Gio Quang phát huy tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp

Gio Quang (Gio Linh) là xã thuần nông, thế mạnh chính là phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Với những giải pháp, hướng đi tích cực, xã Gio Quang đã tập trung đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong phát triển và khai thác hiệu quả thế mạnh nông nghiệp của huyện Gio Linh; từng bước nâng cao đời sống người dân và làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn…

Nông dân xã Gio Quang tập trung phát triển lúa chất lượng cao. Ảnh: MĐ

Để phát triển nông nghiệp, xã Gio Quang đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025. Trên cơ sở đó, xã tiến hành quy hoạch cụ thể từng vùng để phát triển nông nghiệp, trong đó chú trọng quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao; xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu gạo Gio Quang; quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới vào sản xuất nông nghiệp; làm tốt công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật; xây dựng phương án phù hợp với diễn biến thời tiết khí hậu, dịch bệnh; chú trọng công tác thủy lợi, điều tiết tưới, tiêu hợp lý; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp...

Từ khi triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp có bước tăng trưởng khá. Nổi bật là trên lĩnh vực trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng hằng năm khoảng 976 ha các loại cây, trong đó, diện tích gieo trồng lúa khoảng 885 ha. Xác định rõ lợi thế về gieo trồng lúa nên xã quan tâm đầu tư phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao. Cụ thể như thực hiện nhân rộng từ 94,56 ha lúa (năm 2018) lên 126 ha lúa (năm 2019) sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn thích ứng với biến đổi khí hậu; sản xuất lúa hữu cơ 40 ha. Đặc biệt, gạo HC95 Gio Quang được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận và bảo hộ thương hiệu. Hiện nay đang tiến hành in ấn bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng trang web quảng bá gạo Gio Quang gắn với việc đẩy mạnh sản xuất lúa hữu cơ để đưa gạo ra thị trường. Bên cạnh đó, xã đã thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm gạo Gio Quang với Công ty Bia Hà Nội từ năm 2019, đã cung ứng 100 tấn gạo chất lượng cho Nhà máy sản xuất bia Hà Nội ở Khu công nghiệp Quán Ngang. Cuối năm 2019, xã tiếp tục ký hợp đồng cung cấp 150 tấn gạo chất lượng cho Công ty Bia Hà Nội trong năm 2020.

Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Gio Quang luôn quan tâm nhiều đến việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp. Toàn xã hiện có hơn 200 máy cày các loại, 21 máy gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất nông nghiệp từ khâu làm đất đến thu hoạch. Sản phẩm lúa gạo Gio Quang cũng đảm bảo tốt chất lượng khi các hộ gia đình chú trọng đầu tư 11 cơ sở xay xát gạo. Gio Quang còn được biết đến là địa phương có dịch vụ thu hoạch lúa mạnh trong toàn tỉnh, khi tất cả 21 máy gặt đập liên hợp sau khi phục vụ việc thu hoạch lúa ở địa phương xong là tổ chức thành các tổ đội đi làm dịch vụ thu hoạch lúa ở các tỉnh phía Bắc, mang về nguồn thu nhập khá lớn, với ước tính thu nhập 200 triệu đồng/máy/vụ làm dịch vụ ở miền Bắc. Tính tổng thể trong 1 vụ làm dịch vụ ở xã Gio Quang và các tỉnh miền Bắc, bình quân các chủ máy gặt đập liên hợp thu về từ 330-350 triệu đồng/máy; giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho gần 100 lao động địa phương.

Xác định chăn nuôi là ngành sản xuất quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã Gio Quang đã vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển từ chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại, bán công nghiệp. Hiện nay, toàn xã có 162 con trâu, 393 con bò, 7.362 con lợn, hơn 51.000 con gia cầm. Chương trình cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả, tỉ lệ zebu hóa đạt 221 con. Tổng giá trị từ chăn nuôi đạt 33.046 tỉ đồng (năm 2019). Xã Gio Quang còn tận dụng các ao, hồ, kênh mương để đẩy mạnh phát triển nuôi cá nước ngọt, với diện tích khoảng 22 ha, mang đến nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Kinh tế trang trại, gia trại được duy trì và phát triển tốt. Hiện nay, toàn xã có 25 trang trại, gia trại tổng hợp quy mô lớn, giúp cho người dân giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Nhiều ngành nghề ở nông thôn được tổ chức, phát huy hiệu quả như nghề chế biến tinh dầu tràm, sản xuất nấm sò, nấm rơm… giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 60 lao động. Nhằm tạo thuận lợi hơn cho phát triển sản xuất nông nghiệp, Gio Quang tập trung chỉ đạo kiện toàn 5 hợp tác xã (HTX) hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012; tổ chức thực hiện tốt các khâu dịch vụ cung ứng giống, thủy nông, phân bón, thu hoạch lúa… gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, có HTX Vinh Quang Hạ được UBND tỉnh công nhận HTX kiểu mới năm 2019. Xã Gio Quang đang tập trung chỉ đạo HTX Vinh Quang Thượng hoàn thiện thủ tục hồ sơ để công nhận HTX kiểu mới trong năm 2020. Các ngành nghề CNTTCN có thế mạnh, sử dụng nhân lực tại chỗ tiếp tục được duy trì, mở rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Thương mại-dịch vụ phát triển, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng hàng hóa của nhân dân. Tổng giá trị của ngành CN-TTCN, thương mại-dịch vụ đạt 143,31 tỉ đồng (năm 2019).

Chủ tịch UBND xã Gio Quang Lê Văn Thông cho biết, thời gian tới xã Gio Quang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng quảng bá thương hiệu gạo Gio Quang cũng như nhiều sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương; tiếp tục nâng cao chất lượng gạo Gio Quang để cung ứng cho Công ty Bia Hà Nội; tăng cường công tác quản lý về kinh tế tập thể, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho các HTX, đồng thời rà soát lại chất lượng hoạt động của HTX để định hướng chuyển đổi mô hình hoạt động hiệu quả hơn. Khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân trên lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản; thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ; khuyến khích và đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp, đẩy mạnh chế biến sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp địa phương, qua đó, đưa ngành nông nghiệp Gio Quang phát triển toàn diện, hiệu quả và có tính bền vững cao.

Minh Đức

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=146041