Giám sát để không trục lợi chính sách hỗ trợ lao động
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ LĐTB&XH triển khai và giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm việc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Không để lợi dụng, trục lợi chính sách
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực người lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho rằng Bộ LĐTB&XH đã rất tích cực trong việc tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Đây là chính sách hết sức quan trọng, kịp thời, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với người lao động và người sử dụng lao động trong quyết tâm kiểm soát dịch bệnh, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu kép.
Thay mặt tổ chức Công đoàn và công nhân lao động cả nước, ông Nguyễn Đình Khang cảm ơn Chính phủ, Bộ LĐTB&XH và các cơ quan chức năng đã lắng nghe những phản ánh, kiến nghị, đề xuất từ Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn trong quá trình xây dựng chính sách. Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 ban hành với 12 chính sách và quy định về tiêu chí, thủ tục hành chính đơn giản, khả thi và sát thực tiễn để người lao động và doanh nghiệp dễ tiếp cận, thụ hưởng chính sách thuận lợi hơn, đồng thời vẫn đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Đình Khang cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn với trách nhiệm của mình sẽ tiếp tục phối hợp tích cực, chặt chẽ với Bộ LĐTB&XH, các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến đến đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ LĐTB&XH triển khai và giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm việc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách như mục tiêu và nguyên tắc của Nghị quyết.
Chủ động chăm lo cho người lao động
Ngay từ khi dịch bùng phát, tổ chức công đoàn đã chủ động, tích cực động viên, chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhất là công nhân lao động gặp khó khăn, lao động yếu thế như lao động nữ, thai sản, nuôi con nhỏ mất việc làm, giảm việc làm, nghỉ việc luân phiên. Các tổ chức công đoàn đã sử dụng tài chính công đoàn tích lũy để hỗ trợ đoàn viên, người lao động. Trong 3 đợt bùng phát dịch đã có trên 255.000 đoàn viên, người lao động được hỗ trợ với tổng số kinh phí là hơn 176 tỷ đồng.
Ngoài ra, công đoàn các cấp đã tích cực vận động từ các nguồn xã hội hóa để chăm lo cho đoàn viên, người lao động với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Các cấp công đoàn đã linh hoạt, sáng tạo với nhiều mô hình giúp đỡ đoàn viên, người lao động hiệu quả, như Tổ an toàn COVID-19 tại cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, Tổ cứu trợ khẩn cấp, siêu thị 0 đồng...
Tổng Liên đoàn chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 với biến chủng virus mới bùng phát mạnh kể từ cuối tháng 4, tiếp tục tác động mạnh mẽ tới công nhân lao động với trên 9.450 ca nhiễm là công nhân, viên chức lao động tại địa bàn 35 tỉnh, thành phố chiếm tỷ lệ hơn 31% tổng số ca lây nhiễm cộng đồng.
Để kịp thời chăm lo, hỗ trợ người lao động, Tổng Liên đoàn đã quyết định chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4 với tổng số tiền trên 113 tỷ đồng. Trong đó: hỗ trợ 193.248 đoàn viên, người lao động với số tiền 96,137 tỷ đồng, chi hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu chống dịch 17,127 tỷ đồng.
Cùng với đó, Tổng Liên đoàn đã phát động chương trình “Vaccine cho công nhân” thông qua Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng. Quỹ Tấm lòng Vàng cũng đã ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 số tiền 150 tỷ đồng.
Tổng Liên đoàn cũng đã có văn bản đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và đã được chấp thuận là cho phép doanh nghiệp được hạch toán kinh phí mua vaccine phòng COVID-19 cho công nhân, lao động, hoặc kinh phí tài trợ cho Quỹ vaccine vào chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp ký văn bản kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm dành kinh phí mua vaccine tiêm phòng COVID-19 cho công nhân lao động.
Trước diễn biến dịch bệnh đang bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam trong thời gian vừa qua, Tổng Liên đoàn đã kịp thời tới thăm hỏi, động viên, tặng quà, hỗ trợ cho người lao động, các doanh nghiệp gặp khó khăn, huy động cán bộ công đoàn các cấp tích cực bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, người sử dụng lao động vừa thực hiện phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh.