Giảm thuế nhập khẩu gỗ về 0: Được và mất?

Theo các chuyên gia, việc giảm thuế nhập khẩu đối với gỗ có thể gây áp lực đối với doanh nghiệp nội địa. Tuy nhiên, xét về tổng thể ngành gỗ được hưởng lợi khi rủi ro bị Mỹ áp thuế đối ứng sẽ thấp hơn.

Tránh rủi ro bị áp thuế đối ứng

Ngày 31/3, Chính phủ ban hành Nghị định 73/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng. Trong đó, thuế nhập khẩu nhiều sản phẩm từ gỗ được giảm mạnh về 0%.

Cụ thể, Nhóm 44.21: Các sản phẩm bằng gỗ (bao gồm các sản phẩm như mắc treo quần áo, quan tài, lõi cuộn chỉ, ống sợi và suốt sợi, guồng cuốn chỉ may và các sản phẩm tương tự, thanh gỗ để làm diêm…); Nhóm 94.01 và 94.03: Ghế ngồi và các bộ phận của ghế ngồi; đồ nội thất bằng gỗ, thuế nhập khẩu được giảm từ 20% và 25% xuống cùng một mức thuế suất là 0%.

Việc giảm thuế mạnh như vậy tưởng chừng sẽ gây áp lực đối với các doanh nghiệp gỗ nhưng thực chất đây lại là tin vui đối với ngành này, nhất là với các doanh nghiệp tập trung vào xuất khẩu, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp ban hành thuế đối ứng.

Bình luận về quyết định này ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp Hội Gỗ Và Lâm Sản Việt Nam, cho biết quyết định giảm thuế nhập khẩu gỗ của Chính phủ là rất quyết liệt và kịp thời nhằm đảm bảo Mỹ không áp thuế đối ứng với sản phẩm gỗ của Việt Nam.

“Chúng ta đang thả con săn sắt, bắt con cá rô, cần tính đến lợi ích toàn cục của toàn nền kinh tế”, ông Hoài bình luận về việc được - mất khi giảm thuế nhập khẩu.

Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của năm 2024 đạt hơn 16 tỷ USD, trong khi chiều ngược lại chỉ nhập khẩu 2,7 tỷ USD.

Phần lớn Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu thô về để chế biến sản phẩm gỗ giá trị gia tăng. Còn lại phần rất nhỏ (khoảng 300 triệu USD) là các sản phẩm đã được chế biến, gia công hoàn chỉnh nhưng chủ yếu là từ Trung Quốc.

Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu (H.Mĩ tổng hợp)

Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu (H.Mĩ tổng hợp)

Sự chênh lệch lớn giữa xuất khẩu và nhập khẩu vẫn duy trì trong hai tháng đầu năm nay với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2,5 tỷ USD trong khi nhập khẩu chỉ khoảng 400 triệu USD. Trong đó, Mỹ chiếm tới một nửa tỷ trọng các thị trường xuất khẩu gỗ của Việt Nam.

Do đó, quyết định thuế từ Mỹ được xem là rất quan trọng đối với doanh nghiệp gỗ Việt Nam và cả những doanh nghiệp nhập khẩu của Mỹ.

“Thời gian gần đây, các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ của Mỹ cũng đang thấp thỏm chờ đợi quyết định cuối cùng của tổng thống Trump. Chúng tôi cũng kỳ vọng ông Trump sẽ xem xét một cách công bằng để không áp thuế đối ứng với sản phẩm gỗ mà Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ”, ông Hoài nói.

Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu (H.Mĩ tổng hợp)

Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu (H.Mĩ tổng hợp)

Ngoài thuế đối ứng, trong vài ngày tới, ngành gỗ còn phải đối mặt với áp lực từ cuộc điều tra theo mục 232 của đạo luật thương mại mở rộng. Theo đạo luật này, tổng thống Mỹ có quyền áp thuế hoặc hạn chế nhập khẩu các sản phẩm có thể đe dọa đến ngành công nghiệp và an ninh trong nước. Gỗ cũng là một trong những mặt hàng được liệt kê là có thể đe dọa đến kinh tế Mỹ.

