Giới đầu tư chưa yên tâm dù CPI của Mỹ tiếp tục hạ nhiệt

Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ và các chỉ số chính hạ nhiệt trong phiên thứ Năm (10/8), khi các nhà đầu tư lo lắng về triển vọng dài hạn của nền kinh tế Mỹ và liệu chứng khoán có còn dư địa để tăng hay không.

Trong những giờ giao dịch đầu tiên, với dữ liệu CPI tiếp tục giảm tốc, cả ba chỉ số chuẩn đã tăng hơn 1% khi các nhà giao dịch đặt cược Fed sẽ ngừng tăng lãi suất trong năm nay và bắt đầu cắt giảm lãi suất vào đầu năm tới.

Tuy nhiên, dù lạm phát giảm tốc, lạm phát lõi giảm còn chậm và khi các nhà giao dịch nhìn kỹ vào dữ liệu này, tâm lý lạc quan ban đầu đã giảm bớt.

Dữ liệu chính thức cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7 của Mỹ chỉ tăng 0.2% so với tháng trước, khớp với dự báo của các chuyên gia. Nếu so với cùng kỳ, CPI tăng 3,2%, thấp hơn dự báo 3,3% từ các chuyên gia, nhưng lại cao hơn mức 3% của tháng 6.

Chỉ số CPI lõi, sau khi loại trừ thực phẩm và năng lượng cũng tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 4,7% so với cùng kỳ. Con số này thấp hơn so với dự báo tăng 4,8% của các chuyên gia tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones.

Yung-Yu Ma, Giám đốc đầu tư tại BMO Wealth Management, cho biết phản ứng của thị trường không có gì đáng ngạc nhiên, do kỳ vọng lạm phát đã được dự báo từ trước.

Ông nói thêm rằng các nhà đầu tư vẫn cảnh giác với rủi ro trung hạn, bao gồm tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại, tác động của việc các ngân hàng co hẹp cho vay và cách thức di chuyển lãi suất mà Fed đã thực hiện sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Sự thận trọng dài hạn đã được phản ánh trong nhận xét của Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly, người nói rằng trong khi dữ liệu lạm phát gần đây đang đi đúng hướng, nhưng cần nhiều hơn để bà cảm thấy thoải mái trước khi ngân hàng trung ương hoàn tất nhiệm vụ kiểm soát lạm phát.

Kết thúc phiên 10/8: Chỉ số Dow Jones tăng 52,79 điểm (+0,15%), lên 35.176,15 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,12 điểm (+0,02%), lên 4.468,83 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 15,97 điểm (+0,12%), lên 13.737,98 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng, sau khi chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tiếp tục ở mức thấp làm dấy lên hy vọng rằng Fed sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất, trong khi cổ phiếu xa xỉ nhận được lực đẩy từ việc Trung Quốc nới lỏng các hạn chế đi lại.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu tăng 0,77% lên 464,14 điểm.

"Không có thông tin gia tăng nào từ báo cáo CPI buộc Fed phải thực hiện một đợt tăng lãi suất khác. Bản thân các con số đang giảm tốc và điều đó đủ để Fed dừng chiến dịch tăng lãi suất", Marcus Poppe, đồng giám đốc chứng khoán châu Âu tại DWS Group, cho biết.

Cổ phiếu bất động sản nhạy cảm với lãi suất tăng 1,6%, trong khi đó, chỉ số hàng hóa cá nhân và gia dụng của châu Âu đứng đầu các cổ phiếu tăng ngành, tăng 2,2% sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế đối với các tour du lịch theo nhóm cho nhiều quốc gia hơn.

Chỉ số này, bao gồm các thương hiệu xa xỉ lớn nhất khu vực có tiếp xúc đáng kể với Trung Quốc, đã ghi nhận mức tăng phần trăm lớn nhất trong một ngày trong gần bốn tháng.

Theo đó, Tập đoàn xa xỉ Pháp LVMH hiện là công ty giá trị nhất châu Âu, tăng 3,4%, đẩy chỉ số blue-chip của Paris tăng 1,5%.

"Có thể họ được phép đi du lịch nhiều hơn, nhưng mặt khác là vấn đề kinh tế trong nước. Vì vậy, tôi không chắc mình sẽ đặt cược vào việc người tiêu dùng Trung Quốc có thể tiêu dùng nhiều hơn hàng hóa xa xỉ của phương Tây", Poppe nói thêm.

Các dấu hiệu lạm phát giảm bớt ở Mỹ và khu vực đồng euro đã đẩy STOXX 600 lên mức cao nhất trong hơn một năm vào tháng trước, nhưng hoạt động kinh doanh chậm lại trên toàn cầu và lợi suất trái phiếu kho bạc tăng đã gây áp lực lên chứng khoán trong những tuần gần đây.

Kết thúc phiên 10/8: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 31,30 điểm (+0,41%), lên 7.618,60 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 143,94 điểm (+0,91%), lên 15.996,52 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 111,58 điểm (+1,52%), lên 7.433,62 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đảo chiều tăng, khi các kết quả kinh doanh khả quan trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh đã bù đắp cho sự thận trọng trước dữ liệu lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ được công bố.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,84% lên 32.473,65 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,92% lên 2.303,51 điểm.

