Giáo sư hàng đầu thế giới nêu nguyên nhân ô nhiễm không khí ở Việt Nam

Giáo sư Daniel Kammen cho rằng, xe máy và xe tải là hai loại phương tiện giao thông gây ra ô nhiễm không khí nhiều nhất hiện nay, cần thay thế bằng xe điện.

Nhận định của GS Daniel Kammen, cố vấn cao cấp về Năng lượng và Đổi mới tại cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ chia sẻ bên lề Tuần lễ khoa học VinFuture 2024.

GS Daniel Kammen chỉ ra 2 yếu tố bắt buộc đòi hỏi phát triển xe điện. Thứ nhất, xe điện không gây ra ô nhiễm như các xe chạy bằng xăng hay dầu diesel.

Thứ hai, xe điện là xu thế toàn cầu không thể bỏ lỡ. Đây là phương tiện giao thông chi phí thấp, phù hợp với nhiều tầng lớp người tiêu dùng khác nhau trong xã hội. Đó cũng là lý do khiến nhiều nước đưa ra chính sách phát triển xe điện, trong đó Việt Nam là điểm sáng.

Giáo sư Daniel Kammen chia sẻ bên lề Tuần lễ Khoa học VinFuture 2024.

Giáo sư Daniel Kammen chia sẻ bên lề Tuần lễ Khoa học VinFuture 2024.

Vị chuyên gia này cũng đánh giá, Việt Nam đang có nhiều cơ hội hơn là thách thức để phát triển xe điện.

Cơ hội đầu tiên chính là việc Việt Nam có lượng xe máy lưu thông rất lớn. VinFast đã sản xuất được xe máy điện nên không có lý do gì để không thay thế xe máy chạy xăng sang xe máy điện, nhất là khi công nghệ chúng ta đã làm chủ và đã có thể tự sản xuất trong nước.

Trên thực tế, xe máy và xe tải hiện là hai loại phương tiện giao thông gây ra ô nhiễm không khí nhiều nhất. Vì vậy, Việt Nam có thể tập trung vào hai ngách thị trường này.

Bên cạnh đó, ông cho rằng, lợi ích lớn nhất khi phát triển xe điện là cải thiện chất lượng không khí. "Việt Nam nên áp dụng các chính sách khuyến khích người dân sử dụng xe điện và hạn chế, thậm chí là cấm các phương tiện phát thải, gây ô nhiễm", ông nói.

Để chính sách được đi vào cuộc sống, Việt Nam cần xác định rõ thời gian, thời điểm nhất định để không cho phép bất kỳ xe chạy xăng mới nào được bán ra thị trường. Với xe cũ thì vẫn có thể cho phép sử dụng trong khoảng thời gian nhất định, giống như là ở Anh hay là California (Mỹ), quê hương ông đang áp dụng.

"Chúng tôi đã ban hành chính sách cấm bán các xe mới chạy bằng xăng sau năm 2035. Đây là biện pháp để những người có thu nhập tốt, muốn mua xe mới sẽ không mua được xe xăng và quay sang xe điện. Còn những người thu nhập thấp, vẫn có thể tiếp tục sử dụng xe xăng cũ của mình trong thời gian tiết kiệm để chuyển đổi phương tiện. Tôi nghĩ rằng nếu như Việt Nam làm theo chính sách này, sẽ có lợi cả cho các nhà sản xuất trong nước", GS Kammen nói.

Việc sử dụng và phát triển xe điện còn đêm lại những lợi ích lớn về sức khỏe. Vấn đề chất lượng không khí ở Việt Nam đang bị ảnh hưởng nhiều bởi các phương tiện chạy bằng xăng. Vậy nên, nếu Việt Nam không sử dụng các xe chạy xăng, chúng ta sẽ có được cả các lợi ích về kinh tế và về sức khỏe.

Vị chuyên gia hàng đầu về năng lượng và môi trường này cũng đánh giá cao thị trường xe điện ở Việt Nam với nhiều tiềm năng. Theo ông, giống như quá trình phát triển các công nghệ mới tua bin gió tại Đan Mạch, Nhật Bản phát triển công nghệ điện mặt trời và xe điện phát triển ở California (Mỹ), Vương quốc Anh, có thể thấy rằng chừng nào các quốc gia chưa làm chủ động được công nghệ thì sẽ khó để đưa ra chính sách phát triển công nghiệp thực sự mạnh, hiệu quả. Nếu luôn luôn phải đi mua công nghệ từ nước khác, thì sẽ rất khó để tự đưa ra các chính sách điều chỉnh ngành công nghiệp trong nước.

Trong khi đó, Việt Nam đã có VinFast, tức là đã có công nghệ. Việt Nam có thể tự sản xuất và làm chủ. Điều này giúp Việt Nam có thể đưa ra được những mục tiêu cụ thể và rõ ràng hơn. Công nghệ được phát triển trong nước sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân và đồng thời tăng xuất khẩu ra thế giới.

"Tôi rất mong chờ sẽ có nhiều xe VinFast được xuất khẩu sang nhiều nước hơn nữa. Không chỉ là sang Mỹ, xe điện VinFast có thể sang cả Nhật Bản, châu Âu… Việc này góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu kép là vừa phát triển năng lượng xanh vừa tăng trưởng kinh tế", GS Kammen nói.

Hà Cường

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/giao-su-hang-dau-the-gioi-neu-nguyen-nhan-o-nhiem-khong-khi-o-viet-nam-ar912445.html