Gìn giữ hòa bình - Sứ mệnh toàn cầu, trái tim Việt Nam

Trải qua 11 năm, lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đã để lại hình ảnh đẹp, sâu sắc về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, góp phần lan tỏa giá trị nhân văn cao đẹp của dân tộc ta, một dân tộc yêu chuộng hòa bình với bạn bè thế giới...

Trải qua 11 năm, lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đã để lại hình ảnh đẹp, sâu sắc về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, góp phần làm lan tỏa giá trị nhân văn cao đẹp của dân tộc ta, một dân tộc yêu chuộng hòa bình với bạn bè thế giới... (Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình cung cấp)

Trải qua 11 năm, lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đã để lại hình ảnh đẹp, sâu sắc về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, góp phần làm lan tỏa giá trị nhân văn cao đẹp của dân tộc ta, một dân tộc yêu chuộng hòa bình với bạn bè thế giới... (Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình cung cấp)

Từ khát vọng hòa bình của dân tộc…

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” – tư tưởng bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ soi đường cho dân tộc Việt Nam trên con đường giành lại và bảo vệ nền độc lập của mình, mà còn là ngọn đuốc dẫn lối cho sự hội nhập và trách nhiệm quốc tế hiện nay.

Trong quá khứ, để bảo vệ nền độc lập, tự do, sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh với nhiều đau thương mất mát. Hơn ai hết, nhân dân Việt Nam hiểu rõ giá trị của hòa bình và luôn trân quý, yêu chuộng hòa bình.

 Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. (Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình cung cấp)

Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. (Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình cung cấp)

Ngay sau khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi Đại hội đồng Liên hợp quốc khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với những mục tiêu của Liên hợp quốc và bày tỏ mong muốn được góp sức vào công việc chung.

Từ sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Ngày 23/11/2012, Bộ Chính trị thông qua “Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”.

Tiếp đến, ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế, trong đó đề ra định hướng “Chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương, trong đó có việc tham gia các hoạt động ở mức cao hơn, như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc…”.

Ngày 27/5/2014, Bộ Quốc phòng công bố Quyết định thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam (tiền thân của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam ngày nay) và cử 2 sĩ quan Quân đội đầu tiên đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trên cương vị sĩ quan liên lạc tại Phái bộ Nam Sudan. Đó là dấu mốc lịch sử đánh dấu sự tham gia chính thức của Việt Nam vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Qua 11 năm, Việt Nam đã triển khai 6 thê đội Bệnh viện dã chiến cấp 2, 3 thê đội Đội Công binh, cử 137 lượt sĩ quan cá nhân của Quân đội nhân dân Việt Nam và 16 sĩ quan của Công an nhân dân đến các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. (Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình cung cấp)

Qua 11 năm, Việt Nam đã triển khai 6 thê đội Bệnh viện dã chiến cấp 2, 3 thê đội Đội Công binh, cử 137 lượt sĩ quan cá nhân của Quân đội nhân dân Việt Nam và 16 sĩ quan của Công an nhân dân đến các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. (Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình cung cấp)

... đến khẳng định tầm vóc Việt Nam

11 năm (27/5/2014-27/5/2025)là một quãng thời gian chưa dài so với chặng đường hơn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng đủ để chứng minh bản lĩnh, trí tuệ và phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ” trong môi trường quốc tế đa quốc gia với những bất ổn về an ninh và dịch bệnh.

Với sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành. Từ những sĩ quan đầu tiên làm nhiệm vụ cá nhân tại Phái bộ UNMISS ở Nam Sudan, đến nay, chúng ta đã triển khai thành công 1.083 lượt sĩ quan, quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam và sĩ quan Công an nhân dân với 2 loại hình đơn vị và cá nhân.

Lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã giúp đỡ chính quyền sở tại và người dân địa phương trong nhiều hoạt động. (Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình cung cấp)

Lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã giúp đỡ chính quyền sở tại và người dân địa phương trong nhiều hoạt động. (Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình cung cấp)

Qua 11 năm, Việt Nam đã triển khai 6 thê đội Bệnh viện dã chiến cấp 2 với biên chế 63 quân nhân (triển khai thê đội đầu tiên từ năm 2018 tại Bentiu, Nam Sudan); 3 thê đội Đội Công binh với biên chế 184 quân nhân (triển khai thê đội đầu tiên năm 2022 tại khu vực Abyei - một khu vực có xung đột phức tạp); và cử 137 lượt sĩ quan cá nhân của Quân đội nhân dân Việt Nam và 16 sĩ quan của Công an nhân dân đến các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại phái bộ UNISFA (khu vực Abyei), phái bộ UNMISS (Nam Sudan), phái bộ MINUSCA (Cộng hòa Trung Phi), trụ sở Liên hợp quốc tại New York.

Với bản lĩnh, tác phong mẫu mực, tinh thần trách nhiệm cao, lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được lãnh đạo Liên hợp quốc, đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao.

