơn cử, gia đình bà Nguyễn Thị Thức, ở phường Bắc Kạn, tỉnh Thái Nguyên được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của phòng giao dịch NHCSXH Bắc Kạn đầu tư trồng 4 héc ta rừng mỡ, mở rộng 1.000 m2 ao nuôi cá trắm, chép, mè hoa…
Tương tự, tại phường Đức Xuân có chị Nông Thị Huyền Tâm, sử dụng 100 triệu đồng vốn ưu đãi để tạo việc làm, mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ in ấn, bán văn phòng phẩm…

Tiếp tục duy trì ổn định các Điểm giao dịch xã để phục vụ tốt nhất cho người dân
Phát huy những kết quả đạt được, NHCSXH tỉnh Thái Nguyên sau sáp nhập tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Theo đó, chi nhánh tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng của Chính phủ và địa phương; đồng thời từng bước hoàn thiện bộ máy quản lý, đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, người lao động, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới.
Với phương châm hành động rõ ràng, NHCSXH tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, khẳng định vai trò là điểm sáng, là trụ cột trong hệ thống chính sách giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước; Luôn phấn đấu giữ vững mạch chảy dòng vốn tín dụng chính sách, kể cả trong giai đoạn chuyển mình của bộ máy hành chính, đó là phương châm hành động của tập thể cán bộ, người lao động NHCSXH tỉnh Thái Nguyên, nhằm góp phần giúp vùng đất trung du miền núi phía Bắc vững vàng bước vào kỷ nguyên vươn mình tới giàu đẹp, hiện đại của đất nước.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/giu-vung-dong-chay-tin-dung-uu-dai-167153.html