Giữ nghề, giữ làng

Làng nghề truyền thống trước hết tạo ra giá trị kinh tế, giải quyết nhiều công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư ở một vùng quê cụ thể. Bên cạnh đó, nó còn có giá trị về văn hóa, tinh thần, góp phần tạo ra bản sắc cho địa phương. Ngày nay, nhiều làng nghề truyền thống còn tham gia vào hoạt động du lịch như làm ra sản phẩm tiêu dùng, lưu niệm hoặc thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm thực tế.

Đối với người dân xứ Quảng nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng, nước mắm không chỉ là món ăn, là gia vị mà còn là một phần của lịch sử, của văn hóa, hàm chứa những tri thức dân gian, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương.Ảnh: Đ.M.T

Thành phố Đà Nẵng có diện tích phần đất liền hơi nhỏ hẹp, lại trải qua quá trình đô thị hóa từ rất sớm (nhượng địa của thực dân Pháp từ cuối thế kỷ XIX) nên làng nghề truyền thống không nhiều như hai địa phương lân cận là Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Tuy nhiên, những làng nghề truyền thống ở Đà Nẵng lại khá nổi tiếng.

Những năm gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa một số nghề truyền thống đó vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như nghề làm đá mỹ nghệ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn), nghề làm nước mắm Nam Ô (quận Liên Chiểu), và mới đây nhất là nghề làm bánh tráng Túy Loan (huyện Hòa Vang). Khi nghề truyền thống được đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia thì đó là niềm tự hào cho cộng đồng dân cư và cũng là niềm tự hào chung cho thành phố, để từ đó có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị.

Ở đây, xin trao đổi thêm về việc sử dụng từ ngữ thế nào cho đúng. Theo đó, Luật Di sản văn hóa và Nghị định hướng dẫn của Chính phủ chỉ quy định đưa "Nghề truyền thống" chứ không phải "Làng nghề truyền thống" vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nói nôm ra, di sản ở đây là cái nghề chứ không phải cái làng. Và các văn bản trên cũng quy định, đối với các nghề truyền thống thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục (hoặc đưa vào danh mục) di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (chứ không dùng từ công nhận).

Một nghề truyền thống khác, rất nổi tiếng trong cả nước trước đây nhưng nay không còn là nghề làm pháo Nam Ô. Nhiều người luyến tiếc nhưng cấm đốt pháo là chủ trương chung của Nhà nước từ 30 năm trước (Chỉ thị 406/CT-TTg ngày 8-8-1994 của Thủ tướng Chính phủ) nên bà con làng nghề này chấp hành triệt để. Riêng xã Hòa Tiến (huyện HoàVang) có đến 3 làng nghề truyền thống là chiếu Cẩm Nê, đan đát Yến Nê và chằm nón La Bông, nhưng cả ba đã mai một do khó cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp.

Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi hai làng nghề khác giữa lòng Đà Nẵng mất đi chỉ khoảng 20 năm trở lại đây do quá trình đô thị hóa. Đó là làng hoa Phước Mỹ (quận Sơn Trà) và làng rau Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn). Làng hoa Phước Mỹ có diện tích gần 40 héc-ta với trên dưới 400 hộ dân chuyên trồng hoa và sống nhờ nghề này từ lâu đời. Hoa ở đây được trồng và nở quanh năm, nhất là hoa Vạn Thọ. Còn làng rau Mỹ An cũng có trên vài chục héc-ta đất tốt cùng với vài trăm hộ dân chuyên sản xuất nhiều loại rau, từ rau để ăn sống đến rau làm gia vị, chế biến thức ăn như cải cay, xà lách, hành, ngò, húng quế, rau răm, tần ô, tía tô…

Trong ký ức nhiều người vẫn còn lưu giữ hình ảnh, mỗi sáng tinh mơ, bằng những chuyến xe thô sơ hoặc bằng những đôi quang gánh kĩu kịt chất đầy rau xanh tươi tốt, các bà, các chị chuyển đến chợ Hàn, chợ Hà Thân và nhiều chợ truyền thống khác ở Đà Nẵng. Ngày nay đến Hội An, nhìn du khách nườm nượp kéo đến tham quan hoặc trải nghiệm “một ngày làm nông dân” ở làng rau Trà Quế mà chạnh lòng nghĩ đến làng rau Mỹ An ở Đà Nẵng ngày nào.

Đô thị hóa là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển ở các thành phố. Tuy nhiên, nếu có tầm nhìn rộng, có sự cân nhắc hợp lý để giữ lại các làng nghề, nhất là làng nghề truyền thống gắn với đất đai, ruộng vườn thì sẽ ý nghĩa nhiều mặt, cả về kinh tế lẫn văn hóa. Đặc điểm của nghề truyền thống là khá nhẹ nhàng, phù hợp với nhiều lứa tuổi khác nhau, nam phụ lão ấu đều có thể tham gia sản xuất, từ đó giải quyết tốt công ăn việc làm cho nhiều người. Khi đô thị hóa, phần nhiều số lao động từ các làng nghề truyền thống trở nên thất nghiệp, chuyển đổi ngành nghề.

Trớ trêu là khi không còn làng hoa Phước Mỹ, làng rau Mỹ An, đất nông nghiệp chuyển thành đất dự án, nhưng nhiều dự án với diện tích rất lớn mà không triển khai suốt gần 20 năm nay. Trước tình cảnh này, một số người dân ở làng hoa Phước Mỹ và làng rau Mỹ An trước đây đã tận dụng đất dự án chưa sử dụng để trồng hoa, trồng rau, được ngày nào hay ngày đó. Hiện nay, đi dọc hai bên đường An Dương Vương nối từ phía Đông cầu Trần Thị Lý tới phía đông cầu Tiên Sơn sẽ thấy những đám rau một màu xanh ngắt là nhờ vậy.

Quá trình đô thị hóa ở Đà Nẵng vẫn còn tiếp tục, những người làm quy hoạch nên tập trung nghĩ suy, nghiên cứu và cân nhắc cái được cái mất giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, nhất là phải thấy được giá trị của văn hóa trong quy hoạch tổng thể thành phố để những làng nghề truyền thống tiếp tục phát huy giá trị bản sắc, không biến mất như làng hoa Phước Mỹ và làng rau Mỹ An vậy. Mong rằng điều đó sẽ không xảy ra hoặc chậm xảy ra để có thể tạo công ăn việc làm, giải quyết khó khăn về đời sống cho một bộ phận không nhỏ người dân, và quan trọng hơn, để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, hồn cốt các làng quê có nghề truyền thống vốn khá ít ỏi ở thành phố Đà Nẵng hiện nay.

NSND HUỲNH HÙNG

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202403/giu-nghe-giu-lang-3967093/