Ngày 1/4, Hiệp hội Gỗ đã gửi phản biện tới Mỹ đối với mục 232. Theo đó, quan hệ thương mại về gỗ giữa Việt Nam và Mỹ không phải là kìm hãm mà là bổ trợ. Việt Nam là thị trường nhập khẩu gỗ tròn, gỗ xử từ Mỹ. Trong khi đó, chế biến gỗ là ngành công nghiệp đã phải đẩy ra khỏi Mỹ. Còn Việt Nam có thế mạnh về chế biến, đáp ứng được nhu cầu tầng lớp trung lưu ở Mỹ.

“Nếu có cạnh tranh, Việt Nam cũng chỉ cạnh tranh với nước thứ ba chứ không phải đối đầu trực tiếp với Mỹ. Đây là mô hình hợp tác thương mại có đi - có lại, có lợi cho cả hai bên”, ông Hoài khẳng định.

Thị trường trong nước sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

Điều mà Việt Nam phải đánh đổi trong quyết định giảm thuế của Chính phủ là thị trường gỗ trong nước sẽ phải cạnh tranh khối liệt hơn nhất là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Do vậy, các doanh nghiệp có tỷ trọng doanh số bán hàng trong nước lớn không có cách nào khác phải nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hiện tại gỗ Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu các thị trường Việt Nam nhập khẩu mặt hàng này với 43%.

Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu (H.Mĩ tổng hợp)

Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu (H.Mĩ tổng hợp)

Hiện tại, Hội Gỗ Và Lâm Sản Việt Nam chưa thể tính toán cụ thể gỗ nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tăng bao nhiêu % khi giảm thuế về 0%. Tuy nhiên, các sản phẩm dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng bởi quyết định giảm thuế bao gồm một số loại bàn ghế văn phòng, salông, đệm mút ở phân khúc giá rẻ. Các sản phẩm này sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh từ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và một số nước lân cận như Malaysia, Indonesia, Thái Lan.

Hiệp hội cũng chỉ ra điểm yếu của các doanh nghiệp vừa xuất khẩu và bán ở thị trường nội địa. Theo đó, các doanh nghiệp lớn Việt Nam quen làm đơn hàng xuất khẩu với khối lượng rất lớn. Tuy nhiên, khâu bán lẻ, phân phối lại đang yếu vì chưa chủ động được chuỗi cung ứng trong nước. Do đó, câu chuyện quan trọng của các doanh nghiệp Việt khi hướng vào thị trường nội địa là làm sao cải thiện được năng lực bán lẻ.

Tuy nhiên, theo ông Hoài, đây không phải là điều mà ngành gỗ phải quá lo lắng: “Thực ra chúng ta không nhập khẩu nhiều. Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước tốt để có thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu và yêu cầu đồ gỗ ở thị trường nội địa.

Vấn đề là hiện nay là các doanh nghiệp buộc phải nâng cao sức cạnh tranh và giảm giá. Ngoài ra cũng cần đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại. Vừa qua, chúng tôi cũng đã phối hợp với các hiệp hội địa phương để xúc tiến thương mại, quảng cáo các sản phẩm gỗ Việt”.

Mặc dù vậy, ông Hoài cho rằng việc mở rộng thị trường trong thời gian tới là yêu cầu cấp thiết. “Việc mở rộng thị trường được xem là mệnh lệnh đối với các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội. Chúng ta không thể bỏ trứng vào một giỏ", ông nói.

Tuy nhiên, theo ôngNgô Sỹ Hoài, việc mở rộng sang một thị trường mới hiện nay rất khó khăn và tốn kém rất nhiều nguồn lực, thời gian và không dễ gì để tung ra một sản phẩm và nhận được sự hưởng ứng từ các khách hàng. Cần rất nhiều thời gian để giao dịch và thực hiện một số công việc khác liên quan đến logistics.

Do đó, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng thời điểm hiện tại Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất sau đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/giam-thue-nhap-khau-go-ve-0-duoc-va-mat.html