Giao điểm giữa ngoại giao gấu trúc và chiến lang của Trung Quốc

Những con gấu trúc Trung Quốc cho nước ngoài mượn đã hồi hương trong khi đó, nhiều nhà ngoại giao theo trường phái 'Chiến lang' của nước này bắt đầu im lặng khi Bắc Kinh thay đổi phương pháp ngoại giao.

Ngoại giao gấu trúc và chiến lang

Ông Triệu Lập Kiên. Ảnh: Getty Images

Ông Triệu Lập Kiên. Ảnh: Getty Images

Tờ Guardian (Anh) cho biết thế hệ quan chức ngoại giao của Trung Quốc đi theo trường phái cứng rắn hơn với phương Tây được gọi là ngoại giao “Chiến lang” - dựa trên bộ phim cùng tên năm 2015 của Trung Quốc.

Trung Quốc đã cấm mạng xã hội X, trước đây là Twitter, hoạt động tại nước này từ năm 2009. Tuy nhiên, nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc đã sử dụng mạng xã hội này để lan tỏa quan điểm của họ với dư luận nước ngoài. Bên cạnh đó, kể từ năm 2014, tất cả các đại sứ quán Trung Quốc đều có trang Facebook chính thức dù Trung Quốc đã cấm mạng xã hội này ở trong nước từ năm 2009. Khác với các tài khoản Facebook chủ yếu được sử dụng để quảng bá văn hóa Trung Quốc và đăng hoạt động hợp tác ngoại giao thì tài khoản X của các đại sứ Trung Quốc lại mang tiếng nói cá nhân.

Với những bình luận như “Có thể quân đội Mỹ đã mang virus gây bệnh COVID-19 đến Vũ Hán” và “Phân biệt chủng tộc đối với cộng đồng thiểu số ở Mỹ là căn bệnh mãn tính của xã hội xứ sở cờ hoa”, cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên được mệnh danh là Chiến lang hăng hái nhất của Trung Quốc.

Ông Triệu Lập Kiên thu hút hơn 1,9 triệu người theo dõi trên X và nhiều đồng nghiệp Trung Quốc cũng áp dụng cách tiếp cận thẳng thắn của ông. Nhưng vào đầu tháng 1, ông Triệu Lập Kiên đột ngột nhận vai trò khác trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc về biên giới trên bộ và trên biển. Kể từ đó, ông không còn đăng bài trên X.

Ngoài Chiến lang, ngoại giao gấu trúc cũng là một cách tiếp cận mang dấu ấn của Trung Quốc. Gấu trúc là động vật quý hiếm và là biểu tượng văn hóa của Trung Quốc. Chúng chủ yếu sống ở các khu rừng ôn đới vùng núi phía Tây Nam nước này.Trung Quốc có khoảng 1.800 con gấu trúc sống trong tự nhiên nhưng nước này cũng có ít nhất 65 con khác được chuyển cho hơn 20 quốc gia trên thế giới mượn.

Lần đầu tiên Trung Quốc tặng gấu trúc làm quà ngoại giao là vào thời nhà Đường (618–907). Vào thập niên 1970 của thế kỷ trước, sau chuyến thăm mang tính bước ngoặt của Tổng thống Mỹ thứ 37 Richard Nixon tới Trung Quốc, lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ là Mao Trạch Đông đã tặng hai con gấu trúc cho Washington. Hai năm sau, Trung Quốc cũng tặng Anh hai con gấu trúc.

Giáo sư dự bị Chong Ja Ian tại Đại học Quốc gia Singapore giải thích: “Những chú gấu trúc mang đến một góc nhìn thân thiện và đáng yêu về Trung Quốc”. Kể từ những năm 1980, Bắc Kinh đã điều chỉnh chương trình này để cho mượn gấu trúc với một khoản phí và thời gian giới hạn, như một dấu hiệu của tình hữu nghị với các nước trên thế giới. Tính đến năm 2023, Bắc Kinh đã cho khoảng 26 vườn thú ở 20 quốc gia khác nhau thuê gấu trúc.

Gấu trúc và Chiến lang chuyển sang bên lề

Một cập gấu trúc tại Khu bảo tồn thiên nhiên Wolong, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Một cập gấu trúc tại Khu bảo tồn thiên nhiên Wolong, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Giáo sư dự bị Chong Ja Ian nhận định rằng các Chiến lang đã bị đẩy sang một bên. Khi đại sứ Bắc Kinh tại Pháp Lu Shaye đặt câu hỏi về chủ quyền của các quốc gia hậu Liên Xô trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Pháp vào tháng 4, khiến một số nước châu Âu phẫn nộ, Bắc Kinh đã nhanh chóng tách biệt với Lu Shaye và phát biểu của ông này. Đại sứ quán Trung Quốc ở Pháp tuyên bố phát ngôn của ông Lu Shaye là “quan điểm cá nhân”.

Gấu trúc cho mượn tại các vườn thú trên khắp phương Tây đã quay trở lại Trung Quốc trong năm nay mà không có kế hoạch tức thời để thay thế chúng. Ông Yuan từ Đại học Rutgers nhận định gấu trúc rời khỏi các vườn thú phương Tây mà không có con mới thay thế là dấu hiệu của mối quan hệ băng giá hiện tại giữa Trung Quốc với các quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ. Ông Yuan nhấn mạnh: “Gấu trúc ở một khía cạnh nào đó là chiếc nhiệt kế ngoại giao. Đó có thể là một cách để Bắc Kinh thể hiện tinh tế rằng họ không hài lòng với cách mà mối quan hệ song phương đang tiến triển”.

Theo học giả Shaoyu Yuan của Đại học Rutgers (Mỹ), sự ra đi của các Chiến lang và gấu trúc phản ánh thay đổi trong cách tiếp cận ngoại giao của Bắc Kinh. Ông nói: “Họ đang cố gắng tìm ra điểm cân bằng giữa chính sách ngoại giao cứng rắn và mềm mỏng”.

Bắc Kinh có góc nhìn hòa giải hơn với Mỹ kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Joe Biden ở San Francisco vào tháng 11. Kênh Aljazeera nhận định đây là tương phản rõ rệt so với đầu năm liên quan đến khinh khí cầu Trung Quốc. Vào tháng 2, chiến đấu cơ Mỹ đã bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc bay qua không phận nước này, ở khu vực ngoài khơi Carolina, trên Đại Tây Dương. Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản hồi đây là khí cầu được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học, việc khinh khí cầu dân sự này xuất hiện trong không phận Mỹ là ngoài ý muốn.

Nhiều nhà phân tích cho rằng thay đổi trong ngoại giao của Bắc Kinh cũng liên quan đến những khó khăn kinh tế mà nước này hiện phải đối mặt. Ông Chong nêu bật: “Ngay bây giờ, việc tiếp cận đầu tư và công nghệ nước ngoài đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc”. Ông Yuan nhận xét: “Kế hoạch kinh tế toàn cầu của Trung Quốc đòi hỏi một phong cách ngoại giao bớt hung hăng hơn để giảm thiểu đối đầu”. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nó sẽ biến mất mãi mãi.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Aljazeera)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/giao-diem-giua-ngoai-giao-gau-truc-va-chien-lang-cua-trung-quoc-20231226165941061.htm