Giáo viên và sách giáo khoa mới
Sách giáo khoa mới thuộc Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018 nhiều đổi mới về nội dung theo hướng tiếp cận những chương trình thế giới. Sách giáo khoa (SGK) là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là sự thích nghi và đáp ứng tốt của giáo viên (GV), Tiến sĩ Lê Cao Phan - tác giả biên soạn SGK mới nhận xét.
Không đạt về bồi dưỡng không phân công giảng dạy
Ngày 4/5, UBND tỉnh chính thức phê duyệt lựa chọn SGK lớp 2 và lớp 6 CTGDPT 2018 sử dụng trên địa bàn toàn tỉnh năm học 2021-2022. Ngày 14/5, UBND tỉnh cũng phê duyệt tuyển sinh lớp 6 năm học 2021-2022 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 21.205 học sinh (HS). Đối với lớp 2, HS đã được học CTGDPT 2018 từ lớp 1 năm học 2020-2021. Theo đó, ngày 18/5, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Lâm Đồng chính thức thông báo nhu cầu trang bị SGK lớp 2 đến Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDĐT. Trong đó, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” ứng dụng tại 9 huyện (Cát Tiên, Đạ Huoai, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương, Đơn Dương và Đam Rông) và bộ “Chân trời sáng tạo” ứng dụng tại 2 thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Đạ Tẻh. Tổng nhu cầu toàn tỉnh trên 25.000 bộ/môn học (môn Âm nhạc ít hơn), dự phòng gần 1.800 bộ/8 môn. Riêng môn Tiếng Anh lớp 2, toàn tỉnh 260 trường với 684 lớp, hơn 21.000 bộ cả chính thức và dự phòng.
Chiều 19/5, Phó Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng Trần Đức Lợi cho biết, hiện ngành đang khẩn trương thống kê số lượng cụ thể cán bộ quản lý (CBQL) và GV để tổ chức tập huấn nội dung SGK lớp 2 và lớp 6. Ước tính, lớp 2 khoảng 300 CBQL và 1.700 GV; lớp 6 cũng khoảng 300 CBQL và khoảng 3.200 GV. Sau khi các trường hoàn tất chương trình năm học 2020-2021, khoảng tháng 7 Sở GDĐT sẽ tổ chức triển khai tập huấn nội dung SGK mới đối với đội ngũ cốt cán, sau đó tiếp tục tập huấn tại các cụm trường.
Để kịp thời, cuối tháng 2/2021, Sở GDĐT Lâm Đồng đã triển khai kế hoạch tổ chức bồi dưỡng GV, CBQL đại trà. Đến giữa tháng 5, việc bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến đối với mô đun 1 và 2 đại trà các cấp học toàn tỉnh cơ bản đã hoàn thành. Tỷ lệ tham gia đạt 97%, trong đó được đáng giá đạt gần 90%. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở GDĐT, một số GV, CBQL chưa thực sự tự tin, tích cực trong công tác bồi dưỡng theo phương thức mới; cá biệt còn một số CBQL, GV ở một số trường nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu triển khai CTGDPT mới... Sở GDĐT yêu cầu các Phòng GDĐT, trường trực thuộc rút kinh nghiệm, khắc phục tồn tại và yêu cầu 100% CBQL, GV các cơ sở giáo dục phải tham gia công tác bồi dưỡng đại trà của các môn học/hoạt động giáo dục được tổ chức bồi dưỡng. Và “Học viên không đạt tất cả các mô đun triển khai trong năm 2021 thì nhà trường không phân công giảng dạy các lớp 1, lớp 2 và lớp 6 trong năm học 2021- 2022”.
