Giữ nghề bằng sản phẩm sạch

Tôi biết đến chị Võ Thị Nhung Xuân, chủ cơ sở chế biến hải sản Xuân Anh khi chị còn làm Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc). Công việc đoàn thể chiếm gần hết thời gian, song chị vẫn ấp ủ muốn theo nghề làm nước mắm truyền thống. Hỏi chuyện, chị bảo nghề làm nước mắm trên địa bàn dần mai một. Chị muốn giữ gìn và phát triển nghề, tạo thêm việc làm cho phụ nữ trong xã.

Chị Nhung Xuân (bên phải) đang giới thiệu sản phẩm đến khách hàng

Chị Nhung Xuân (bên phải) đang giới thiệu sản phẩm đến khách hàng

Năm 2015, chị Xuân quyết định mở cơ sở chế biến nước mắm Xuân Anh để chế biến các loại mắm truyền thống. Với số vốn 100 triệu đồng, chị xây dựng nhà xưởng, sân phơi, mua sắm các trang thiết bị và dụng cụ để chế biến. Để có sản phẩm đạt chất lượng và đảm bảo cho sức khỏe của người tiêu dùng, chị quyết định đặt mua cá tươi, để nước mắm làm ra thơm ngon hơn. Khách hàng nào có nhu cầu, chỉ cần gọi điện là chị đem đến tận nhà. Nhờ sự chăm sóc khách hàng tận tình và sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng, nên nước mắm do cơ sở chị Xuân sản xuất ngày càng có nhiều người tiêu dùng biết đến.

Nước mắm truyền thống được sản xuất theo phương pháp thủ công, với những công đoạn công phu, cầu kỳ cộng với thời gian mới ra được một mẻ nước mắm. Khó khăn nhất là đầu ra của sản phẩm khi phải cạnh tranh với nước mắm công nghiệp nên chị Xuân tham gia khóa đào tạo, nâng cao năng lực và kiến thức phát triển kinh doanh. Rồi chị bắt đầu tự thiết kế logo, hình dáng chai hộp, đăng ký nhãn hiệu độc quyền, nhờ đó gia tăng giá trị sản phẩm, tiếp cận thị hiếu người tiêu dùng nhiều hơn. Từ cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, giờ đây mỗi năm cơ sở của chị sản xuất từ 30 đến 40 tấn mắm ruốc và ruốc khô. Không chỉ dừng lại ở sản phẩm nước mắm cá cơm, chị còn làm thêm các sản phẩm khác, như nước mắm ruốc, ruốc đặc, tôm chua, ruốc chua, mắm sặc…100% sản phẩm hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản để bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Hiện nay, các sản phẩm mắm của chị cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Trong quá trình sản xuất nước mắm sẽ sinh ra phế phẩm, số phế phẩm này chị dùng để làm thức ăn giàu đạm trong chăn nuôi gia súc, làm phân bón trồng trọt rau màu, không làm ảnh hưởng đến môi trường. Với sự giới thiệu, kết nối từ các sở, ban ngành trong thành phố và hội LHPN các cấp, sản phẩm của chị được trưng bày tại hội chợ ở các tỉnh, thành trong cả nước và tại Viêng Chăn, Lào. Mô hình của chị đạt doanh thu từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Để giúp sản phẩm tiếp cận sâu hơn với thị trường trong thời gian tới, chị Xuân tiếp tục cải tiến mẫu mã, chất lượng và quảng bá sản phẩm nước mắm truyền thống Xuân Anh. Chị bảo, để giữ nghề và sống được với nghề, tôi đặt tâm huyết vào từng chi tiết, công đoạn dù là nhỏ nhất. Trong quá trình làm ra sản phẩm, đặc biệt chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sơ chế, chế biến và thành phẩm, luôn đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu.

Bài, ảnh: An Nhiên

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/giu-nghe-bang-san-pham-sach-150997.html