"Thị trường được hỗ trợ bởi các công ty báo cáo kết quả kinh doanh. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý vừa qua nhìn chung rất tích cực. Tuy nhiên, dữ liệu lạm phát của Mỹ sắp được công bố vào thời điểm lợi suất trái phiếu dài hạn ở Mỹ và Nhật Bản biến động, điều này khiến các nhà đầu tư lo lắng”, Shoichi Arisawa, tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu đầu tư tại IwaiCosmo Securities, cho biết.

Thị trường Nhật Bản sẽ đóng cửa vào thứ Sáu để nghỉ lễ.

Trong số các cổ phiếu riêng lẻ, Honda Motor tăng 5,87%, thúc đẩy lớn nhất cho Topix, sau khi nhà sản xuất ô tô báo cáo lợi nhuận quý vừa qua tăng 78%.

Cổ phiếu Inpex tăng 16,62% sau khi công ty thăm dò dầu khí nâng dự báo lợi nhuận ròng cả năm thêm 7% và công bố các biện pháp để tăng giá trị của công ty và lợi nhuận của cổ đông.

Lĩnh vực khai khoáng tăng 14,93%, trở thành ngành hoạt động hàng đầu trong số 33 chỉ số phụ ngành trên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi việc dỡ bỏ lệnh cấm trong thời kỳ đại dịch đối với các tour du lịch nhóm ra nước ngoài đã thúc đẩy các cổ phiếu liên quan đến hàng không và du lịch.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,31% lên 3.254,66 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,21% lên 3.975,72 điểm.

Chỉ số ngành du lịch CSI tăng 2% sau tin tức rằng các tour du lịch có thể được nối lại trên các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc.

Cổ phiếu Air China niêm tăng 4,86%, trong khi cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của Trip.com tăng 2,71%.

Cổ phiếu năng lượng và dầu mỏ cũng tăng, với chỉ số năng lượng tăng 2,12% với Yankuang Energy tăng 5,54% lên mức cao nhất trong hai tuần.

Tuy nhiên, sự phục hồi chững lại của nền kinh tế Trung Quốc và tỷ lệ thất nghiệp thanh niên cao cũng hạn chế mức tăng của các chỉ số chính. Các phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin hôm thứ Ba rằng, gần một nửa số sinh viên tốt nghiệp Trung Quốc đang từ bỏ các thành phố lớn và trở về quê sau khi tốt nghiệp do thị trường việc làm chùng xuống.

Chứng khoán Hồng Kông đảo chiều tăng nhẹ về cuối phiên, sau khi các biện pháp mới của Washington về hạn chế đầu tư vào Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về rủi ro địa chính trị.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,01% lên 19.248,26 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,23% lên 6.628,55 điểm.

Cổ phiếu China Unicom tăng mạnh nhất trong bốn tuần sau khi báo cáo lợi nhuận nửa đầu năm tăng 14% lên 12,4 tỷ nhân dân tệ và thêm 5,3 triệu thuê bao di động mới, mức tăng ròng nửa đầu năm cao nhất trong bốn năm.

Bên cạnh đó, Trip.com Group tăng sau khi Trung Quốc nối lại du lịch theo nhóm đến Mỹ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, chỉ số bất động sản đại lục giảm 2,08% sau khi Country Garden không trả được 22,5 triệu USD tiền lãi trái phiếu đến hạn vào đầu tháng này và các nhà đầu tư vẫn hoài nghi liệu lĩnh vực nợ nần chồng chất này có thể sớm quay đầu hay không.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ, khi các nhà đầu tư vẫn thận trọng trước dữ liệu lạm phát của Mỹ, bất chấp sự phục hồi của cổ phiếu của các công ty nhạy cảm với nhu cầu ở Trung Quốc với hy vọng có nhiều khách du lịch đến hơn.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 3,56 điểm, tương đương 0,14% xuống 2.601,56 điểm.

"Tâm điểm chú ý là các cổ phiếu liên quan đến chi tiêu và giải trí của Trung Quốc, khi đã tăng mạnh khi mở thêm các chuyến du lịch theo nhóm", Lee Kyoung-min, nhà phân tích tại Daishin Securities, cho biết.

Trung Quốc đã dỡ bỏ các hạn chế thời đại dịch đối với các tour du lịch theo nhóm đối với nhiều quốc gia hơn, bao gồm các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc.

Theo đó, các cổ phiếu như Hotel Shilla tăng 17,3%, Hana Tour tăng 10%, nhà điều hành casino Grand Korea Leisure tăng 20,45%.

Các nhà sản xuất sản phẩm làm đẹp Amorepacific Corp và LG Household &; Care lần lượt tăng 7,76% và 13,31%.

Kết thúc phiên 10/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 269,32 điểm (+0,84%), lên 32.473,65 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 10,07 điểm (+0,31%), lên 3.254,66 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 2,23 điểm (+0,01%), lên 19.248,26 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 3,56 điểm (-0,14%), xuống 2.601,56 điểm.

Giá dầu thô hạ nhiệt khi những dữ liệu kinh yếu kém gần đây của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng mạnh.

Thêm vào đó, giá dầu cũng đang chịu áp lực giảm do khả năng Fed còn tăng lãi suất thêm một lần trong năm nay và giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn để đưa lạm phát về mục tiêu 2%.

Kết thúc phiên 10/8, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 1,58 USD/thùng (-1,9%), xuống 82,82 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,15 USD/thùng (-1,3%), xuống 86,4 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/gioi-dau-tu-chua-yen-tam-du-cpi-cua-my-tiep-tuc-ha-nhiet-post327616.html