'Gieo chữ' trên non

Dạy học vùng cao là một công việc đầy khó khăn, thách thức bởi không chỉ đơn thuần là trao truyền kiến thức mà mỗi thầy, cô giáo cần phải có lòng nhiệt huyết, sự hy sinh để có thể băng rừng, vượt suối đến với học sinh thân yêu của mình. Tại những điểm trường khó khăn, xa xôi nhất, những người thầy, người cô đã hy sinh thời gian bên gia đình, thậm chí dành cả tuổi thanh xuân của mình đến với vùng cao để 'gieo con chữ'.

Câu chuyện về hành trình “gieo chữ” của cô giáo Hà Thị Bình và các thầy, cô giáo tại lớp cắm bản ở Sinh Tàn - bản người Dao đặc biệt khó khăn xã vùng cao Thượng Cửu, huyện miền núi Thanh Sơn là một minh chứng cho sự tận tâm, nhiệt huyết của các thầy, cô với hành trình “cõng chữ” lên non.

Cô giáo Hà Thị Bình phụ trách lớp ghép 1-2, lớp cắm bản ở điểm trường lẻ Sinh Tàn.

Những ngày lập Đông, chúng tôi có dịp về lại Sinh Tàn- nơi cách trung tâm xã Thượng Cửu khoảng chín km. Con đường bê tông ngoằn nghèo uốn lượn như dải lụa đào ôm trọn những quả núi. Dù mới chớm lạnh nhưng lên Sinh Tàn mây mù giăng khắp lối đi cảm giác như cái lạnh sâu hơn. Lớp cắm bản Sinh Tàn hiện ra, giữa núi rừng đại ngàn chỉ thấy tiếng cô, trò vang vọng: “Ươm, ướp” từ lớp ghép 1-2 của cô giáo Hà Thị Bình. Gian khổ là vậy nhưng các thầy, cô nơi đây vẫn ngày đêm bám trường, bám lớp để “gieo con chữ” cho các học trò người Mông giữa trùng điệp núi rừng.

Tiếp chúng tôi bằng một rổ khoai, sắn luộc, cô giáo Hà Thị Bình, giáo viên điểm trường lẻ Sinh Tàn, người đã có thâm niên 13 năm “cắm bản” chia sẻ: Năm 1993 sau khi ra trường, tôi về nhận công tác tại Trường Tiểu học Thượng Cửu, được tận mắt chứng kiến cảnh nghèo đói, lạc hậu, cuộc sống khó khăn, vất vả của Sinh Tàn và tôi nghĩ tương lai của các em nơi đây sẽ đi về đâu khi không được đến trường, rồi cái đói, cái nghèo sẽ mãi đeo bám các em. Vì vậy tôi quyết định gắn bó với mảnh đất, con người nơi đây để quyết tâm “gieo con chữ”, mang đến một tương lai tươi sáng hơn cho các em.

Hơn chục năm “cắm bản” gieo chữ ở vùng cao, cô Bình không thể nhớ hết đôi chân của mình đã vượt bao nhiêu đèo, lội bao nhiêu con suối, đến bao nhiêu hộ dân để vận động học sinh tới lớp, chỉ biết giờ đây nụ cười của các em là liều thuốc tinh thần giúp cô tiếp tục bám trường, bám lớp.

Tại điểm cắm bản Sinh Tàn cô Tình cũng là một trong những giáo viên tình nguyện lên đây cắm bản. Năm 1999, cô được phân công dạy học ở khu trung tâm sau ba năm cắm bản ở điểm trường lẻ Sinh Tàn. Tuy nhiên, cô vẫn luôn đau đáu nghĩ về tương lai của các học trò nơi đây. Bởi vậy, năm 2021 cô đã tình nguyện xin về lại Sinh Tàn với mong muốn gieo chữ mở rộng cánh cửa tương lai hơn cho các trò nghèo. Giống như người đi khai phá những vùng đất hoang, cô Tình cùng với các thầy, cô kiên trì đến từng hộ vận động người dân cho con đi học, thiếu bút cô cho bút, thiếu áo quần, cô cho áo quần, thiếu ăn cô cho các con ăn. Nhờ kiên trì mà 100% con em trong bản đã yêu trường, yêu lớp, coi các thầy, cô như người mẹ thứ hai của mình.

Điểm trường lẻ Sinh Tàn có hai lớp mầm non và ba lớp tiểu học do năm thầy, cô phụ trách cắm bản, trong đó cô giáo Hà Thị Bình phụ trách lớp ghép 1-2. Còn lại lớp 3 do cô Tình, thầy Thuận phụ trách. Nhận công tác ở điểm trường xa xôi, xa gia đình lại thiếu thốn mọi thứ song bằng trách nhiệm và tình thương, những giáo viên “cắm bản” đang ngày đêm vượt qua trở ngại, khó khăn để miệt mài “gieo chữ”, mang niềm vui đến cho các em.

Khó khăn, vất vả là thế nhưng mảnh đất vùng cao Sinh Tàn hay bất cứ đâu sẽ không bao giờ vắng bóng những người thầy tâm huyết bởi chỉ cần nhìn thấy những nụ cười của học trò là trái tim họ lại thúc giục lên đường.

Hà Trang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giao-duc/gieo-chu-tren-non/204797.htm