Giám sát chuyên đề phát triển năng lượng tại Sở Công Thương

Chiều ngày 7/3, Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục làm việc với Sở Công Thương theo kế hoạch giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021' trên địa bàn Bình Thuận.

Buổi làm việc do ông Nguyễn Hữu Thông - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng đoàn giám sát chủ trì, cùng tham dự có đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh và đại diện một số sở ngành liên quan.

Ông Nguyễn Hữu Thông - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Ông Nguyễn Hữu Thông - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Võ Văn Hòa - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Giai đoạn 2016 - 2021, việc phát triển năng lượng trên địa bàn Bình Thuận chủ yếu là phát triển năng lượng điện. Quá trình phát triển năng lượng điện được thực hiện theo chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách (ưu đãi và hỗ trợ về giá mua điện, về thuế, đất đai, môi trường…), chiến lược, quy hoạch, các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cũng như các bộ ngành liên quan.

Lãnh đạo Sở Công Thương báo cáo nội dung liên quan với Đoàn giám sát.

Lãnh đạo Sở Công Thương báo cáo nội dung liên quan với Đoàn giám sát.

Với hàng chục nhà máy điện đang hoạt động cùng với hệ thống lưới điện được đầu tư, cải tạo, nâng cấp thường xuyên nên đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp năng lượng điện của Bình Thuận còn góp phần đảm bảo cung cấp điện cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Theo lãnh đạo ngành Công Thương, việc phát triển năng lượng điện trên địa bàn Bình Thuận được đánh giá có chuyển biến tích cực, tốc độ phát triển các dự án năng lượng đạt cao. Dù vậy quá trình thực hiện đầu tư và phát triển các dự án nguồn điện, đặc biệt là nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) vẫn còn những mặt hạn chế như về giá mua điện gió, đền bù giải tỏa gặp khó khăn, khả năng giải phóng công suất các dự án năng lượng tái tạo…

Các thành viên Đoàn giám sát góp ý kiến tại buổi làm việc.

Các thành viên Đoàn giám sát góp ý kiến tại buổi làm việc.

Tại đây, các thành viên Đoàn giám sát đã góp ý kiến, trao đổi về nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn Bình Thuận. Đồng thời đề nghị Sở Công Thương đánh giá cụ thể để thấy được những bất cập, hạn chế của các văn bản quy phạm pháp luật khi triển khai thực hiện trong thực tế tại địa phương (như về sự cần thiết, kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, tính khả thi…).

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Hữu Thông cho rằng nội dung báo cáo của Sở Công Thương cơ bản bám sát đề cương, đánh giá được một số nội dung theo yêu cầu. Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát cũng đề nghị ngành tiếp tục tăng cường thực hiện tốt vai trò chủ trì công tác tham mưu quản lý nhà nước đối với lĩnh vực phát triển năng lượng điện trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó quan tâm theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư cũng như kịp thời tham mưu giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng dự án, công trình điện theo quy hoạch…

Đối với một số nội dung mà Sở Công Thương kiến nghị, Đoàn giám sát tiếp thu và sẽ tổng hợp để gởi các cấp ngành theo thẩm quyền của Đoàn Đại biểu Quốc hội - đơn vị tỉnh Bình Thuận.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/giam-sat-chuyen-de-phat-trien-nang-luong-tai-so-cong-thuong-106269.html