Giáo viên không “làm quen” mà cần “thói quen”
Tiến sĩ Vật lý Lê Cao Phan nguyên là cán bộ giảng dạy Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, tác giả được chọn tham gia biên soạn SGK “Khoa học tự nhiên” lớp 6 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và hiện nhóm tác giả đã biên soạn sách tham khảo. Trao đổi chung về SGK mới, Tiến sĩ Lê Cao Phan đánh giá ưu điểm là nội dung sách nhẹ hơn nhiều; đã tiếp cận với những chương trình giáo dục của thế giới (nhẹ về lý thuyết nặng về ứng dụng thực hành). Cách phân chia bài học trước đây theo tiết, thuận lợi trong quản lý, nhưng SGK mới biên soạn theo chủ đề, tạo điều kiện cho GV chủ động và sáng tạo. Đối với đồ dùng, thiết bị thí nghiệm các bộ SGK viết khác nhau, do đó nếu chung bộ là sẽ khó khăn. Tuy nhiên, quá trình viết sách, các tác giả đều hướng đến làm thế nào dễ tìm được các dụng cụ thí nghiệm, không nhất thiết phải chờ phòng thư viện của nhà trường mà GV có thể chủ động sưu tầm được một số trang thiết bị.
Tiến sỹ Lê Cao Phan cũng cho rằng, sĩ số học sinh/lớp đông sẽ khó khăn trong tổ chức các hoạt động. Vấn đề quan trọng là đội ngũ GV. “Bồi dưỡng CBQL, GV không đơn giản phương pháp dạy học như trước đây họ đã được học nhiều, cần thay đổi từ “làm quen” thành “thói quen”, từ nếp nghĩ đến cách đánh giá...
Vì vậy rất cần tăng cường tính thực tế, thói quen ứng dụng sách mới”, ông Phan nói. Mặt khác, rất cần bồi dưỡng kiến thức cho GV không chuyên ngành đã đào tạo ở trường chuyên nghiệp, bởi nhiều SGK mới được biên soạn liên môn. Học sinh học tích hợp thì GV không thể chỉ nắm kiến thức đơn ngành. Đặc biệt là thực hành thí nghiệm, GV cần được tập huấn về hoạt động thí nghiệm, nếu dạy chay như trước sẽ không đạt hiệu quả như chương trình mới hướng tới.
Với bậc tiểu học, để triển khai SGK lớp 1, tháng 10/2019, Sở GDĐT Lâm Đồng đã triển khai bồi dưỡng cho đội ngũ CBQL, GV. Cũng như THCS, bậc tiểu học CTGDPT 2018 biên soạn theo hướng đổi mới rất rõ. Ví dụ môn Toán, theo ông Nguyễn Duy Hải - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GDĐT Lâm Đồng, chương trình hình thành, phát triển ở HS năng lực toán học với các thành tố: tư duy và lập luận toán học; mô hình hóa toán học; giải quyết vấn đề toán học; giao tiếp toán học; sử dụng công cụ, phương tiện học Toán. Do đó, “GV cần chuyển quá trình thuyết giảng thành quá trình tổ chức hoạt động học cho HS, có thể thông qua các hoạt động: Gợi động cơ, tạo hứng thú; Trải nghiệm, khám phá; Phân tích, rút ra bài học; Thực hành; Ứng dụng”, ông Hải nhìn nhận.
Chúng tôi khép lại bài viết với vài vấn đề khái quát: Việc cơ bản, quan trọng nhất là GV cần được sớm tiếp cận, nghiên cứu SGK và tập huấn kỹ lưỡng về chương trình. Bản thân GV tự nghiên cứu, bồi dưỡng, học hỏi để nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu rất quan trọng. Cùng đó, GV xác định đối tượng HS để xây dựng kế hoạch, nội dung dạy học linh hoạt, phù hợp. Chỉ khi người thầy làm chủ SGK, chương trình, nắm vững phương pháp và hình thức tổ chức các hoạt động thì mới tối ưu hóa hiệu quả dạy - học. Vấn đề phòng học bộ môn, đồ dùng và thiết bị dạy-học đóng vai trò quan trọng, nhất là SGK mới đòi hỏi nhiều thực hành, thí nghiệm. Vì vậy, nên mạnh dạn đầu tư, từ ngân sách Nhà nước và phát huy xã hội hóa. Được biết, ngày 12/5, Sở GDĐT Lâm Đồng có tờ trình gửi UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 và lớp 6 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng. Mặt khác, việc thay SGK mới theo CTGDPT 2018 cũng rất cần bậc phụ huynh có thể cùng con ứng dụng, cập nhật tình hình thực tiễn, để giúp HS xây dựng bài học tốt hơn, nhất là kỹ năng mềm.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202105/giao-vien-va-sach-giao-khoa-moi-3057842/