'Gieo vốn' trên núi rừng đất Tổ

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên núi rừng đất Tổ thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi Ngân hàng chính sách xã hội. Ảnh: TTXVN

Nguồn vốn tín dụng chính sách của Đảng và Nhà nước đã được những cán bộ của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ cần mẫn “gieo” trên những sườn đồi với bạt ngàn màu xanh của núi rừng Phú Thọ đã bật mầm khát vọng thoát nghèo và vươn lên làm giàu của người dân trên chính mảnh đất quê hương mình

Thanh Sơn là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ với hơn 60% là đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất, nhì tỉnh. Tín dụng chính sách xã hội được ví như chiếc “phao cứu sinh” để giảm nghèo ở Thanh Sơn. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.

Từng là hộ nghèo ở khu Cốc, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn, trước đây gia đình ông Hà Văn Biện đã từng vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đầu tư đúng hướng, năm 2020 gia đình ông Biện đã thoát nghèo và đã có một khoản tiền tích lũy.

Với quyết tâm không chịu cảnh đói nghèo, năm 2021 ông Biên mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội vốn theo chương trình hộ mới thoát nghèo 80 triệu đồng, công thêm số tiền tích cóp được, ông Biện đã đầu tư chăm sóc 6,2ha keo và chăn nuôi trâu sinh sản. Nhờ cần cù, chịu khó làm ăn, áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật vào cách chăm sóc cây, chăn nuôi sản xuất nên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập bình quân của gia đình đạt hơn 100 triệu đồng/năm.

“Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội mà gia đình tôi đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi trâu sinh sản, trồng cây nguyên liệu cho nguồn thu nhập khá. Không chỉ riêng gia đình tôi, nhiều hộ gia đình khác trong xã cũng được vay từ nguồn vốn này đã thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng…”. Ông Hà Văn Biện chia sẻ.

Ông Bùi Đức Thắng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Sơn cho biết, nguồn vốn ưu đãi được coi như “chìa khóa” mở cửa thoát nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, nhất là cho bà con vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Tính đến 31/7/2023, tổng dự nợ của đơn vị đạt hơn 585 tỷ đồng với trên 12.000 khách hàng còn dư nợ. Chỉ tính riêng 7 tháng , đơn vị đã giải ngân được hơn 103 tỷ đồng với trên 2.300 lượt khách hàng vay vốn.

Thời gian tới, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn huyện rà soát các đối tượng được vay vốn, kịp thời giải ngân nguồn vốn đến đúng đối tượng; kịp thời hỗ trợ nguồn vốn cho các hộ duy trì sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu cho gia đình góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo, thêm điều kiện đóng góp xây dựng nông thôn mới…

Được tách ra từ huyện Thanh Sơn, huyện Tân Sơn là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước với gần 70% là người dân tộc thiểu. Nhờ nỗ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, năm 2018 thoát khỏi huyện nghèo nhất của cả nước. Trong đó, nguốn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đóng vai trò quan trọng, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên địa bàn huyện.

Gia đình ông Hà Văn Lực, dân tộc Mường, xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn là một trong những hộ thuộc diện hộ nghèo của xã. Nhờ chính sách ưu đãi, năm 2018 ông Lực đã được Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tân Sơn tạo điều kiện cho vay 15 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay, ông Lực đầu tư mua trâu nái về nuôi và mua cây giống để trồng rừng. Nhờ làm ăn chăm chỉ, năm 2020 gia đình ông Lực thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Để đảm bảo việc thoát nghèo bền vững, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tiếp tục cho ông Lực vay 50 triệu đồng chương trình hộ mới thoát nghèo để mở rộng diện tích trồng rừng.

Ông Lực chia sẻ, nhờ có nguồn vốn ưu đãi mà gia đình đã xây được nhà khang trang, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày đã được cải thiện. Hiện gia đình đang chăm sóc gần 20 ha keo và bồ đề, 4 con trâu. Trước tết Nguyên đán năm 2023, gia đình ông Lực thu từ khai thác rừng lãi hơn 100 triệu đồng.

