Giới trẻ lạm dụng thiết bị công nghệ: Nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe tâm thần
Bên cạnh lợi ích nếu được sử dụng đúng cách, các thiết bị công nghệ còn có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của thanh, thiếu niên nếu các em lạm dụng.
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý trẻ vị thành niên, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội.
Phóng viên (PV): Thưa ông, việc lạm dụng thiết bị công nghệ nói chung, "mải mê" với mạng xã hội nói riêng ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe tâm thần của giới trẻ?

Ông Nguyễn Đình Sơn.
Ông Nguyễn Đình Sơn: Mạng xã hội như TikTok, Instagram, Facebook... đang ảnh hưởng lớn đến tâm lý giới trẻ. Những nền tảng này khiến người dùng bị cuốn vào việc so sánh, chạy theo hình mẫu ảo, dẫn đến lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ và giảm khả năng tập trung. Trẻ bị mất kiểm soát về thời gian và cảm xúc, chỉ sử dụng trí nhớ tạm thời, lâu dài có thể gây ra tình trạng "teo não kỹ thuật số".
Theo các nghiên cứu, việc tiếp xúc với hình ảnh và âm thanh liên tục trên mạng xã hội tạo ra sóng não nhanh gấp 2-3 lần so với sóng sinh học tự nhiên. Nếu sử dụng các nền tảng này 6-8 tiếng đồng hồ mỗi ngày, người dùng có thể rơi vào trạng thái ảo giác, trầm cảm, mất kiểm soát hành vi và rơi vào trạng thái cô lập xã hội. Đáng lo ngại hơn, học sinh thuộc thế hệ Gen Z (sinh năm 1997-2012) và thế hệ kế tiếp-Gen Alpha đang chịu tác động từ công nghệ ở độ tuổi ngày càng sớm, đặc biệt từ lớp 3 đến lớp 5, khi các em bắt đầu hình thành bản sắc cá nhân. Giai đoạn cao điểm thường rơi vào bậc trung học cơ sở, nhất là lớp 9-thời điểm trẻ đối mặt với áp lực đồng trang lứa, so sánh xã hội và khủng hoảng hình ảnh bản thân.
Biểu hiện thường thấy là thay đổi ngoại hình để gây chú ý hoặc thể hiện cá tính: Nhuộm tóc, xăm hình, trang điểm đậm, sống khép kín, thu mình... Những hành vi này không đơn thuần là “nổi loạn”, mà phản ánh sự mơ hồ về bản sắc và cảm xúc dưới ảnh hưởng của các chuẩn mực ảo trên mạng xã hội.
PV: Vậy cha mẹ cần làm gì để giúp con sử dụng thiết bị công nghệ một cách lành mạnh?
Ông Nguyễn Đình Sơn: Có hai yếu tố quan trọng: Yêu thương và kỷ cương. Yêu thương phải vô điều kiện để trẻ cảm thấy an toàn. Kỷ cương phải rõ ràng để trẻ có giới hạn. Hiện nay, nhiều cha mẹ “sợ con” vì không gần gũi, không hiểu con. Muốn đồng hành với con trong thời đại số, cha mẹ phải hiểu công nghệ. Điều quan trọng là thấu hiểu tâm lý theo từng độ tuổi. Từ đó, cha mẹ sẽ biết định hướng cho con nội dung tích cực, cùng con sử dụng thiết bị công nghệ và làm gương. Ví dụ: Không mang điện thoại vào bàn ăn, không đặt ti vi trong phòng ngủ. Khi có niềm tin và sự chia sẻ, trẻ sẽ cởi mở hơn, dễ tiếp nhận định hướng của cha mẹ.
Cũng nên đặt ra giới hạn thời gian sử dụng thiết bị công nghệ với trẻ, nhưng cần linh hoạt và có sự đồng thuận với trẻ. Cha mẹ nên cùng con xây dựng khung giờ sử dụng điện thoại hợp lý. Trẻ có thể dùng thiết bị trong 30-45 phút, sau đó nghỉ 10 phút để bảo vệ mắt và não bộ. Tuyệt đối không dùng công nghệ như phần thưởng hay hình phạt. Nếu coi công nghệ là “phần thưởng”, trẻ sẽ đánh đồng việc học với “giá trị trao đổi” chứ không phải trách nhiệm. Thay vào đó, cha mẹ cần xây dựng kỷ luật tích cực, cùng con tuân thủ và làm gương.

Trẻ em cần được hướng dẫn sử dụng thiết bị công nghệ hợp lý để không ảnh hưởng đến sức khỏe. Ảnh: HỒNG ANH
PV: Ông có thể chia sẻ thêm về cách giúp trẻ đối phó với áp lực từ việc sử dụng thiết bị công nghệ?
Ông Nguyễn Đình Sơn: Muốn trẻ đối phó được với áp lực, trước tiên phải giúp trẻ hiểu và tự nhận thức. Nội lực là thứ giúp trẻ tự chủ, trong khi ngoại lực chỉ là biện pháp tạm thời. Muốn trẻ có nội lực, cha mẹ phải đồng hành, hướng dẫn và rèn luyện từng bước, giống như chăm sóc một cái cây: Biết khi nào cần tưới nước, bao nhiêu là đủ, khi nào cần ánh sáng... Cha mẹ cần hiểu rằng, cho con tiếp cận công nghệ sớm là điều tốt nếu được định hướng đúng. Ngược lại, nếu chỉ áp đặt, trẻ sẽ “run tay” và không phát triển được khả năng tự điều chỉnh hành vi. Do đó, công nghệ không có lỗi, điều quan trọng là chúng ta dạy con làm chủ nó, thay vì bị nó dẫn dắt.
Một dân tộc mạnh là dân tộc có thế hệ trẻ khỏe về thể chất, vững về tinh thần, sáng về lý tưởng. Và sức khỏe tinh thần không thể chờ đến khi có “triệu chứng”, mà cần được nuôi dưỡng mỗi ngày bằng yêu thương, kỷ cương và trí tuệ cộng đồng. Công nghệ là con dao hai lưỡi, nhưng nếu biết làm chủ, thế hệ trẻ Việt Nam hoàn toàn có thể biến nó thành công cụ phụng sự đất nước trong thời đại mới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!