Các thê đội Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam ở Nam Sudan đã chăm sóc sức khỏe, điều trị với chất lượng cao cho nhiều lượt bệnh nhân là nhân viên Liên hợp quốc và người dân địa phương; đã tiến hành thành công các ca phẫu thuật phức tạp như phẫu thuật vi phẫu nối bàn tay cho đồng nghiệp Pakistan… vận chuyển cấp cứu đường không nhiều ca sản phụ nguy hiểm. Đội công binh của Việt Nam cũng đã thể hiện được năng lực chuyên môn cao, góp phần làm thay đổi diện mạo của phái bộ Liên hợp quốc tại khu vực Abyei.

Lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam bao gồm Bệnh viện dã chiến cấp 2 và Đội Công binh và các sĩ quan được triển khai ở hình thức cá nhân khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã giúp đỡ chính quyền sở tại và người dân địa phương làm đường xá; giúp các nhà trường xây dựng, cải tạo lớp học; tổ chức dạy học cho các em nhỏ; khoan giếng nước tặng người dân địa phương; tổ chức khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân; hướng dẫn người dân làm nông nghiệp để cải thiện cuộc sống…Chính những hành động mang tính nhân văn cao đẹp đã giúp gắn kết lực lượng mũ nồi xanh của Liên hợp quốc tại Phái bộ với người dân địa phương. Điều này luôn được lãnh đạo Liên hợp quốc và lãnh đạo Phái bộ đánh giá cao.

Chúng ta đã để lại hình ảnh đẹp, sâu sắc về Người chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” – góp phần lan tỏa giá trị nhân văn cao đẹp của dân tộc Việt Nam, một dân tộc yêu chuộng hòa bình.

Chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại

Thời gian tới, trước yêu cầu ngày càng cao của hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp tục duy trì các lực lượng tại địa bàn và cam kết tham gia sâu rộng hơn vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, thông qua việc tăng cường cả về số lượng, chất lượng nhân sự và trang thiết bị, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện đất nước; đồng thời, tăng tỷ lệ nữ quân nhân trong lực lượng.

Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp tục duy trì các lực lượng tại địa bàn và cam kết tham gia sâu rộng hơn vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. (Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình cung cấp)

Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp tục duy trì các lực lượng tại địa bàn và cam kết tham gia sâu rộng hơn vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. (Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình cung cấp)

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn dân, toàn quân về vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của nhiệm vụ cao cả này. Chú trọng xây dựng cho quân nhân bản lĩnh chính trị, thái độ trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phù hợp với các điều khoản, nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. Đồng thời, xác định quyết tâm, vượt qua gian khổ, khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chú trọng công tác huấn luyện, bồi dưỡng tạo nguồn, trong đó có sự kết hợp của các hoạt động hỗ trợ từ các đối tác quốc tế có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình với việc nghiên cứu, xây dựng và tổ chức huấn luyện theo phương châm: “Cơ bản, thiết thực, vững chắc, chuyên sâu”, gắn với tăng cường huấn luyện thực hành và diễn tập tổng hợp.

Nội dung huấn luyện tập trung vào đào tạo ngoại ngữ, huấn luyện chuyên môn chuyên ngành, kiến thức gìn giữ hòa bình, tiền triển khai kỹ năng sinh tồn, luật quốc tế, luật nhân đạo, kiến thức về đất nước, con người và các quy định của nước sở tại; tình hình phái bộ, những quy định, nhiệm vụ cụ thể của Liên hợp quốc...

Coi trọng bổ sung kiến thức chuyên môn, chuyên ngành quân y, công binh... bảo đảm cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đều được trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết, thích ứng nhanh với môi trường làm việc tại các phái bộ.

Phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương hoàn thiện Dự thảo Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 khóa XV trong tháng 6/2025 nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình liên hợp quốc, tạo hành lang pháp lý đầy đủ vững chắc, lâu dài, ổn định cho việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là vinh dự, trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình cung cấp)

Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là vinh dự, trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình cung cấp)

Thường xuyên thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, chỉ rõ nguyên nhân thành công và chưa thành công trong thực hiện nhiệm vụ, biện pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác; trên cơ sở đó đúc rút kinh nghiệm sát thực tế, giúp đội ngũ cán bộ, sĩ quan tích lũy được nhiều kiến thức, rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống độc lập cũng như khả năng hiệp đồng theo quy tắc ứng xử quốc tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc trong môi trường đa quốc gia, đáp ứng sự kỳ vọng mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó.

Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là vinh dự, trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Quán triệt, triển khai thực hiện tốt những nội dung trên chính là cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng.

11 năm mới chỉ là bước đầu của một chặng đường rất dài và trong hành trình đó sẽ còn biết bao thử thách cần vượt qua, biết bao sứ mệnh phải hoàn thành, biết bao cơ hội để cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tiếp tục khẳng định mình ngày càng có những đóng góp thiết thực hơn cho hòa bình trên thế giới.

Sự hiện diện của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong đội hình chiến sĩ mũ nồi xanh của Liên hợp quốc khẳng định tính chính nghĩa và tính nhân văn cao cả trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gin-giu-hoa-binh-su-menh-toan-cau-trai-tim-viet-nam-315729.html