Ở huyện miền núi Tân Sơn, mặc dù, đã thoát khỏi danh sách huyện nghèo song số vùng đặc biệt khó khăn cũng còn khá nhiều. Huyện có 17 xã, 172 khu dân cư; trong đó, có tám xã vùng III, ba xã vùng II và sáu xã vùng I, có 97 khu đặc biệt khó khăn.

Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Sơn Tăng Tiến Sỹ cho biết, với những khó khăn còn hiện diện như vậy, chương trình tín dụng vùng khó thực sự là “cứu cánh” cho người dân. Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã nỗ lực để đưa nguồn vốn ưu đãi đến những nơi còn nhiều khó khăn.

Hiện, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện đã và đang triển khai 17 chương trình cho vay với tổng dư nợ đạt hơn 556 tỷ đồng với gần 11.000 khách hàng còn dư nợ. Thông qua nguồn vốn vay, đã có hàng nghìn hộ thoát nghèo, làm giàu bền vững, góp phần “thay da, đổi thịt” nơi miền sơn cước.

Theo lãnh đạo UBND huyện Tân Sơn, tín dụng chính sách hoạt động chịu nhiều tác động tiêu cực của các yếu tố khách quan, tuy nhiên bằng các giải pháp kịp thời, tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm các chính sách an sinh xã hội tại địa phương.

Cùng với các nguồn vốn tín dụng khác trên địa bàn, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội cũng là một kênh tín dụng quan trọng, nhất là đối với huyện miền núi Tân Sơn, trao cơ hội cho người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm.

Ông Nguyễn Thanh Tĩnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn đã tập trung triển khai các chương trình tín dụng chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số khó khăn và các thành phần kinh tế khác có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống; giúp họ có cơ hội “đổi đời”, vươn lên thoát nghèo.

Cũng từ hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần củng cố, nâng cao lòng tin của nhân dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác đối với Đảng và Nhà nước. Đặc biệt qua đó, sẽ thu hẹp dần khoảng cách về mức sống trong nhân dân giữa các vùng, miền trong tỉnh.

Tính đến hết ngày 31/7/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ đã thực hiện 20 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ các chương trình cho vay trên địa bàn đạt trên 5.694 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng tín dụng 6,67%; số khách hàng còn dư nợ trên 112.000 người. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã giải ngân được gần 903 tỷ đồng với trên 19.000 lượt khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ hộ nghèo hơn 1.000 tỷ đồng với hơn 16.200 hộ còn dư nợ, tăng trên 68 tỷ đồng so với năm 2022; dư nợ hộ cận nghèo đạt trên 1.000 triệu đồng với gần 15.700 hộ cận nghèo còn dư nợ, tăng hơn 118 tỷ đồng so với năm 2022.

Ông Trương Việt Phương, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ cho hay, nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn vay của các hộ dân nơi vùng khó, ngày 5/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 17/2023/QĐ-TTg về tín dụng tại vùng khó khăn về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 31 và Quyết định 92, có hiệu lực từ ngày 8/8/2023.

Theo đó, mức vốn cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với một hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn được tăng từ tối đa 50 triệu đồng/người lên tối đa 100 triệu đồng/người, lãi suất cho vay bằng 9%/năm. Đối với thương nhân là cá nhân, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/cá nhân, trước đây thương nhân là cá nhân không mở sổ sách kế toán và nộp thuế khoán chỉ được vay tối đa 50 triệu đồng/cá nhân. Đối với thương nhân là tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật, mức vốn cho vay tối đa lên đến một tỉ đồng/tổ chức, trước đây tối đa 500 triệu đồng/tổ chức.

Đây là tin vui đối với các hộ sản xuất kinh doanh và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn có thêm điều kiện tiếp cận nguồn vốn lớn hơn để đầu tư mở rộng quy mô, tăng năng lực sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế tại chính quê hương mình./.

Toàn Đức/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gieo-von-tren-nui-rung-dat-to/302844.html